Đắk Lắk: Xây dựng cộng đồng sản xuất có trách nhiệm ở vựa sầu riêng Krông Pắc
Đắk Lắk: Du lịch homestay Buôn Ma Thuột: Bao giờ mới được định vị ? Đắk Lắk: Gần 14.000 học sinh có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ gạo |
Ông Vĩnh chia sẻ, toàn bộ 1 ha đất của gia đình ông tại xã Ea Yông trước đây vốn trồng cà phê. Có kiến thức về nông nghiệp lại có cơ hội được tham quan nhiều vườn cây, gặp gỡ nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp nên ông đã sớm nhận thấy tiềm năng của mô hình canh tác sầu riêng sinh thái.
Năm 2018, ông thực hiện chuyển đổi vườn cà phê sang trồng thuần sầu riêng và lựa chọn canh tác mật độ cao với 250 cây/ha, tương ứng khoảng cách cây 7 x 7 m. Song song với giải pháp trồng dày, ông áp dụng kỹ thuật gom tán, kích thích cây ra hoa, đậu quả ở các cành thứ cấp (cành ngang) để tạo quả đều, đẹp và sai quả hơn so với cách làm cũ.
Vườn sầu riêng sinh thái của ông Trần Quốc Vĩnh. |
Ông cũng theo đuổi quy trình VietGAP ngay từ khi bắt tay vào chuyển đổi cây trồng. Từ khâu xử lý đất đến việc chăm bón, phòng trừ sâu bệnh, ông đều ứng dụng các giải pháp an toàn sinh học như: sử dụng phân hữu cơ, trồng xen cây họ đậu, tạo hàng rào sinh học bằng cây cau và cây sưa, tăng cường nuôi dưỡng bộ rễ, hạn chế sử dụng phân bón hóa học nhằm tránh làm chua và bạc màu đất. Ông cũng tham gia liên kết với Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp xanh Krông Pắc để thực hiện chứng nhận VietGAP cho vườn cây cũng như được trao đổi, hỗ trợ về các giải pháp kỹ thuật, nhất là khâu quản lý dịch hại tổng hợp bằng các sản phẩm sinh học, chế phẩm thảo mộc.
“Thủ phủ” sầu riêng Krông Pắc vừa trải qua một vụ mùa sôi động nhất từ trước đến nay. Nhiều nông dân trồng sầu riêng thắng lớn, kinh tế toàn huyện tăng trưởng rõ rệt. Tuy nhiên, bài toán sản xuất bền vững vẫn còn đó nhiều trăn trở, đòi hỏi sự chung tay của cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp, hợp tác xã và quan trọng nhất là người nông dân. |
Năm 2023 là vụ thu hoạch chính thức đầu tiên, toàn bộ cây sầu riêng trong vườn đều đạt từ 40 – 45 quả/cây với trọng lượng bình quân 3,5 kg/quả. Hầu hết quả sầu riêng đạt các tiêu chí khắt khe của thị trường như da xanh, gai nhím, nhiều hộc, cân đối… Trong cơn sốt giá đầu vụ, nhiều thương lái sẵn sàng đặt cọc, ngỏ ý cắt sớm để đạt giá cao nhưng ông Vĩnh không vì thế mà phá vỡ cam kết với HTX. Ông vẫn quyết định giữ trái sầu riêng trong vườn đúng tuổi, đạt chất lượng tốt nhất. Về phía HTX, các vườn cây tuân thủ đúng quy trình, đảm bảo chất lượng đều được bao tiêu toàn bộ sản phẩm với phương án thu mua ổn định và có lợi nhất cho người nông dân.
Trong vòng quay sốt giá, không nhiều nông dân trồng sầu riêng tuân thủ đúng cam kết với HTX như ông Vĩnh. Thực tế tại HTX Nông nghiệp xanh Krông Pắc, vụ thu hoạch vừa qua, mặc dù HTX đã thực hiện liên kết sản xuất với 264 hộ và xây dựng 162 ha sầu riêng VietGAP nhưng chỉ thu mua được khoảng 10% so với sản lượng dự kiến. Ông Trần Văn Thắng, Giám đốc HTX cho hay, cơn sốt giá đầu vụ không chỉ làm đứt gãy chuỗi liên kết của HTX mà còn khiến nhiều nông dân chạy đua theo đỉnh giá thương lái đưa ra, lạm dụng bón kali sớm để trái “lên màu”, “lên cơm” dù chưa đạt độ già đúng chuẩn. Đây là mối nguy cho con đường dài hơi của mặt hàng sầu riêng, tác động tiêu cực đến thương hiệu, nhãn hiệu của cả tập thể, cả vùng trồng chứ không riêng một cá nhân hay một diện tích nhỏ lẻ nào.
Theo tổng hợp của ngành nông nghiệp huyện Krông Pắc, toàn huyện có khoảng 7.000 ha sầu riêng. Trong đó có hơn 3.000 ha đang cho thu hoạch với tổng sản lượng khoảng 80.000 tấn. Huyện cũng đang có 34 mã vùng trồng sầu riêng với hơn 2.000 ha và 630 ha đã đạt chứng nhận VietGAP. Tuy nhiên, vụ thu hoạch vừa qua, trên địa bàn huyện đã ghi nhận một vài mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói bị tạm dừng xuất khẩu chính ngạch do nhiễm rệp sáp.
Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến (bên trái) giới thiệu về các sản phẩm từ quả sầu riêng của các doanh nghiệp trẻ trên địa bàn. |
Đứng trước những nguy cơ hiện hữu của mặt hàng nông sản chiến lược, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Krông Pắc (mở rộng) lần thứ 24 vừa qua, Bí thư Huyện ủy Trần Hồng Tiến đã nhấn mạnh yêu cầu các cơ quan chuyên môn và cấp ủy, chính quyền các xã phải tập trung quản lý, tổ chức sản xuất cho vụ sầu riêng năm 2024 ngay từ khi kết thúc vụ sầu riêng năm 2023. Trong đó, phải đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn cho nông dân và các chủ thể mã vùng trồng, đảm bảo việc tuân thủ các quy trình sản xuất an toàn, thắt chặt liên kết sản xuất; siết chặt quản lý mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói theo đúng quy định. Bên cạnh đó, khẩn trương đưa các diện tích đảm bảo yêu cầu vào thực hiện xây dựng mã vùng trồng; tập trung quản lý dịch hại, nâng cao chất lượng, mẫu mã đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Năm 2022, Câu lạc bộ (CLB) Những người canh tác sầu riêng thân thiện được thành lập, đến nay đã quy tụ hơn 50 thành viên. CLB đã tạo môi trường giao lưu, chia sẻ về các giải pháp, kinh nghiệm canh tác sầu riêng an toàn theo hướng hữu cơ, sinh học không chỉ cho thành viên mà còn tăng cường kết nối, lan tỏa đến các nông dân khác thông qua mạng xã hội.
Những nỗ lực này nhằm thúc đẩy nhân rộng các mô hình canh tác an toàn, bền vững, hướng đến một cộng đồng sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, chung tay đưa nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Krông Pắc” ngày một vươn xa hơn.
Nguồn: Xây dựng cộng đồng sản xuất có trách nhiệm ở vựa sầu riêng Krông Pắc