Đắk Lắk: Thấy quê hương qua từng đặc sản
Năm 1983, chị Huỳnh Thị Ngọc Thắm (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) từ Bình Định lên Đắk Lắk lập nghiệp. Xa quê, chị mang theo cả nghề làm bánh thuẫn do mẹ truyền dạy để làm vào mỗi dịp Tết đến, xuân về. Những ngày cuối năm, chị lại mang khuôn ra làm bánh trong niềm hân hoan đón chào năm mới với phong vị quê hương của mình. “Ngày Tết phải có bánh thuẫn mới ra hình dáng Tết quê”, chị Thắm trò chuyện.
Chị Huỳnh Thị Ngọc Thắm (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) gắn bó với nghề làm bánh thuẫn hơn 20 năm. |
Mấy chục ổ bánh thuẫn làm xong, chị Thắm cẩn thận gói ghém để đêm giao thừa xếp ra dĩa cúng ông bà, tổ tiên, phần còn lại tiếp đãi bạn bè đến chơi nhà. Nhìn từng ổ bánh thuẫn vàng ươm, nở bông, bao nhiêu nhớ thương trong chị như “gom lại” làm nên cái mùi Tết mà người xa quê càng nhớ.
Với chị Nguyễn Thị Thu (xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc), chuẩn bị Tết chỉ có thể là đòn bánh tét, hũ kiệu muối, ổ bánh tổ, thịt heo ngâm mắm… nhưng đậm đà vị Tết của quê hương Quảng Nam. Năm nào cũng vậy, cứ đến chiều 27 Tết, chị gói vài đòn bánh tét, làm hũ dưa kiệu, ngâm hũ thịt heo nước mắm. Duy có bánh tổ, chỉ ngày cuối năm nào nhàn nhã chị mới soạn khuôn làm vì loại bánh này đòi hỏi sự khéo léo, kỳ công hơn bánh tét. Nếu năm nào không làm được thì chị lo đi mua sớm vài ổ để dâng lên ông bà, tổ tiên. “Khi ấy mới thấy vị Tết về thật rõ”, chị Thu tâm tình.
Năm nay, chị Võ Ngọc Mai (xã Quảng Điền, huyện Krông Ana) không về Huế ăn Tết với cha mẹ, nhưng chị cảm nhận sâu sắc tình quê khi được nhận ít mứt gừng Huế, gỏi gân kiệu, hũ tôm chua… mẹ gửi xe đò vào. Trong cơn gió lạnh cuối năm nơi cao nguyên, nhâm nhi miếng quà quê, chị Mai như nghe vị Tết thơm lừng trên đầu lưỡi. Chị cảm tưởng mình đang có mặt trong chái bếp, nghe cả mùi khói, mùi cay thơm nồng đượm của những lát gừng sẻ được mẹ sên trên bếp thử qua một lần rồi bắt ghiền, thử thêm lần nữa, lần nữa. Mùi hương, vị quen thuộc chạm đến ký ức… “Có đặc sản Tết quê, là có quê hương ở đó”, chị Mai chia sẻ.
Đắk Lắk níu chân biết bao người con trên khắp mọi miền Tổ quốc đến lập nghiệp. Trên miền quê mới, họ tự tạo cho mình cái Tết ấm áp, dù xa quê nhưng vẫn đầy ắp ân tình. Với không ít người xa quê, phong vị Tết quê là tất cả ký ức để gọi tên cảm xúc để thấy ấm lòng hơn khi Tết đang rậm rịch nơi đầu ngõ. Những đặc sản quê nhà cứ theo chân họ, để họ thấy như được ôm vào lòng vị Tết lẫn tình cảm tươi đẹp nhất của quê hương. Thanh kẹo, ổ bánh tuy không đủ đầy nhưng vẫn mang đủ phong vị thân quen trong ngày xuân.
Nguồn: Thấy quê hương qua từng đặc sản