Đắk Lắk: Trăn trở trong công tác giảm nghèo ở Krông Pắc
Đắk Lắk: Độc đáo nét văn hóa Mường ở Ea Păl Đắk Lắk: Ea Kar nỗ lực “gỡ vướng” chương trình phát triển vùng dân tộc thiểu số |
Đa dạng cách thức giảm nghèo
Huyện Krông Pắc đã đa dạng hóa cách thức giảm nghèo từ hỗ trợ vay vốn, trao sinh kế cho người nghèo đến đào tạo và giới thiệu việc làm nhằm hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, lâu dài tại địa phương. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giao nguồn vốn đến từng xã, thị trấn, tạo điều kiện cho 1.318 hộ vay vốn với tổng nguồn vốn vay hơn 56 tỷ đồng; trong đó có 254 hộ nghèo (vay gần 15,6 tỷ đồng), 234 hộ cận nghèo (gần 14,3 tỷ đồng), 62 hộ mới thoát nghèo (hơn 3,6 tỷ đồng), 134 hộ giải quyết việc làm (hơn 6 tỷ đồng), 98 hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn (4,9 tỷ đồng)…
Người dân xã Ea Knuếc học nghề dệt thổ cẩm. |
Công tác khuyến nông cũng được chú trọng, hướng dẫn nông dân kiến thức, phương pháp sản xuất theo hướng ứng dụng khoa học kỹ thuật. Trạm Khuyến nông huyện triển khai 4 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất sầu riêng; ngành nông nghiệp huyện xây dựng mô hình "sản xuất cây ăn quả theo VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu với liên kết tiêu thụ tại một số tỉnh Tây Nguyên" trên cây sầu riêng tại xã Ea Yông năm thứ hai; xây dựng mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ; lúa thuần chất lượng cao (giống ST25) tại xã Hòa Tiến, Ea Phê; thí điểm trồng cỏ cao lương phục vụ chăn nuôi tại thôn 9, thôn Thanh Thủy (xã Vụ Bổn)… Hiện tại, huyện đang khảo sát chọn hộ triển khai thực hiện các mô hình trồng cây sầu riêng, mắc ca, dổi xen cà phê tại các xã Ea Yiêng, Ea Uy, Hòa An, Krông Búk, Ea Kênh, Ea Knuếc, Hòa Đông…
Là xã vùng 3 của huyện Krông Pắc, những năm qua, Ea Hiu đã nỗ lực triển khai chương trình giảm nghèo và là điểm sáng trong công tác này. Xã đã kết nối và được các đơn vị hỗ trợ, nâng cao kỹ thuật sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi; triển khai mô hình nuôi dê sinh sản luân chuyển; tổ chức xuất khẩu lao động đối với người khó khăn thiếu tư liệu sản xuất… Nhờ đó, số hộ nghèo ngày càng giảm, đến cuối năm 2022, toàn xã còn 158 hộ nghèo (giảm 156 hộ so với năm 2020), tỷ lệ hộ nghèo chiếm 10,89% (giảm 11,42%); hộ cận nghèo là 116 hộ (chiếm 7,99%). Năm 2023, xã Ea Hiu phấn đấu 100% hộ nghèo được tiếp cận, sử dụng có hiệu quả vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để tiếp tục giảm số hộ nghèo toàn xã…
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc phân tích, căn cứ trên số liệu khảo sát về hộ nghèo, cận nghèo, nơi sinh sống của hộ nghèo, trình độ lao động… mà huyện đưa ra cách thức giảm nghèo phù hợp với từng đối tượng, địa phương và nhu cầu của bà con. Đồng thời, kết nối theo chuỗi và nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả tại địa phương (nuôi dê sinh sản luân chuyển, mở lớp dạy nghề, xuất khẩu lao động…) nhằm tạo sức lan tỏa giữa các hộ dân; thúc đẩy sự tự thân vận động để bà con chú trọng hoạt động sản xuất, kinh doanh, chủ động thoát nghèo…
Vẫn còn nhiều thách thức
Theo đánh giá của UBND huyện Krông Pắc, mặc dù công tác giảm nghèo đạt kết quả tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Ông Trần Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND xã Ea Hiu trăn trở, Ea Hiu có xuất phát điểm thấp, người dân chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, đời sống kinh tế còn khó khăn. Tỷ lệ lao động trẻ chiếm khá lớn trong cơ cấu dân số địa phương nhưng lại khá nhàn rỗi vì không có việc làm. Xã đã kết nối để đưa con em địa phương đi xuất khẩu lao động nước ngoài với các chính sách hỗ trợ vay vốn cụ thể, thiết thực; hỗ trợ dạy nghề để tìm việc làm ngay tại địa phương... nhưng kết quả chưa như mong muốn.
Cán bộ làm công tác giảm nghèo nắm bắt tình hình người dân tham gia xuất khẩu lao động tại xã Ea Hiu. |
Theo phân tích của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện thì những ảnh hưởng "kép" của dịch bệnh, sự dịch chuyển của dòng chảy lao động, tác động biến đổi khí hậu, thị trường tiêu thụ nông sản… là những nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động giảm nghèo tại địa phương. Đơn cử như từ đầu năm 2023 đến nay, huyện đã phối hợp với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức 7 phiên tư vấn việc làm tại các xã, thị trấn với hơn 800 lượt người tham gia và đã có 2.000 lao động được giải quyết việc làm (lao động ngoài tỉnh 1.500 người, lao động xuất khẩu là 50 người…) nhưng con số này vẫn như “muối bỏ bể” bởi số lượng lao động cần việc làm để có thu nhập trang trải cuộc sống vẫn còn nhiều. Hay đối với việc xuất khẩu lao động, cơ quan chức năng đã phối hợp với doanh nghiệp đến tận nhà dân khảo sát (nhu cầu, khả năng làm việc của người lao động…), tuyển dụng nhưng một số lao động sau khi hoàn thiện các thủ tục liên quan lại bỏ giữa chừng vì… không muốn đi làm ăn xa. Chưa kể, một số bộ phận người nghèo vẫn còn trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa thật sự phấn đấu vươn lên thoát nghèo; nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện tuyển lao động nhưng nhiều người vẫn không thể xin được việc làm vì thiếu kỹ năng nghề nghiệp...
Nguồn: Trăn trở trong công tác giảm nghèo ở Krông Pắc