Đắk Lắk: Phát triển vật liệu xây dựng hướng đi nào bền vững?
Hạn chế về chủng loại
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ sản xuất được 7 chủng loại vật liệu, gồm: khai thác đá khối và chế biến đá ốp lát, sản xuất vật liệu xây (gạch đất sét nung và vật liệu xây không nung), sản xuất vật liệu lợp (chủ yếu là gia công tấm lợp kim loại), khai thác và chế biến đá xây dựng, khai thác cát xây dựng và sản xuất bê tông (bê tông thương phẩm và bê tông cấu kiện).
Một cơ sở sản xuất gạch trên địa bàn thôn Quỳnh Tân 2, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana. |
Cụ thể: toàn tỉnh hiện có 152 cơ sở sản xuất gạch đất sét nung các loại, với tổng công suất là 845 triệu viên tiêu chuẩn/năm và 11 cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung quy mô công nghiệp, tổng công suất khoảng 215 triệu viên/năm. Hoạt động khai thác, chế biến đá xây dựng được triển khai ở 13/15 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, với 47 cơ sở (48 điểm điểm mỏ) được cấp giấy phép khai thác đá, diện tích cấp phép hơn 403 ha. Sản lượng khai thác hằng năm đạt khoảng 70 – 95% tổng năng lực khai thác của tỉnh, tương đương với sản lượng từ 1,5 – 2,5 triệu m3 mỗi năm.
Chiến lược phát triển VLXD tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 đã được Sở Xây dựng trình lên UBND tỉnh, đồng thời lấy ý kiến góp ý của các thành viên UBND tỉnh. Hiện nay, đơn vị đang tiếp thu, rà soát, hoàn thiện dự thảo Chiến lược theo chỉ đạo của UBND tỉnh để trình phê duyệt thông qua. |
Trên địa bàn tỉnh cũng có 19 cơ sở khai thác cát xây dựng đang được cấp phép, với tổng diện tích cấp phép gần 652 ha, trữ lượng khai thác hơn 7 triệu m3, tổng công suất khai thác 515.000 m3/năm. Sản lượng khai thác trung bình mỗi năm đạt từ 360.000 – 430.000 m3. Đối với sản xuất bê tông thương phẩm và bê tông cấu kiện có 9 đơn vị, trong đó có 7 đơn vị đang hoạt động với tổng công suất đạt 570 m3/giờ, tương đương 1,36 triệu m3/năm.
Tuy nhiên, thực tế phát triển VLXD trên địa bàn tỉnh thời gian qua, cho thấy, nhiều loại VLXD không có đơn vị sản xuất trên địa bàn tỉnh. Đơn cử như các chủng loại vật liệu lợp, hiện tại trên địa bàn tỉnh không có đơn vị sản xuất, chỉ có các đơn vị gia công tấm lợp kim loại với quy mô nhỏ 50.000 – 100.000 m2/năm, nhằm phục vụ nhu cầu xây dựng tại chỗ của địa phương. Các loại sản phẩm còn lại, gồm: xi măng, gạch gốm ốp lát, sứ vệ sinh, kính phẳng, vôi công nghiệp, một số loại vật liệu lợp khác như ngói đất sét nung, tấm lợp amiăng xi măng đều phải nhập về từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định và một số tỉnh khác. Đặc biệt, các loại VLXD mới, chất lượng cao chưa nhiều, chưa bảo đảm các yếu tố để phát triển bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Định hướng để phát triển VLXD
Để bảo đảm phát triển VLXD trên địa bàn theo hướng bền vững, ngày 30/9/2022, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về việc tăng cường sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, chủ đầu tư các dự án xây dựng trên địa bàn tỉnh sử dụng những loại vật liệu xây không nung phù hợp với quy định, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến những chính sách liên quan đến Chương trình phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ việc quản lý chất lượng những sản phẩm vật liệu xây không nung đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định của pháp luật; tuyên truyền và phổ biến những chính sách ưu đãi khi chuyển đổi công nghệ sản xuất tiên tiến theo quy định đến các đơn vị sản xuất gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng. Tuy nhiên, chỉ thị này mới tập trung vào một loại VLXD là gạch, còn nhiều loại VLXD khác chưa có điều kiện, cơ chế để khuyến khích phát triển.
Một cơ sở khai thác cát ở khu vực cầu Giang Sơn, xã Yang Reh, huyện Krông Bông. |
Ông Lê Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, bên cạnh việc tham mưu UBND tỉnh triển khai nhiều biện pháp, trong đó có xây dựng lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, đơn vị còn tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển VLXD tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 phù hợp với quy định và thực tế tại địa phương.
Chiến lược này định hướng cho sự phát triển ngành VLXD của tỉnh theo hướng bền vững, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phù hợp với quy luật cung cầu của thị trường.
Đây cũng là căn cứ để xây dựng các chương trình hành động, đề tài khoa học công nghệ trong lĩnh vực phát triển VLXD, góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước, thực thi các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về VLXD.
Chiến lược còn định hướng cho công tác quản lý đầu tư xây dựng các nhà máy, cơ sở sản xuất VLXD có công nghệ hiện đại, năng suất, chất lượng sản phẩm cao, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu và bảo vệ môi trường để đáp ứng nhu cầu phát triển của thực tiễn và hội nhập sâu rộng cùng xu thế phát triển chung của cả vùng và toàn quốc.
Bên cạnh đó, chiến lược đề xuất lộ trình xóa bỏ các cơ sở sản xuất VLXD lạc hậu hiện có trên địa bàn, cũng như xác định những giải pháp và tổ chức thực hiện. Đồng thời hướng đến phát triển VLXD đảm bảo nguồn vật liệu cho xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh, trong khu vực và xuất khẩu đối với những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, góp phần vào tăng trưởng GRDP, nâng cao vị thế của ngành VLXD trong nền kinh tế của tỉnh.
Nguồn: Phát triển vật liệu xây dựng: Hướng đi nào bền vững?