Đắk Lắk: Từ sản vật lên tầm OCOP
Đắk Lắk: Chàng sinh viên người M’nông vượt khó học giỏi Đắk Lắk: Những ngôi nhà mới ở vùng biên |
Dù mới tiếp cận thị trường 2 năm qua nhưng “Siro thảo dược Chị Ngoại” đang có doanh thu ổn định nhờ chất lượng tốt và tận dụng lợi thế quảng bá của mạng xã hội. Chị Lê Thị Phương Anh, chủ cơ sở sản xuất cho hay, ban đầu, chị chỉ sử dụng bài thuốc dân gian với lá húng chanh, quất, hẹ, đường phèn để trị ho cho con. Sau khi chia sẻ cách làm lên mạng xã hội, nhiều chị em có con nhỏ không có đủ thời gian và nguyên liệu đã nhờ chị làm hộ. Từ cơ duyên ấy, chị nghĩ đến việc phát triển thành sản phẩm siro thảo dược tiện lợi cho những người có nhu cầu.
Từ các nguyên liệu ban đầu, chị đưa thêm vào siro các thảo dược hỗ trợ tăng đề kháng, giảm ho như: gừng, diếp cá, hoa đu đủ đực… và tìm phương pháp chiết xuất, đóng chai sao cho sản phẩm được bảo quản tốt nhất. Toàn bộ các nguyên liệu được chị lấy từ vườn của gia đình và các nguồn liên kết cung ứng thực phẩm hữu cơ. Sản phẩm siro cũng được chị mang đi kiểm định các tiêu chuẩn hóa, lý, sinh, đảm bảo không có bất kỳ yếu tố gây hại nào. Nhờ tiếp cận tốt kênh bán hàng qua mạng xã hội, chị đang duy trì sản xuất hơn 100 lít siro thành phẩm mỗi tháng với doanh thu gần 50 triệu đồng.
Chị Lê Thị Phương Anh phát triển sản phẩm siro từ những thảo dược tại địa phương. |
Chị Phương Anh bộc bạch, cơ hội tham gia OCOP là một bước tiến quan trọng trong việc khẳng định uy tín về chất lượng của sản phẩm, mở rộng giá trị thương hiệu, phát triển thị trường. Bản thân chị cũng phải đổi mới sản xuất theo hướng ngày càng chuyên nghiệp hơn. Hiện, chị đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, xây dựng mã truy xuất nguồn gốc, phấn đấu trở thành sản phẩm OCOP 3 sao đầu tiên của xã Vụ Bổn.
Gia đình chị Triệu Thị Lan đã gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật hơn 20 năm qua với tổng sản lượng thu hoạch bình quân từ 5 – 7 tấn mật ong mỗi năm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Nếu như với mật xuất khẩu, gia đình chị phải thuê xe chở đàn ong đi khắp nơi “đánh” mật cao su và keo tràm thì thị trường nội địa lại chuộng mật các loại hoa cỏ, hoa cà phê… Với đặc thù diện tích rộng, hoa cỏ phong phú, khí hậu ôn hòa, chất lượng mật ong khai thác tại địa phương có nhiều ưu điểm vượt trội như màu vàng trong, óng ánh, sánh đặc và ngọt dịu. Chính vì vậy, việc tiêu thụ mật của gia đình chị rất ổn định, chủ yếu cung cấp cho các đối tác sỉ ở TP. Hồ Chí Minh.
Chị Triệu Thị Lan (bên trái) chia sẻ về nghề nuôi ong của gia đình. |
Trong dịp Lễ hội Sầu riêng vừa qua, sản phẩm mật ong của chị tham gia gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng của xã Vụ Bổn và thu hút được nhiều khách tham quan vì chất lượng tốt, giá cả phải chăng. Cũng nhờ được tiếp cận với khách hàng lẻ tại lễ hội, chị nhận thấy sự cần thiết phải đầu tư xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu. Điều đó không chỉ giúp tăng giá trị của sản phẩm mà còn giúp khách hàng yên tâm, tin tưởng hơn vào sản phẩm của một xã vùng sâu. Chính vì vậy, chị đã chủ động đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP với chính quyền địa phương và được hỗ trợ về các quy trình, thủ tục hoàn thiện các điều kiện của sản phẩm OCOP.
Phó Chủ tịch UBND xã Vụ Bổn Lê Ngọc Tú cho hay, mặc dù địa phương có tiềm năng, lợi thế rất lớn về sản xuất nông nghiệp nhưng các sản phẩm của địa phương đều ở quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu bán nguyên liệu qua thương lái. Chính vì thế, địa phương đang tích cực tuyên truyền cho người dân về quy trình xây dựng sản phẩm OCOP, khuyến khích các hộ sản xuất có điều kiện thuận lợi đăng ký tham gia chương trình, tích cực hỗ trợ người dân hoàn thiện các tiêu chí sản phẩm OCOP từ dễ đến khó. Đích đến không chỉ là việc mở rộng thị trường mà còn xây dựng được những giá trị bền vững của thương hiệu, tạo tính lan tỏa đến nhiều sản phẩm nông nghiệp thế mạnh khác của địa phương.
Nguồn: Từ sản vật lên tầm OCOP