Đắk Lắk: Sôi động dịch vụ “ăn theo” mùa sầu riêng
Đắk Lắk: Phải “tỉnh” để “nhìn xa” Đắk Lắk: Nỗ lực vượt khó xây dựng nông thôn mới |
Nở rộ các dịch vụ
Mặc dù mùa thu hoạch chính vụ sầu riêng trên địa bàn huyện Krông Pắc mới chỉ bắt đầu, nhưng hơn một tháng nay đã có rất nhiều doanh nghiệp, thương lái, người lao động từ khắp nơi về đây làm việc; xây dựng vựa thu mua, kho xưởng đóng gói sầu riêng xuất khẩu, kéo theo nhu cầu sử dụng các dịch vụ tăng cao, nhất là dịch vụ ăn uống, lưu trú.
Dọc hai bên tuyến Quốc lộ 26 (bắt đầu từ địa phận các xã Ea Kênh, Ea Yông đến thị trấn Phước An) là những quán cà phê, nước mía và quán cơm nằm san sát nhau.
Quán ăn kiêm nước giải khát tại km 26 (xã Ea Kênh) của vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh Xuân (xã Yang Reh, huyện Krông Bông) mới mở được hơn một tháng nay. Từ khi khai trương đến nay, ngày nào quán của chị cũng tấp nập người ra vào ăn uống từ 5 giờ rưỡi sáng đến đến 23 giờ đêm. Trung bình mỗi ngày, quán của chị bán khoảng 300 suất cơm, bún, cháo và nước uống. Để kịp phục vụ khách, chị phải dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị đồ ăn và thuê thêm 5 nhân viên phụ việc. Chị Xuân cho biết, vợ chồng chị vốn đi làm công nhân may tại TP. Hồ Chí Minh. Vài năm trở lại đây, vào mùa thu hoạch sầu riêng, người lao động từ các nơi về huyện Krông Pắc làm việc rất nhiều nên chị đã bàn với chồng nghỉ việc, về xã Ea Kênh thuê mặt bằng và đầu tư hơn 200 triệu đồng mua sắm đồ dùng để kinh doanh dịch vụ ăn uống. Ngoài ra, chị còn sắm thêm 12 chiếc võng treo ngay tại quán để khách sau khi ăn uống thì có chỗ để ngả lưng sau những giờ làm việc vất vả. Công việc kinh doanh dịch vụ ăn uống này đang đem lại cho gia đình chị nguồn thu nhập từ 30 – 40 triệu đồng/tháng. Theo chị Xuân tính toán, vụ mùa thu hái sầu riêng kéo dài từ nay cho đến cuối năm nên trong vòng 3 - 4 tháng tới, chị vẫn có nguồn thu nhập ổn định.
Nhiều quán ăn bình dân mới được mở ra để phục vụ khách trong mùa thu hoạch sầu riêng. |
Còn đối với gia đình chị Nguyễn Thị Hà (thôn Tân Lập, thị trấn Phước An) trước đây chỉ bán thùng giấy loại 5 – 10 kg để khách đóng các loại trái cây như nhãn, vải, bơ gửi đi các tỉnh. Nhận thấy thương lái, tiểu thương buôn bán tại các chợ có nhu cầu sử dụng số lượng lớn thùng giấy cỡ lớn để đóng gói sầu riêng nên từ năm 2020 đến nay, chị quyết định nhập thêm thùng giấy loại từ 20 - 50 kg để bán. Thời điểm này, trung bình mỗi ngày chị bán khoảng 1.000 thùng, với giá bán dao động từ 10.000 – 20.000 đồng/thùng. Cùng với việc bán thùng giấy, chị Hà còn cho thuê phòng trọ. Theo chị Hà, so với mọi năm thì mùa sầu riêng năm nay lượng người lao động về đây làm việc đông hơn hẳn. Từ một tháng trước, tất cả các khu phòng trọ, nhà nghỉ, khách sạn tại thị trấn Phước An đều đã “cháy” phòng. 12 phòng trọ của gia đình chị cũng đã kín khách thuê. Mỗi phòng, chị cho thuê với giá 2,5 triệu đồng/tháng; còn khách có nhu cầu ở theo ngày thì chị thu 100.000 đồng/người. Theo tính toán của chị Hà, sau vụ thu hoạch sầu riêng năm nay, chị sẽ thu lãi khoảng 200 triệu đồng từ việc bán thùng giấy và cho thuê phòng trọ.
Trong mùa sầu riêng năm nay, nhiều người còn nhanh nhạy kinh doanh các dịch vụ phù hợp như cho thuê mặt bằng làm bãi đậu xe, kho hàng hay bán các mặt hàng phục vụ cho việc thu hái, đóng gói và vận chuyển sầu riêng (sọt nhựa, xe rùa, kéo cắt, bao tay, giấy lót, băng keo…) để kiếm thêm thu nhập.
Siết chặt công tác quản lý
Việc nhạy bén, biết nắm bắt cơ hội để kinh doanh các dịch vụ “ăn theo” mùa sầu riêng không chỉ đáp ứng được những nhu cầu cần thiết của khách hàng, mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều người. Tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt các dịch vụ có thể tiềm ẩn một số vấn đề bất cập như: tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, cạnh tranh không lành mạnh, lấn chiếm lề đường, vỉa hè để làm nơi buôn bán, bãi đậu xe… Do đó, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng huyện Krông Pắc đã triển khai nhiều biện pháp nhằm siết chặt công tác quản lý và bảo đảm an ninh trật tự để vụ mùa thu hoạch sầu riêng diễn ra an toàn và thuận lợi.
Cán bộ Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự (Công an huyện Krông Pắc) hướng dẫn chủ xe container ký cam kết bảo đảm trật tự an toàn giao thông. |
Thiếu tá Lâm Quang Đức, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông – Trật tự (Công an huyện Krông Pắc) cho hay, vụ mùa sầu riêng năm nay có khoảng 2.000 lao động từ các tỉnh thành khác tập trung về địa phương làm việc; hơn 300 xe container và 200 kho, xưởng hoạt động vận chuyển, thu mua và đóng gói sầu riêng. Trước tình hình đó, ngay từ đầu vụ, Đội đã chủ động thành lập Tổ công tác bảo đảm an ninh trật tự mùa sầu riêng, thường xuyên tiến hành kiểm tra, nhắc nhở và xử lý các phương tiện như xe tải, xe container vi phạm quy định về Luật Giao thông đường bộ. Đồng thời, tổ chức cho các chủ vựa, xưởng thu mua sầu riêng, tài xế lái xe container ký cam kết chấp hành tốt các nội quy, quy định về an toàn giao thông. Theo đó, từ ngày 1/8/2023 đến nay, Đội đã tổ chức tuyên truyền, ký cam kết cho 69 chủ kho thu mua, chế biến sầu riêng, 140 tài xế xe tải, xe container và 25 xe vận chuyển hành khách về chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, đặc biệt là các lỗi vi phạm về dừng, đậu đỗ xe không đúng nơi quy định. Ngoài ra, Đội còn phối hợp với các đội nghiệp vụ của Công an huyện kiểm tra việc sử dụng con dấu, đăng ký giấy phép kinh doanh tại vựa thu mua sầu riêng; công tác thực hiện đăng ký tạm trú của các chủ phòng trọ, nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn…
Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc cho biết, ngoài công tác bảo đảm an ninh trật tự, để quản lý tốt các dịch vụ “ăn theo” mùa sầu riêng, huyện đã chỉ đạo Phòng Y tế thuộc Trung tâm Y tế huyện thành lập Tổ an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống về việc bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ đầu vào thực phẩm, quy trình chế biến thức ăn, điều kiện cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ... Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng liên quan tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định về công tác phòng, chống cháy nổ; niêm yết giá; tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng của các hộ kinh doanh, buôn bán…
Nguồn: Sôi động dịch vụ “ăn theo” mùa sầu riêng