Đầu xuân, cẩn trọng với các hình thức lừa đảo tâm linh
TS, Chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu |
Phóng viên:
Hiện nay đang phổ biến những hình thức lừa đảo tâm linh nào, thưa ông?
TS Đào Trung Hiếu:
Có thể nói lừa đảo tâm linh đang trở thành một vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay, khi nhiều đối tượng dựa vào niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi cá nhân. Chúng không chỉ gây tổn thất về mặt tài chính mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, tinh thần của những người nhẹ dạ cả tin.
Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay trong xã hội đang nổi lên 4 hình thức lừa đảo tâm linh phổ biến, cụ thể như sau:
Một là, hình thức đồng cốt, bói toán: nhiều kẻ tự xưng là thầy bói, cô đồng, thầy pháp với khả năng “nhìn thấu vận mệnh”, “giải hạn”, “gọi vong” để thu tiền của người nhẹ dạ. Họ thường đưa ra lời phán đoán chung chung hoặc gieo rắc nỗi sợ hãi: “Gia đình sắp gặp đại nạn”, “có người âm theo phá”, “vong trẻ con quấy rối”… rồi yêu cầu cúng lễ tốn kém. Một số thậm chí còn dàn dựng kịch bản “vong nhập”, làm cho người bị hại tin rằng mình cần phải làm lễ giải hạn gấp.
Hai là, hình thức “vay lộc”, “trả nợ tâm linh”: Lợi dụng niềm tin của người kinh doanh, nhiều nơi rao giảng rằng muốn phát tài phải "vay lộc" từ các vị thánh thần và cam kết sẽ trả lại số tiền lớn hơn trong tương lai. Thực chất, đây là chiêu bài để moi tiền, vì chẳng có "thánh thần" nào đứng ra đòi nợ, chỉ có những "thầy cúng" hoặc "trung gian tâm linh" dùng lời lẽ để ép buộc người dân đóng góp.
Ba là, hình thức cúng giải hạn, bùa chú: dịp đầu năm, nhiều nơi tổ chức "cúng sao giải hạn" với mức phí hàng triệu đến hàng chục triệu đồng, nhưng thực chất đây chỉ là việc kiếm ăn trên nỗi sợ hãi. Bên cạnh đó, một số đối tượng còn rao bán bùa chú “giữ chồng, giữ vợ”, “cầu tình duyên”, “tránh tà khí” với mức giá cao, khiến nhiều người mất tiền oan mà không có hiệu quả.
Bốn là, hình thức gọi vong, xem tiền kiếp: Đây là một hình thức tinh vi, lợi dụng tâm lý nhớ thương người đã khuất để lừa đảo. Một số nơi tổ chức các buổi "gọi vong", "nói chuyện với linh hồn", thực chất là chiêu trò được dàn dựng sẵn để đánh vào cảm xúc của người nghe.
Phóng viên:
Mặc dù hiện tượng lừa đảo tâm linh đã được cảnh báo nhiều, nhưng vì sao vẫn có nhiều người “sập bẫy” với thiệt hại lớn về tài sản? có thể lý giải việc này như thế nào thưa tiến sĩ?
TS Đào Trung Hiếu:
Theo chúng tôi, sở dĩ kẻ lừa đảo tâm linh "kiếm ăn" được, là vì chúng khai thác 2 điểm yếu trong tâm lý con người.
Trước tiên, tâm lý sợ hãi, lo lắng về tương lai: Những người đang gặp khó khăn về tài chính, công việc, tình duyên dễ tin vào "cứu cánh tâm linh".
Thứ hai, sự thiếu hụt, hạn chế kiến thức về tín ngưỡng: Nhiều người không hiểu rõ về đạo lý Phật giáo, tín ngưỡng dân gian, dẫn đến việc tin theo những kẻ trục lợi.
Bên cạnh đó, cần phải kể đến tác động của mạng xã hội: Các nhóm “hội tâm linh”, “hội gọi vong” tràn lan trên không gian mạng, là tác nhân lan truyền thông tin gây hoang mang, thu hút người tham gia.
Phóng viên:
Vậy có cách nào để nhận biết và phòng tránh bị lừa đảo tâm linh hay không?
TS Đào Trung Hiếu:
Theo tôi, để nhận diện các chiêu trò lừa đảo trục lợi dưới hình thức tâm linh, mỗi người cần:
Một là, tìm hiểu rõ về tín ngưỡng, tôn giáo chính thống: cần biết rằng Phật giáo, Đạo giáo, tín ngưỡng dân gian đều hướng con người đến cái thiện, không có chuyện phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để "mua bình an". Các bậc chân tu, nhà sư, tu sĩ thực thụ không bao giờ đòi hỏi tiền bạc để đổi lấy "phước lành".
Hai là, cảnh giác với những lời phán đoán tiêu cực: Nếu một người tự xưng là "thầy", "cô" mà ngay lập tức nói bạn có hạn nặng, phải cúng gấp thì đây là dấu hiệu lừa đảo. Người thật sự có kiến thức tâm linh sẽ không gieo rắc sợ hãi mà khuyên con người sống tốt, hành thiện để thay đổi vận mệnh.
Ba là, không chuyển tiền, làm lễ theo yêu cầu mơ hồ: Các hình thức "vay lộc", "cúng sao giải hạn giá cao", "giải nghiệp tiền kiếp" đều không có căn cứ. Nếu bị yêu cầu đóng tiền lớn để cúng bái, hãy từ chối ngay.
Bốn là, báo cáo với cơ quan chức năng nếu phát hiện hành vi lừa đảo: Nhiều kẻ lợi dụng tâm linh để trục lợi với số tiền lớn, có thể vi phạm pháp luật. Nếu thấy dấu hiệu bất thường, bạn có thể báo chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý.
Tâm linh là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa, nhưng cần tỉnh táo để không trở thành nạn nhân của những kẻ trục lợi. Đừng để niềm tin bị biến thành công cụ kiếm tiền cho những kẻ lừa đảo. Hãy sống thiện lành, làm điều tốt, hành động đúng đắn sẽ mang lại bình an thực sự cho mọi người, mọi nhà.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Đầu xuân, cẩn trọng với các hình thức lừa đảo tâm linh