Đắk Lắk: Sầu riêng xuất khẩu chính ngạch: Nông dân “được” gì?
Đây là một dấu mốc lịch sử quan trọng cho ngành hàng sầu riêng Việt Nam trong lộ trình phát triển và nông dân là một mắt xích rất quan trọng để nâng cao giá trị trái sầu riêng.
Thu hoạch sầu riêng ở vườn của ông Phan Đăng Kim (thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Lập Đông, huyện Krông Búk). |
Giá trị sầu riêng tăng cao
Tỉnh Đắk Lắk có diện tích sầu riêng đứng thứ hai của cả nước (sau tỉnh Tiền Giang), với trên 15.000 ha, ước sản lượng thu hoạch năm 2022 là 170.000 tấn. Việc sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch đang mở ra cơ hội rất lớn cho nông dân trồng sầu riêng nơi đây.
Ông Trần Văn Chiến, thành viên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp xanh Krông Pắc cho biết, những năm qua, người nông dân luôn nơm nớp lo lắng về đầu ra cũng như giá sầu riêng mỗi khi vào vụ thu hoạch. Từ khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký kết và HTX được cấp mã vùng trồng với diện tích 30 ha, sản lượng khoảng 450 tấn thì đầu ra đã được các doanh nghiệp thu mua ổn định với giá khá cao (trên dưới 70.000 đồng/kg). “Khi những lô hàng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch từ Đắk Lắk lên đường, nông dân ở đây phấn khởi lắm và đặt kỳ vọng nhiều vào thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn này. Nếu các khâu đều làm tốt thì chắc chắn giá sẽ ổn định, thu nhập người nông dân sẽ tăng cao”, ông Chiến nói thêm.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan thích thú quay lại hình ảnh nông dân Đoàn Thanh Hải (huyện Krông Pắc) tự điều chế thuốc bằng các loại thực vật để phun trừ sâu bệnh cho cây sầu riêng trong vườn. |
Cũng là một người dân có vườn sầu riêng có mã vùng trồng được phía Trung Quốc chấp thuận, ông Nguyễn Văn Sơn (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc) cho hay: "Gia đình hiện có 8 ha sầu riêng, sản lượng khá lớn và sẽ ngày càng tăng cao. Khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch, giá sầu riêng đã tăng lên từng ngày; đầu ra ổn định nên gia đình rất vui và yên tâm sản xuất. Song muốn nâng cao giá trị của vườn cây, chúng tôi buộc phải tuân thủ các quy trình canh tác. Và có như thế, nông dân mới cho ra được một sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường".
Huyện Krông Pắc là địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất Đắk Lắk, với gần 3.800 ha, trong đó có 2.600 ha cho thu hoạch, sản lượng bình quân hằng năm đạt
“Trong bối cảnh thị trường ngày càng khắt khe hơn, cần phải chuyển từ tư duy "sản xuất nông nghiệp" sang tư duy "kinh tế nông nghiệp", tức là sản xuất ít nhưng mang lại giá trị cao hơn. Quá trình này đòi hỏi người nông dân phải được đào tạo, huấn luyện để có được tri thức nhằm chuyển thành chuyên nghiệp. Khi chuyên nghiệp thì chúng ta mới chỉn chu, từ tổ chức sản xuất, đến chế biến, bảo quản, kinh doanh" – Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan. |
từ 40 – 50 nghìn tấn. Giá sầu riêng tăng vọt sau khi các mã vùng trồng được phê duyệt đã giúp thu nhập của bà con tốt hơn và dự báo sầu riêng sẽ trở thành nguồn thu lớn của người dân trong tương lai. Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc chia sẻ: Việc sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là điều mà địa phương mong đợi từ lâu. Người dân, đặc biệt là những hộ có mã vùng trồng được xuất chính ngạch rất phấn khởi vì giá trị trái sầu riêng tăng cao và sẽ ổn định đầu ra.
Đối với huyện Krông Búk, trong những năm gần đây, sầu riêng là một trong những trái cây chủ lực của huyện, là nguồn nông sản đem lại thu nhập lớn cho người nông dân trên địa bàn.
Đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích trồng cây sầu riêng trên địa bàn huyện là trên 1.178 ha, với sản lượng khoảng 5.884 tấn quả/năm.
Hiện trên địa bàn cũng đã có HTX Nông nghiệp Tân Lập Đông được cấp mã vùng trồng (4 mã số), với 49,5 ha; sản lượng dự kiến 750 – 850 tấn.
Khi được cấp mã vùng trồng thì HTX đã liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu để tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Điều này giúp đầu ra ổn định, đưa giá trị của trái sầu riêng lên cao hơn, với giá tăng từ 40 – 50% so với năm ngoái.
Hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp
Rõ ràng, trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch đã mở ra cơ hội lớn cho nông dân nhưng thách thức cũng rất nhiều. Thách thức ở đây chính là việc phải duy trì và tuân thủ chặt chẽ các quy định của Trung Quốc đối với các vùng trồng đã được cấp mã số trong suốt quá trình sản xuất.
Theo ông Trần Văn Chiến, để sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch, đòi hỏi mỗi người nông dân phải tuân thủ tuyệt đối và coi mã vùng trồng được cấp như tài sản quý nhằm tránh trường hợp phía nước bạn kiểm tra không bảo đảm yêu cầu và trả hàng ngược lại. Nếu sầu riêng bị trả về không chỉ là mất mát của người nông dân mà đây là uy tín, thương hiệu sầu riêng Krông Pắc, của tỉnh Đắk Lắk và của quốc gia.
Sầu riêng ở vườn của ông Phan Đăng Kim (thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Lập Đông, huyện Krông Búk) được thu hái theo đúng quy trình kỹ thuật để xuất khẩu. |
Tương tự, ông Phan Đăng Kim, thành viên của HTX Nông nghiệp Tân Lập Đông (huyện Krông Búk) cho biết, gia đình hiện có 1 ha sầu riêng (là một trong số các vườn của HTX được cấp mã vùng trồng), sản lượng đạt từ 25 – 30 tấn. Từ khi Nghị định thư chuẩn bị ký kết thì gia đình đã được HTX hướng dẫn chuyển sang canh tác theo quy trình VietGAP. Khi chuyển đổi quy trình sản xuất, lúc đầu nông dân cũng gặp nhiều lúng túng khi phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, mọi công đoạn của từng thời kỳ đều phải ghi nhật ký nông hộ đầy đủ. Tuy nhiên, sau khi làm được vài năm thì mọi thứ đã đi vào ổn định, người nông dân trở nên chuyên nghiệp hơn khi hoạt động canh tác không còn mang tính "ngẫu hứng" mà đều làm đúng theo quy trình kỹ thuật.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, trong những năm tiếp theo, việc đề xuất các mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói đến cục Hải quan Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, nếu các vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng đã được cấp mã số không được kiểm soát chặt chẽ, không bảo đảm chất lượng hàng hóa, vi phạm quy định nhập khẩu của Trung Quốc thì nguy cơ mất thị trường rất cao. Việc bảo đảm xuất khẩu bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh của sầu riêng Việt Nam là vấn đề được đặt ra trong thời gian tới. Vì vậy, việc tuân thủ các quy định của Nghị định thư vừa là yêu cầu bắt buộc, vừa là một khâu then chốt quyết định sự thành bại của ngành hàng sầu riêng Việt Nam. Trong thời gian tới, các địa phương, ngành chức năng cần tăng cường hỗ trợ người dân, đơn vị sản xuất duy trì và xây dựng thêm mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói đạt chuẩn. Các ngành thường xuyên tập huấn, hướng dẫn bà con nông dân về kỹ thuật canh tác, giám sát mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói để sầu riêng xuất khẩu chính ngạch được bền vững.
Nguồn: Sầu riêng xuất khẩu chính ngạch: Nông dân “được” gì?