Danh xưng "Ông hoàng nhạc Việt" của Mr Đàm có hợp lý?
Sao Việt hôm nay 18/7: Lâm Khánh Chi chia sẻ về cuộc sống suy sụp hậu ly hôn Sao Việt hôm nay 17/7: Động thái mới của Hồng Đăng sau ồn ào đời tư |
Trên thế giới, chuyện phong danh “ông hoàng, bà chúa” cho những ca sĩ nổi tiếng không hiếm: Ông vua nhạc Pop Michael Jackson, Người đàn bà hát Alla Pugacheva (nổi tiếng với ca khúc Triệu đóa hoa hồng), Nữ hoàng nhạc Pop Madona, Công chúa nhạc Pop Britney Spears..
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng được công chúng phong cho danh xưng “Ông hoàng nhạc Việt”. |
Trong lĩnh vực âm nhạc Việt Nam, nhiều ca sĩ nổi tiếng được công chúng và báo giới đặt cho các biệt danh: Đệ nhất danh ca Thái Thanh, Nữ hoàng sầu muộn Giao Linh, Con nhạn trắng Gò Công Phương Dung. Cá biệt, ca sĩ Thanh Thúy còn được phong cho nhiều danh hiệu: Tiếng hát liêu trai, Tiếng hát về khuya, Tiếng hát lúc 0 giờ… Ở lĩnh vực cải lương, kịch nói có các danh xưng: Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga, Kỳ nữ Kim Cương, ông vua vọng cổ Út Trà Ôn…
Như vậy, một nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu, họ phải có tài năng nổi bật và sự cống hiến được khán thính giả và giới chuyên môn công nhận. Các danh xưng này chính là tình cảm của công chúng dành cho người nghệ sĩ một cách tự nhiên, không phải muốn là có, có tiền cũng không mua được.
Là một ca sĩ có tầm ảnh hưởng, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng được phong cho danh xưng “Ông hoàng nhạc Việt”.
Những người yêu mến tiếng hát và công nhận sự cống hiến của Mr Đàm cho rằng danh xưng đó rất xứng đáng. Một số người không “ưa” anh, cho rằng đây là sự tự phong kệch cỡm.
Chính Đàm Vĩnh Hưng phải đính chính danh xưng “Ông hoàng nhạc Việt” không phải do anh tự đặt cho mình. Rất nhiều lần anh đã lên tiếng về vấn đề này, nhưng sự chỉ trích, dèm pha từ phía bộ phận anti vẫn không dừng, nhất là khi anh dính vào lùm xùm với bà Nguyễn Phương Hằng.
Vậy danh xưng đó xuất phát từ đâu, có xứng đáng dành cho Mr Đàm? Theo Mr Đàm, anh không biết danh xưng đó có từ đâu, nhưng có lẽ do anh làm liveshow nhạc xưa Thương hoài ngàn năm vào năm 2007, được giới chuyên môn, khán giả và báo giới đánh giá cao. Danh xưng “Ông hoàng nhạc Việt” dành cho Mr Đàm xuất phát ở thời điểm này, tràn lan trên các mặt báo.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng |
Thực tế, nếu nhận xét công tâm: Ngay thời điểm này, dòng nhạc xưa, đặc biệt là bolero gần như mất hút khỏi thị trường âm nhạc trong nước, ca sĩ trong nước không ai hát. Khán giả muốn thưởng thức bolero, chỉ có thể mua băng, đĩa của các trung tâm băng nhạc ở hải ngoại hoặc thỉnh thoảng có một show bolero gắn mác “ca sĩ hải ngoại” với giá vé cao ngất ngưởng.
Mr Đàm đã tự tin bỏ tiền tỉ tổ chức liveshow dòng nhạc xưa cũ mà không ca sĩ nào dám mạo hiểm, vì rủi ro cao, chắc phần thua lỗ. Trong khi anh đang là ca sĩ đỉnh cao của dòng nhạc trẻ. Nhưng anh đã được Tổ đãi, đêm nhạc thành công vang dội.
Album bolero Thương hoài ngàn năm phát hành ngay sau đó, bán với số lượng kỷ lục ở thời điểm người ta chỉ quen nghe nhạc miễn phí trên mạng. Dòng nhạc bolero hồi sinh mạnh mẽ sau thời gian dài im ắng. Các ngõ ngách, quán cà phê vang tiếng hát của Mr Đàm qua các ca khúc: Người ngoài phố, Giã từ, Lệ đá, Lâu đài tình ái…Ở các sân khấu, các ca sĩ trẻ bắt đầu mạnh dạn hát dòng nhạc bolero. Sự thành công của Mr Đàm đã khơi nguồn cho Lệ Quyên bỏ dòng nhạc trẻ, dấn bước dòng nhạc “xưa”.
Chính ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã “đè bẹp” dòng nhạc bolero từ hải ngoại đổ về. Anh cũng là ca sĩ làm thay đổi suy nghĩ của khán giả: Nhạc bolero sến, rẻ tiền. Cách hát, cách hòa âm phối khí các ca khúc bolero của anh đều mang hơi thở của thời đại và trở nên sang trọng.
Cái tên Đàm Vĩnh Hưng nghiễm nhiên trở thành số 1 ở các sân khấu ca nhạc, là lựa chọn hàng đầu của các bầu show, với mức cát-xê cao nhất. Theo lời một bầu show: “Tên của Đàm Vĩnh Hưng treo trước sân khấu đã bảo đảm doanh thu cho đêm diễn. Có tên Hưng, khán giả mới chịu bỏ tiền mua vé, ùn ùn kéo đến. Chính vì vậy, Đàm Vĩnh Hưng đã nuôi bao nhiêu ca sĩ khác. Có thể gọi Hưng là ông vua ở các sân khấu”.
Một ca sĩ giấu tên khác chia sẻ: “Cho phép tôi giấu tên. Nói điều tốt về anh Hưng ngay thời điểm này, sẽ có không ít người ghét. Đối với các ca sĩ trẻ như tôi, anh Hưng là tấm gương để học hỏi. Lúc khó khăn trong nghề nghiệp hay cuộc sống, anh có thể hỗ trợ cho đàn em không điều kiện, là chỗ dựa tinh thần cho anh em nghệ sĩ qua vụ bà Nguyễn Phương Hằng. Cái tình, cái tài của anh đã tạo cho anh quyền lực tuyệt đối trong giới nghệ thuật”.
Một chiếc áo không làm nên thầy tu. Một danh xưng không thể biến một người bất tài thành ca sĩ. Cái tên “Đàm Vĩnh Hưng” đã trở thành thương hiệu lớn, trụ vững suốt gần 30 năm qua, chưa có ca sĩ vượt qua nổi. Chẳng cần “ngai vàng” trong nghệ thuật, anh luôn có một vị trí xứng đáng trong lòng công chúng.
Nguồn: Danh xưng "Ông hoàng nhạc Việt" của Mr Đàm có hợp lý?