Đẩy mạnh kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm OCOP
Đa dạng các kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP Đẩy mạnh kết nối, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP |
Sau hơn 5 năm thực hiện, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) thực hiện theo Quyết định 490/QĐ-TTg đang phát huy được tác dụng, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống người dân các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, chương trình OCOP đã và đang trở thành mũi nhọn tiếp sức cho xuất khẩu hàng Việt Nam vươn xa. Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, số lượng các sản phẩm OCOP hiện nay đang phát triển rất nhanh, tính đến nay cả nước đã có 11.054 sản phẩm OCOP. Chất lượng các sản phẩm OCOP được nâng cao và cải thiện, từ ứng dụng khoa học công nghệ đến bao bì mẫu mã. Công tác xúc tiến thương mại đã giúp cho các sản phẩm OCOP được tiêu thụ rộng khắp thị trường trong nước và mở rộng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Về mặt số lượng, chương trình OCOP đã vượt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025 là 10.000 sản phẩm. Trong số đó có 68,9% là sản phẩm được công nhận 3 sao và gần 30% được công nhận sản phẩm 4 sao, đặc biệt có 42 sản phẩm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao; còn lại là các sản phẩm có tiềm năng 5 sao. Về mặt thương mại, có thể thấy các sản phẩm OCOP giai đoạn đầu chủ yếu tập trung tại các thị trường nội địa, trong tỉnh hoặc trong huyện. Nhưng hiện tại, rất nhiều sản phẩm OCOP đã được tiêu thụ rộng khắp trên thị trường cả nước và đã có những sản phẩm đã được xuất khẩu sang thị trường thế giới.
Bộ Công Thương triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các địa phương thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP. |
Với sự kết nối của Bộ Công Thương, các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, các sản phẩm là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của địa phương, vùng miền đã được kết nối vào hệ thống các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước, đã được đưa vào tất cả các hệ thống phân phối lớn trên địa bàn cả nước như: Go!, MM Mega Market, Saigon Co.op, Winmart, Winmart+…
Bộ Công Thương đã xây dựng được cơ sở dữ liệu về các sản phẩm OCOP và hệ thống các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước thông qua chuyên mục về Chương trình OCOP tại trang thông tin điện tử; đẩy mạnh công tác truyền thông, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho các sản phẩm OCOP và các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Cùng với đó, Bộ Công Thương đã xây dựng tiêu chí điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP là căn cứ để địa phương xây dựng Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Bộ Công Thương đã cấp kinh phí và trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ 25 địa phương (21 địa phương trong giai đoạn 2019-2020 và 04 địa phương trong năm 2023) xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn. Một số địa phương bằng nguồn kinh phí của mình đã triển khai xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP theo tiêu chí của Bộ Công Thương và với bộ nhận diện điểm bán thống nhất như Hà Nội (hơn 85 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn gần 30 quận, huyện, thị xã), Quảng Ninh (30 trung tâm và điểm bán hàng OCOP), Bắc Kạn (10 điểm), Bến Tre (12 điểm), Thanh Hóa (05 điểm)….
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã triển khai một loạt các hoạt động kết nối thị trường, tổ chức các Hội nghị, hội thảo nhằm đẩy mạnh việc kết nối cung cầu, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp nông thôn, nông nghiệp tiêu biểu, các sản phẩm chủ lực của các địa phương, các đặc sản vùng miền.
Việc quảng bá sản phẩm OCOP được đẩy mạnh triển khai tại nhiều chương trình, hoạt động. |
Tuy nhiên theo đánh giá của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP còn nhiều khó khăn, hạn chế nhất định. Sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ. Trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ cơ sở, kinh doanh còn thấp. Cùng với đó thói quen phát triển thụ động, hiểu biết về sản phẩm, năng lực nghiên cứu và phát triển còn yếu dẫn đến năng suất, chất lượng, số lượng sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế nên việc triển khai chương trình chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đặc biệt là việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP chưa được như mong muốn trong bối cảnh sức mua trong nước còn yếu sau đại dịch Covid-19. Hơn nữa, sự tham gia của các chủ thể vào Chương trình OCOP chưa được chủ động. Hoạt động đổi mới, sáng tạo trong phát triển sản phẩm tuy có kết quả nhưng vẫn còn hạn chế so với tiềm năng.
Nhằm hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP trong thời gian tới cần tiếp tục duy trì và phát triển các kênh phân phối đã được xây dựng và thúc đẩy bán hàng đa kênh đối với các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã có sẵn. Đồng thời đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch, ẩm thực, văn hóa, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong công tác giới thiệu, quảng bá, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá cho sản phẩm OCOP và các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh công tác quản lý thị trường và bảo vệ thương hiệu của các sản phẩm OCOP.
Nguồn:Đẩy mạnh kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm OCOP