Đẩy mạnh kiểm kê khí nhà kính hướng đến giảm phát thải
Kiểm kê khí nhà kính ngành Công Thương cần bảo đảm tuân thủ 5 nguyên tắc Quy trình kiểm kê khí nhà kính đối với rừng và đất lâm nghiệp |
Kiểm kê khí nhà kính là hoạt động quan trọng để xác định lượng phát thải khí nhà kính (KNK) từ các nguồn phát thải. Kết quả kiểm kê trở thành cơ sở để các bộ, ngành, địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch giảm phát thải KNK phù hợp với mục tiêu chung của quốc gia. Theo đó, 2 năm 1 lần, Thủ tướng Chính phủ sẽ điều chỉnh danh mục các cơ sở phải thực hiện kiểm kê KNK.
Đến nay, Việt Nam đã có 6 kỳ kiểm kê KNK quốc gia cho các năm 1994, 2000, 2010, 2013, 2014, 2016, 2018 và 2020 dựa trên số liệu tổng hợp của quốc gia và cấp ngành. Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã lần đầu tiên đưa ra quy định về kiểm kê KNK cấp cơ sở. Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn chỉ rõ, các cơ sở phát thải hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên phải thực hiện kiểm kê KNK.
Năm 2023, các Bộ: Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải đã tổ chức thực hiện kiểm kê KNK cấp cơ sở thuộc phạm vi quản lý cho năm 2022 để gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường kết quả kiểm kê KNK sau khi hoàn thiện (theo hạn là trước ngày 1/12/2023). Theo quy định, các Bộ quản lý lĩnh vực phát thải, hấp thụ KNK phải ban hành quy định kỹ thuật về kiểm kê KNK và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải KNK cho các cơ sở thuộc lĩnh vực quản lý.
Trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, Bộ TN&MT đã đưa vào dự thảo mới nhất danh mục cập nhật 2.893 cơ sở, tăng thêm 981 cơ sở so với năm 2022, ước tính chiếm tỷ lệ khoảng 34,5% trong tổng phát thải KNK quốc gia. Trong quá trình cập nhật, Bộ TN&MT đã tổng hợp các thông tin báo cáo về của các địa phương cũng như làm việc với các cơ quan chuyên môn, tính toán số lượng các cơ sở cần phải kiểm kê KNK, mức phát thải KNK của các cơ sở dự kiến và tính khả thi của công tác quản lý, thực thi các quy định của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022.
Cụ thể, ngành Công Thương có 2.261 cơ sở là các nhà máy điện, các cơ sở công nghiệp có tổng mức tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE (tấn dầu quy đổi) trở lên, tăng thêm 599 cơ sở so với năm 2022. Ngành Giao thông vận tải có 81 cơ sở là các công ty kinh doanh vận tải hàng hóa đã được Bộ Giao thông vận tải rà soát, đề xuất đưa vào danh mục, có tổng mức tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên, tăng thêm 11 cơ sở so với năm 2022.
Ngành Xây dựng có 140 cơ sở bao gồm các doanh nghiệp sản xuất xi măng và các tòa nhà thương mại có tổng mức tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên, tăng thêm 36 cơ sở so với năm 2022. Trong đó không bao gồm các tòa nhà chung cư, bệnh viện, trường học do việc vận hành các loại tòa nhà này không thuộc diện quản lý của ngành xây dựng và lượng phát thải KNK, tiềm năng giảm phát thải KNK của các loại toà nhà nêu trên không lớn so với tổng phát thải KNK của lĩnh vực tòa nhà.
Kết quả kiểm kê trở thành cơ sở để các bộ, ngành, địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch giảm phát thải KNK phù hợp với mục tiêu chung của quốc gia. |
Ngành Tài nguyên và Môi trường có 70 cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên, giảm 6 cơ sở so với năm 2022. Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn bổ sung 341 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi có tổng lượng phát thải KNK hàng năm ước tính từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên. Trước đó, Quyết định 01 chưa bao gồm lĩnh vực này. Việc cập nhật phản ánh đúng thực tiễn lĩnh vực chăn nuôi đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng phát thải KNK quốc gia.
Nếu Quyết định được thông qua, từ năm 2025, các cơ sở trên sẽ phải nộp báo cáo kết quả kiểm kê KNK cho cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/thành phố để thẩm định. Đồng thời, các cơ sở phải thực hiện xây dựng và triển khai các kế hoạch giảm phát thải KNK nhằm đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải chung của các ngành, địa phương và quốc gia. Các Bộ quản lý lĩnh vực chịu trách nhiệm thẩm định kiểm kê KNK cấp cơ sở thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý.
Đây là các cơ sở có mức phát thải KNK cao thuộc tất cả các ngành, lĩnh vực cần được quản lý chặt chẽ về phát thải KNK, thực hiện các hoạt động giảm phát thải KNK trong giai đoạn từ nay tới 2030 và có vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu giảm phát thải theo Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam vào năm 2030.
Để đảm bảo đạt được mục tiêu giảm phát thải KNK toàn cầu, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu yêu cầu các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, chi tiết hóa số liệu kiểm kê các lĩnh vực: Năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp. Các quốc gia dần kiểm soát ít nhất 85% tổng phát thải quốc gia từ các nguồn, cơ sở phát thải KNK trên phạm vi toàn quốc và thuộc các lĩnh vực nêu trên.
Theo Báo cáo NDC cập nhật năm 2022 của Bộ TN&MT, tổng phát thải ròng năm 2020 của Việt Nam là hơn 413 triệu tấn CO2 tương đương. Với Quyết định 01/2022/QĐ-TTg, 1.912 cơ sở, lĩnh vực trong danh mục thực hiện kiểm kê mới chỉ tương đương khoảng 23% tổng phát thải KNK quốc gia. Kiểm kê KNK sẽ giúp cơ quan quản lý ghi nhận kết quả giảm phát thải của doanh nghiệp để đề xuất cập nhật danh mục cơ sở giảm phát thải, cũng như phân bổ hạn ngạch. Trong thời gian tới, các Bộ sẽ tiếp tục đào tạo, hướng dẫn các cơ sở tự thực hiện kiểm kê KNK trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm 2024. Bộ TN&MT đang hoàn thiện hệ thống báo cáo trực tuyến và sẽ thí điểm cho kỳ kiểm kê năm 2024.
Nguồn:Đẩy mạnh kiểm kê khí nhà kính hướng đến giảm phát thải