Đắk Lắk: Sáng rõ bức tranh du lịch huyện Lắk
Định vị điểm đến
Theo Ban Chỉ đạo phát triển du lịch huyện Lắk, điểm đến này đã định vị được hình ảnh của mình trên bản đồ du lịch vùng Tây Nguyên và cả nước. Lượng khách du lịch đến đây trong vòng 5 năm qua liên tục tăng lên theo biểu đồ năm sau cao hơn năm trước.
Theo đó, thời gian lưu trú của du khách cũng không ngừng được cải thiện nhờ sản phẩm du lịch đa dạng và phong phú. Ngoài những khu nghỉ dưỡng trung và cao cấp đã hình thành như Lắk Tented Camp (Công ty TNHH Đường mòn châu Á); Lắk Resort (Công ty Cổ phần Du lịch Đắk Lắk) với hệ thống phòng nghỉ, nhà hàng, cảnh quan được chú trọng đầu tư theo hướng thân thiện với môi trường sinh thái, thì bức tranh du lịch huyện Lắk còn có những gam màu đa sắc, sinh động khác không thể không kể đến - đó là bốn phân khu du lịch văn hóa, sinh thái buôn M’Liêng, buôn Jun, trung tâm thị trấn Liên Sơn và khu nuôi thả thú rừng hoang dã bên hồ Lắk.
Từ đây không gian du lịch huyện Lắk được mở rộng và kết nối với một số địa danh, danh thắng nổi tiếng như thác Bìm Bịp (xã Yang Tao); rừng đặc dụng Nam Ka; Vườn Quốc gia Cư Yang Sin; hồ thủy điện Buôn Tua Sar; Khu căn cứ cách mạng thác Ba Tầng (xã Krông Nô) và buôn làm gốm cổ truyền Dơng Bắk (xã Yang Tao) của người M’nông Kuênh bản xứ.
Hoàng hôn trên hồ Lắk. Ảnh: Hữu Hùng |
Chủ tịch UBND huyện Lắk Nay Y Phú đánh giá: Không gian du lịch rộng lớn và đa dạng ấy là tài nguyên quý giá để cho “ngành công nghiệp không khói” của địa phương khai thác và phát triển theo hướng nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học và khám phá vốn văn hóa, sinh thái đặc trưng của cư dân bản địa. Hiện các sản phẩm du lịch này đang được nhiều đơn vị, doanh nghiệp làm du lịch ra sức đầu tư và hoàn thiện không ngừng để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Theo ông Nay Y Phú, cùng với hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật được Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp gầy dựng lâu nay, thì những dự án trên sẽ góp phần thúc đẩy ngành kinh tế quan trọng này tăng tốc, xứng tầm với thế mạnh và tiềm năng vốn có. Đặc biệt là trong mục tiêu giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương thông qua hoạt động du lịch có tính chất liên kết, tổng hợp đa ngành nghề như hiện nay. Doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, còn cộng đồng dân cư thì cung cấp và đáp ứng các dịch vụ tại chỗ nhằm thỏa mãn nhu cầu đa dạng của du khách và đó là phương thức tạo sinh kế cho người dân một cách ổn định và lâu dài.
Chia sẻ và trăn trở
Bí thư Huyện ủy huyện Lắk Nguyễn Văn Long chia sẻ: để “ngành công nghiệp không khói” ở đây có bước phát triển nhảy vọt, tương xứng với thế mạnh, tiềm năng vốn có, rất cần sự đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Doanh nghiệp lớn thì làm những dự án lớn, còn doanh nghiệp vừa và nhỏ thì đi vào liên kết, khai thác những giá trị văn hóa hiện có do các cộng đồng dân tộc bản địa sở hữu cũng là “kênh” đầu tư, kích thích cho du lịch ở vùng đất này khởi sắc và có chiều sâu hơn.
Việc dựa vào cộng đồng để làm du lịch, rồi lấy lợi nhuận từ đó quay lại chia sẻ, tạo điều kiện cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống là bước đi thích hợp, được chính quyền địa phương hết sức ủng hộ.
Du khách trải nghiệm du thuyền độc mộc trên Hồ Lắk. |
Tuy nhiên, về góc độ này có không ít đơn vị, doanh nghiệp làm du lịch ở đây trăn trở rằng liên kết với người dân để làm du lịch mà đời sống kinh tế của bà con không bảo đảm thì dễ dẫn tới sự hời hợt và đứt gãy.
Ông Bùi Văn Đức, Giám đốc Hợp tác xã Voi Buôn Jun cho hay: Thực tế đó có thể thấy từ các tour homestay mà các đơn vị du lịch đã xây dựng trước đó trên địa bàn không phát huy hiệu quả như mong đợi.
Nguyên nhân một mặt do không hình thành và phát triển được chuỗi gia tăng giá trị các sản phẩm, dịch vụ du lịch được liên kết; mặt khác do quỹ đất của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở buôn Lê, buôn Jun, buôn M’liêng và buôn Dơng Bak… nằm xung quanh hồ Lắk còn quá ít nên ngoài thời gian tham gia với các doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch vào 6 tháng mùa khô, họ không biết làm gì để có thêm thu nhập.
Anh Y Sôl Sruk, phụ trách điểm du lịch Y Sôl House (buôn Cuôr Tar, xã Yang Tao) chia sẻ thêm về góc nhìn trên - rằng loại hình homestay ở đây thật ra không phải là mới, nhiều doanh nghiệp làm du lịch đã triển khai từ nhiều năm qua, tuy nhiên du khách đến với tour du lịch này không nhiều và đang có chiều hướng giảm sút do chất lượng các dịch vụ “ăn theo” không bảo đảm.
Đặc biệt là thời gian lưu trú còn thấp nên không thể hình thành và phát triển chuỗi giá trị gia tăng của ngành theo hướng chia sẻ lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn người dân.
Do đó điểm du lịch Y Sôl House đang tích cực tổ chức, phân chia lại chuỗi giá trị gia tăng này một cách hợp lý hơn, còn nội dung của loại hình homestay thì vẫn thế, không có gì khác biệt. Có chăng ở đây là tăng cường và thắt chặt sự đồng thuận, trách nhiệm giữa doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.
Theo anh Y Sôl Sruk, việc giải quyết tốt mối quan hệ trên mới là “chìa khóa” mở ra thành công của tour homestay ở huyện Lắk nói riêng cũng như nơi khác nói chung. Thêm nữa, nếu được chính quyền địa phương quan tâm hơn, đáp ứng nguyện vọng của người dân là có thêm đất canh tác, sản xuất trong vùng du lịch được quy hoạch để mở dịch vụ; nuôi trồng các loại cây, con đặc sản cung cấp cho nhiều cơ sở lưu trú trong vùng theo hướng khép kín thì tin rằng “ngành công nghiệp không khói” ở đây sẽ có thêm điều kiện phát triển bền vững, hiệu quả hơn.
Nguồn: Sáng rõ bức tranh du lịch huyện Lắk