Đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản
Ninh Thuận là tỉnh có điều kiện khí hậu khắc nghiệt ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Nông dân chủ yếu sản xuất theo hình thức nhỏ lẻ, phụ thuộc vào thị trường dẫn đến tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa. Do đó, việc chuyển đổi tư duy từ "sản xuất nông nghiệp" sang "kinh tế nông nghiệp" là rất quan trọng và là xu thế phát triển hiện nay.
Để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, tỉnh xây dựng các mô hình liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ giữa các hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Tham gia các mô hình này người dân được hỗ trợ về ứng dụng khoa học kỹ thuật, nguồn vốn, thông tin thị trường. Đồng thời, tạo được vùng nguyên liệu đủ lớn cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến thành nhiều mặt hàng đa dạng, có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tính đến nay, toàn tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng được 36 cánh đồng lớn trồng lúa, nho, măng tây, hành tím, ngô giống,... với tổng diện tích hơn 5.010 ha; triển khai 70 liên kết chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp thông qua hợp tác xã, doanh nghiệp liên kết trực tiếp với nông dân sản xuất lúa, bắp giống, nho, măng tây xanh, nha đam, tỏi, kiệu, ớt, hành tím, chanh không hạt, đậu xanh, điều, mía đường, sắn với tổng diện tích khoảng 15.000 ha.
Toàn tỉnh đã xây dựng được 36 cánh đồng lớn trồng lúa, nho, măng tây, hành tím, ngô giống,... với tổng diện tích hơn 5.010 ha. |
Ngoài ra, Ninh Thuận đã được cấp 35 mã số vùng trồng với diện tích gần 310 ha; diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt trên 825 ha. Các địa phương cũng hình thành nhiều mô hình liên kết chăn nuôi tiêu thụ các sản phẩm cừu, dê, bò, lợn đen, gà bản địa với cơ sở giết mổ. Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay toàn tỉnh đã phát triển được 182 sản phẩm OCOP; trong đó, có 30 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 152 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao với mẫu mã đa dạng, hấp dẫn. Các sản phẩm OCOP từng bước khẳng định thương hiệu và tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Huyện Ninh Phước là địa phương có lợi thế về nông nghiệp, với 26.336,74ha đất nông nghiệp, chiếm 77,59% diện tích đất tự nhiên, cùng nhiều loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản khác có giá trị kinh tế cao. Từ những lợi thế đó, Ninh Phước có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng bền vững trên cơ sở chuyển dịch đúng hướng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Từ mô hình thí điểm 56ha cánh đồng lớn lúa tại xã Phước Hậu từ vụ Hè Thu 2017 đến nay, huyện Ninh Phước đã nhân rộng thêm 15 cánh đồng lớn với diện tích 2.353,3ha; trong đó 11 cánh đồng lớn lúa diện tích 2.156,6ha; 2 cánh đồng lớn bắp giống 140ha và 2 cánh đồng lớn măng tây xanh 56,65 ha.
Qua hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với HTX và doanh nghiệp, nông dân đã tiết kiệm được chi phí sản xuất, năng suất bình quân đạt cao hơn so với sản xuất đại trà. Ngoài ra sản phẩm còn bán cao hơn giá thị trường; được hỗ trợ ứng trước giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho sản xuất không tính lãi. Hình thành được các liên kết giữa nông dân với HTX, giữa nông dân với doanh nghiệp và giữa HTX với doanh nghiệp; thu nhập và đời sống nông dân được tăng lên và ổn định do tăng năng suất, khắc phục một phần khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ, áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật trên quy mô lớn theo quy trình kỹ thuật “1 phải 5 giảm"; áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất và môi trường sản xuất do ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật...
Tỉnh Ninh Thuận sẽ tạo điều kiện thuận lợi phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, nhất là các hợp tác xã có mô hình liên doanh, liên kết hiệu quả. |
Thông tin từ Liên minh HTX tỉnh, toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 113 hợp tác xã với 18.846 thành viên, tổng vốn đăng ký 219,89 tỷ đồng. Nhiều HTX đã mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất và quản trị truyền thống, nâng cao hiệu quả hoạt động, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần tiếp sức, hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận cho rằng, trong bối cảnh hiện nay việc đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để tạo ra những chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đang là vấn đề cấp thiết để hướng đến nền sản xuất hàng hóa hiện đại mang lại giá trị tăng cao. Tham gia chuỗi liên kết mang lại "lợi ích kép”, người nông dân được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro, được HTX, doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư giống, vật tư nông nghiệp để yên tâm sản xuất.
Đồng thời, các HTX, doanh nghiệp cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm, chất lượng được quản lý. Bên cạnh những lợi ích đó, việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị còn góp phần quan trọng trong việc giải bài toán về chất lượng nông sản, nâng cao được giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp một cách bền vững trước những biến động của thị trường.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, những năm qua tỉnh dành sự quan tâm rất lớn để xây dựng các mô hình hợp tác, liên kết trong nông nghiệp; tham gia các chuỗi liên kết mang lại lợi ích kép giúp người nông dân được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro, được hợp tác xã, doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư giống, vật tư nông nghiệp để yên tâm sản xuất. Các hợp tác xã, doanh nghiệp cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm, chất lượng được quản lý.
Năm 2024, Ninh Thuận đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị ngành nông nghiệp đạt từ 4 - 5%; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 148 triệu đồng/ha/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 700 triệu đồng/ha/năm. Để hoàn thành các kế hoạch đề ra, tỉnh tăng cường huy động các nguồn lực, triển khai các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh thực hiện đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tích cực chuyển giao ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, nhất là các hợp tác xã có mô hình liên doanh, liên kết hiệu quả.
Nguồn:Đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản