Đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2024
Giám sát chặt chẽ các hoạt động văn hóa, lễ hội dịp Tết Nguyên đán 2024 Tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp Tết Nguyên đán 2024 |
Theo dự báo của Sở Công Thương Hà Nội về khả năng cung ứng và nhu cầu một số nhóm hàng thiết yếu, dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán 2024, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 40.900 tỷ đồng (tăng 10% so với Tết năm 2023). Để phục vụ Nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán 2024, Sở Công Thương Hà Nội đang tích cực phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, triển khai chương trình bình ổn thị trường mà UBND TP Hà Nội đã phê duyệt.
Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở đã triển khai kế hoạch bình ổn giá của UBND TP Hà Nội, đến nay đã có 47 đơn vị đăng ký tham gia bình ổn thị trường trên địa bàn TP với nhóm mặt hàng thiết yếu và sẵn sàng đảm bảo giá hợp lý, đúng quy định của Nhà nước để phục vụ nhu cầu của người dân. Sở Công Thương, Sở Tài chính sẽ thực hiện tốt việc kiềm chế lạm phát, rà soát kiểm soát giá phục vụ người dân trong dịp Tết. Bên cạnh đó, TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động, sự kiện trong dịp Tết, trong đó tổ chức 83 chợ hoa Xuân.
Sở Công Thương Hà Nội đang tích cực phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, triển khai chương trình bình ổn thị trường. |
Sở Công Thương TP đề xuất UBND các quận, huyện có danh sách tổ chức chợ hoa Tết xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, đảm bảo đủ hàng hoá Tết phục vụ nhu cầu người dân; phối hợp các lực lượng chức năng ở địa phương triển khai đảm bảo an ninh trật tự, tránh ùn tắc giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường trong thời gian chợ hoa Xuân và sau chiều 30 Tết. Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết với tổng trị giá 40.900 tỷ đồng, có 12 mặt hàng thiết yếu và mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết, gắn với chương trình bình ổn giá trị thường trên địa bàn, tăng khoảng 10% so với năm 2023. Các doanh nghiệp đã dự trữ hàng hóa trước 3 tháng Tết, đảm bảo chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm; đủ nguồn hàng đa dạng phong phú, chủ yếu khai thác thị trường nội địa phục vụ người dân trong dịp Tết, hàng nhập khẩu chỉ chiếm 7%-10%.
Sở Công Thương đã giao chỉ tiêu cho các danh nghiệp cung ứng trên địa bàn với gần 18 nghìn điểm bán hàng Tết, dự trữ hàng hóa có đơn vị đã cao hơn 3 lần kế hoạch giao, để đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết. Đồng thời, Sở cũng khuyến khích doanh nghiệp tham gia chương trình khuyến mại tập trung quốc gia, chương trình khuyến mại của TP để giảm giá và đảm bảo bình ổn giá thị trường phục vụ nhu cầu của Nhân dân trên địa bàn TP.
Sở đã xác định các nhóm hàng cần đảm bảo cung cầu trong dịp Tết gồm các mặt hàng thiết yếu như: Gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản; trứng gà, vịt; thực phẩm chế biến; rau củ, trái cây tươi. Bên cạnh đó, các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết được xác định, gồm: Nông lâm sản khô, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, hoa tươi, cây cảnh, xăng dầu, may mặc, điện máy…
Cùng với việc xây dựng kế hoạch, chủ động các giải pháp đảm bảo nguồn cung hàng hóa; đề đảm bảo thuận tiện cho người dân Thủ đô tiếp cận, mua sắm hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, hàng hóa Tết sẽ được phục vụ tại 29 trung tâm thương mại; 137 siêu thị; 453 chợ; 2.000 cửa hàng tiện lợi; hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn; 159 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông lâm sản an toàn trên địa bàn; 926 chuỗi, cơ sở cung ứng nông lâm, thủy sản của 43 tỉnh, TP; 85 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn.
Sở Công Thương chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu có kế hoạch khai thác nguồn hàng hợp lý. |
Để đảm bảo tổ chức triển khai các hoạt động phục vụ Tết Nguyên đán 2024 hiệu quả, Sở Công Thương chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, gắn kết thương mại điện tử với loại hình thương mại truyền thống; tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận và sử dụng các hình thức bán hàng trực tuyến mở rộng khả năng tiếp cận, mở rộng thị trường và giúp người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa nhanh chóng, thuận lợi; phối hợp với các sàn thương mại điện tử lớn, uy tín trên địa bàn Thành phố hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, cá nhân tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu dùng.
Ngoài ra, Sở cũng chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất đảm bảo nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn Thành phố; các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu có kế hoạch khai thác nguồn hàng hợp lý, tổ chức các điểm bán hàng đảm bảo đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định phục vụ nhân dân; tổ chức triển khai các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng, phục vụ nhu cầu mua sắm của Nhân dân trên địa bàn Thành phố dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt hơn 6 triệu 231 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm ngoái. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về bình ổn giá, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết, các doanh nghiệp và địa phương đang nỗ lực đảm bảo nguồn cung ổn định, không có sự gián đoạn trong cung cấp hàng hóa cũng như đột biến về giá. Các doanh nghiệp bán lẻ cam kết sẽ tung ra nhiều chương trình bình ổn, khuyến mại dịp Tết từ rất sớm nhằm kích cầu tiêu dùng ngay từ dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.
Theo dự báo, nhu cầu mua sắm của người dân từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sẽ tăng khoảng 10% so với cùng kỳ. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ sớm, với lượng hàng dự trữ tăng 10 - 25% so với cùng kỳ. Để chuẩn bị cho mùa vàng mua sắm cuối năm - mùa đóng góp cho tăng trưởng thị trường nội địa cuối năm 2023 và đầu năm 2024, theo Bộ Công Thương đến thời điểm này, các địa phương và doanh nghiệp đã và đang đẩy mạnh triển khai chuẩn bị hàng hoá cho dịp Tết.
Theo Vụ Thị trường trong nước ( Bộ Công Thương). nguồn hàng hoá phục vụ dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn rất dồi dào, không chỉ về số lượng mà còn phong phú chủng loại. Đặc biệt, các mặt hàng thiết yếu rất dồi dào, thoải mái để người dân mua sắm. Thậm chí, nguồn cung rất nhiều nên các thành phố lớn đang đẩy mạnh kích cầu để tăng sức mua.
Nguồn:Đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2024