Đảm bảo nguồn cung nông sản thực phẩm dịp Tết Ất Tỵ 2025
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có báo cáo gửi Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 theo Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 11/12/2024 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025; Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 18/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Về tình hình thị trường, cung - cầu và kiểm soát hàng hóa trong dịp Tết, Bộ NN&PTNT cho biết, trong tháng 1/2025, giá cả hàng hóa trong nước tương đối ổn định, nguồn cung cho dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 được đảm bảo.
Riêng tại Hà Nội, giá cả hàng hóa không biến động nhiều hoặc chỉ tăng nhẹ. Điều này là do không có bất thường lớn về thời tiết, nguồn cung dồi dào. Trong đó, giá các mặt hàng trái cây và giá gà ghi nhận tăng ở một số địa phương phục vụ dịp lễ ông Công, ông Táo.
Đối với giá lợn hơi có biến động giảm nhẹ. Cụ thể, khu vực miền Bắc dao động từ 67.000-69.000 đồng/kg giảm khoảng 1.000 đồng/kg; khu vực miền Trung và Tây Nguyên dao động từ 66.000-67.000 đồng/kg giảm 1.000 đ/kg; tại miền Nam duy trì từ 61.800-69.000 đồng/kg).
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, nhìn chung, nguồn cung hàng nông sản tương đối dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Tuy nhiên, dự báo mức chi tiêu của người dân năm nay không tăng đột biến, bởi xu hướng tiêu dùng hiện nay là đơn giản, tiết kiệm.
Ghi nhận những ngày cận Tết cho thấy, hoạt động mua bán tại các chợ đầu mối lớn của Hà Nội sôi động, tấp nập hơn. Mỗi ngày có tới hàng trăm tấn nông sản, thực phẩm, thủy hải sản… từ các tỉnh lân cận được chuyển về Thủ đô để cung cấp cho thị trường.
Một số tiểu thương cho biết, nếu không có bất thường lớn về thời tiết thì nguồn cung nông sản, thực phẩm cho người dân Hà Nội vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vẫn duy trì dồi dào, giá cả không có biến động nhiều hoặc chỉ tăng nhẹ.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đã tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại một số tỉnh thành.
Các đơn vị chuyên môn của Bộ đã phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính đối với 2 cơ sở chế biến, xuất khẩu thủy sản. Các địa phương đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 512 cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiêp; xử phạt vi phạm hành chính 67 cơ sở, chiếm 13% với tổng số tiền 514,32 triệu đồng (tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2024).
Trong tháng 1/2025, Bộ NN&PTNT tiếp tục duy trì các chương trình giám sát an toàn thực phẩm, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các địa phương tổ chức lấy mẫu nông lâm thủy sản để giám sát các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm.
Kết quả, cơ quan chuyên môn thuộc Bộ đã lấy 1.021 mẫu giám sát. Qua phân tích kiểm định, phát hiện 6 mẫu vi phạm tiêu chuẩn chất lượng, chiếm 0,58% (tăng 0,17% so với cùng kỳ tháng 1/2024). Các trường hợp vi phạm đã được xử lý theo đúng quy định.
Nguồn:Đảm bảo nguồn cung nông sản thực phẩm dịp Tết Ất Tỵ 2025