Đắk Lắk: Sôi nổi khí thế bàn giao mặt bằng Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột
Đắk Lắk: Tăng cường phối hợp trong thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia Tin bất động sản ngày 12/7: Một dự án nhà ở xã hội tại Thanh Hóa tự tăng 19 căn hộ không phép |
Tại thôn Hòa Nam (xã Hòa Đông), những ngày qua, người dân đang gấp rút chặt hạ cây trồng, tháo dỡ các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, hàng rào, nhà tạm để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công Dự án.
Anh Thái Văn Lĩnh (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) có 3,14 sào đất hợp đồng với Công ty TNHH Hai thành viên Cà phê Cư Pul tại thôn Hòa Nam.
Gia đình anh đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ vào giữa tháng 6 và tiến hành dọn dẹp mặt bằng hơn một tuần nay. Anh cho biết, gia đình rất đồng thuận với phương án bồi thường, hỗ trợ của Nhà nước và chủ động phá bỏ các loại cây trồng như một cách góp sức để Dự án được tiến hành thuận lợi, nhanh chóng hơn.
Anh Thái Văn Lĩnh dọn mặt bằng trên diện tích đất thu hồi tại thôn Hòa Nam (xã Hòa Đông). |
Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Lan (thôn Hòa Nam) cũng đã dọn sạch mặt bằng hơn 1 sào đất trồng cà phê và đang chuẩn bị tháo dỡ nhà tạm để chuyển về nơi ở mới. Chị chia sẻ, từ khâu kiểm đếm đến chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, các cơ quan chức năng thực hiện rất nhanh chóng, kịp thời và đảm bảo đúng, đủ tài sản của gia đình. Sau khi nhận được số tiền bồi thường, hỗ trợ hơn 440 triệu đồng, gia đình chị đã mua diện tích đất tương tự đã có sẵn nhà tại khu vực không xa nơi ở cũ. Nhờ vậy, cuộc sống cũng như việc học hành của các con chị không bị xáo trộn nhiều.
Tinh thần chủ động bàn giao mặt bằng không chỉ sôi nổi ở các khu vực đã được nhận tiền bồi thường, hỗ trợ mà còn lan tỏa đến tất cả 8 xã có Dự án đi qua trên địa bàn huyện. Sau khi UBND huyện thông qua các phương án bồi thường, hỗ trợ và công khai rộng rãi, nhiều hộ đã đăng ký bàn giao sớm mặt bằng, chủ động dọn dẹp để các loại máy móc, phương tiện của đơn vị thi công tiến hành san ủi.
Xã Vụ Bổn là địa phương có chiều dài cao tốc đi qua khoảng 6,5 km với tổng diện tích cần giải phóng mặt bằng gần 40 ha, trong đó có nhiều diện tích thuộc phạm vi quản lý của Công ty TNHH Hai thành viên Lâm nghiệp Phước An bị người dân xâm canh, lấn chiếm qua thời gian khá dài.
Sau khi UBND huyện phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, UBND xã đã tích cực tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, hộ dân trong khu vực Nhà nước thu hồi đất chủ động bàn giao mặt bằng. Hiểu rõ tầm quan trọng và lợi ích to lớn của công trình đường bộ cao tốc đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhiều người dân đã xung phong bàn giao mặt bằng sớm dù chưa nhận bồi thường, hỗ trợ.
Nhờ sự đồng lòng, ủng hộ ấy, ngay trong cuối tháng 6, UBND huyện đã tiến hành bàn giao 4,1 km theo lý trình tuyến Dự án tại xã Vụ Bổn cho đơn vị thi công. Đồng thời, UBND huyện cũng trích kinh phí gần 66 triệu đồng để thưởng cho các doanh nghiệp, người dân tại xã Vụ Bổn tiên phong, gương mẫu thực hiện bàn giao mặt bằng, khiến người dân thêm phần yên tâm, phấn khởi.
Người dân xã Hòa Đông dọn mặt bằng tại khu vực nhà nước thu hồi đất để thực hiện Dự án. |
Anh Cháng Chứ Lềnh (dân tộc Mông, thôn Thanh Thủy) cho hay, gia đình anh bị thu hồi hơn 2 sào đất trồng điều và hoa màu trên diện tích thuộc lâm phần của Công ty TNHH Hai thành viên Lâm nghiệp Phước An. Theo vận động của các cấp chính quyền, anh đã tiến hành cưa dọn toàn bộ cây điều trên diện tích giải phóng mặt bằng. Bên cạnh niềm vui được UBND huyện tặng Giấy khen và thưởng 2 triệu đồng, gia đình anh sẽ còn nhận được một số tiền hỗ trợ hợp lý.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh, Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện luôn chủ động lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của người dân, thực hiện bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân theo đúng quy định của pháp luật. Các cơ quan, đơn vị cũng tăng cường phối hợp nhằm thông tin, tuyên truyền rộng rãi, khuyến khích tinh thần tự nguyện bàn giao sớm mặt bằng, tạo điều kiện để đơn vị thi công thực hiện Dự án thuận lợi và hiệu quả nhất.
Nguồn: Sôi nổi khí thế bàn giao mặt bằng Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột