Đắk Lắk: Vì sao nhiều dự án trọng điểm chậm tiến độ?
Đắk Lắk: Độc đáo quán cà phê chim cảnh Đắk Lắk: Tặng nhà nhân ái cho cụ bà neo đơn ở huyện Krông Pắc |
Thiếu đất đắp công trình
Trong nhiều lý do dẫn đến chậm tiến độ các dự án xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh, vấn đề thiếu vật liệu đất đắp là nguyên nhân “nổi lên” trong những năm gần đây.
Đơn cử như ở Dự án hồ thủy lợi Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) do UBND TP. Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư, với diện tích hơn 136 ha, tổng mức kinh phí thực hiện dự án trên 1.468 tỷ đồng. Dự án được chia làm hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 từ năm 2017 - 2020 (xin gia hạn đến năm 2023); giai đoạn 2 từ 2020 - 2024. Đến nay giai đoạn 1 đã đạt được khoảng 58% khối lượng, nhưng dự án đang chậm tiến độ do thiếu khoảng 100.000 m3 đất đắp. Đối với giai đoạn 2 của dự án, đến nay vẫn chưa thực hiện được do vướng quy hoạch.
Lý giải về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Lê Đại Thắng cho biết, mỏ đất được sử dụng làm đất đắp cho dự án này không phải đất do Nhà nước đứng ra thu hồi mà doanh nghiệp phải thương lượng với người dân trong khi khoản thương lượng này không có trong chi phí thuộc dự án. Hiện thành phố đang làm các thủ tục xin UBND tỉnh cho chủ trương khai thác đất trong lòng hồ để sử dụng làm đất đắp đập.
Thi công Dự án hồ thủy lợi Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột). |
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện trên địa bàn tỉnh có 4 dự án chuyển tiếp còn vốn lớn (trên 228 tỷ đồng) chưa giải ngân, trong đó Dự án hồ thủy lợi Ea Tam có hơn 149 tỷ đồng chưa giải ngân. Số vốn của dự án này cũng chiếm tới 80% tổng vốn mà TP. Buôn Ma Thuột được giao năm 2023.
Thiếu vật liệu đất đắp cũng là vướng mắc của Dự án đê bao ngăn lũ phía Nam sông Krông Ana.
Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn Phan Xuân Bách - chủ đầu tư dự án, hiện nay tiến độ thực hiện dự án rất chậm, mặc dù đã được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện đến hết năm 2023.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do thủ tục khai thác đất đắp của dự án tại các bãi vật liệu đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Dù đơn vị đã gửi nhiều công văn đến các sở, ngành để được hướng dẫn thủ tục đăng ký khai thác mỏ vật liệu xây dựng sử dụng cho công trình và tháo gỡ khó khăn về nhu cầu đất đắp nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được giải quyết. Với thực trạng này, đến hết năm 2023 công trình chưa thể hoàn thành đưa vào sử dụng.
Đến nay, dự án đã giải ngân hơn 121/200 tỷ đồng, số còn lại là vốn đầu tư công từ ngân sách Trung ương năm 2022 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 chỉ mới giải ngân được 782 triệu đồng/hơn 79 tỷ đồng và đến hết năm 2023 chỉ giải ngân tối đa được hơn 9,3 tỷ đồng. Với số vốn còn lại, chủ đầu tư đã báo cáo UBND tỉnh xem xét điều chuyển cho các dự án khác để kịp thời giải ngân trước ngày 31/12/2023.
Chậm trễ về thủ tục
Theo đánh giá của UBND tỉnh, ngoài khó khăn do thiếu vật liệu đất đắp, thì còn có nguyên nhân từ chủ đầu tư chưa tích cực phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Nhiều dự án vừa thi công, vừa lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân của các dự án lớn.
Chẳng hạn như các dự án: nâng cấp đoạn đường kết nối đường Trần Quý Cáp (đoạn từ nút giao ngã ba đường Trần Quý Cáp - Mai Thị Lựu đến đường Lê Duẩn), TP. Buôn Ma Thuột; đường Hùng Vương nối dài (đoạn từ đường Kim Đồng, thị trấn Quảng Phú đến xã Ea Kpam), huyện Cư M'gar; xây dựng hạ tầng cơ sở khu vực trung tâm điểm du lịch hồ Lắk… là những dự án chuyển tiếp đang vướng công tác đền bù giải phóng mặt bằng hoặc thực hiện công tác đền bù chậm, còn số vốn lớn chưa giải ngân.
Dự án đê bao ngăn lũ phía Nam sông Krông Ana chưa thể đi vào hoạt động trong năm 2023 như kế hoạch. |
Để kịp thời triển khai các dự án, các đơn vị có chức năng thẩm định, tham mưu phê duyệt hồ sơ liên quan đến triển khai thực hiện công trình, dự án đầu tư công cần phải tập trung nhân lực để thẩm định hồ sơ theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng và thời gian. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để phát hiện và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho từng dự án, công trình. Đặc biệt, cần kịp thời giải quyết vấn đề thiếu đất đắp cho các công trình, dự án”. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị |
Bên cạnh đó, việc chủ đầu tư và đơn vị tư vấn chậm triển khai thực hiện các thủ tục lập và phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán dẫn đến chậm tổ chức đấu thầu và triển khai thực hiện dự án; công tác phối hợp giữa chủ đầu tư với các đơn vị tư vấn và cơ quan chủ trì thẩm định chưa được thường xuyên, chặt chẽ… cũng là những nguyên nhân “đinh” dẫn đến việc chậm tiến độ của các dự án lớn. Có những dự án đã được giao kế hoạch vốn năm 2023 nhưng đến nay vẫn đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu nên chưa có khối lượng để giải ngân. Chẳng hạn, Dự án nâng cấp đường cơ động vào biên giới, các đồn biên phòng 735, 737 thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk; Dự án đường từ xã Krông Na - khu vực Đồn Biên phòng 749 ra biên giới, huyện Buôn Đôn; Dự án xây dựng hạ tầng chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Dự án Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ…Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên, UBND tỉnh đã thành lập 4 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường giải quyết việc kiểm tra, nghiệm thu bản đồ diện tích đất cần giải phóng đền bù của chủ đầu tư công trình. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc phải kịp thời tham mưu giải quyết, không để tồn đọng hồ sơ hoặc chậm xử lý hồ sơ. Đồng thời, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương trong công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư; tổng hợp, tham mưu giải quyết những kiến nghị, đề xuất của các đơn vị về công tác giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, cần hướng dẫn các đơn vị về thủ tục khai thác mỏ đất.
Nguồn: Vì sao nhiều dự án trọng điểm chậm tiến độ?