Đẩy mạnh phát triển thị trường cho sản phẩm OCOP vùng Đông Nam Bộ
Hậu Giang: Đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp Hà Nội đẩy mạnh phát triển các cụm công nghiệp làng nghề |
Cụ thể, nằm trong chuỗi các hoạt động chính tại Hội nghị Kết nối cung - cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành phố năm 2023, Sở Công thương TP.HCM và các sở, ngành, đơn vị xúc tiến thương mại của các tỉnh, thành phố tổ chức Chương trình Tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền năm 2023.
Chương trình quy tụ gần 200 doanh nghiệp tiêu biểu mang đến các sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP từ các vùng, miền trên cả nước, trong đó có nhiều sản phẩm đến từ TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ…
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 là phát triển tối thiểu 20-24 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Trong năm 2023, tỉnh phát triển điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại thành phố Vũng Tàu và Bà Rịa.
Từ năm 2024 trở đi, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu phát triển tối thiểu một điểm tại mỗi địa phương. Hàng năm, tổ chức ít nhất 2 chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm kết hợp với các sự kiện lễ hội, chương trình du lịch của tỉnh nhằm đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, sản phẩm trong danh mục chủ lực của tỉnh, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu…
Tương tự tại Đồng Nai, thời gian qua, các đơn vị, địa phương liên quan đã triển khai xây dựng 4 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh tại: Khu du lịch Thác Đá Hàn (huyện Trảng Bom), Khu du lịch Bửu Long (thành phố Biên Hòa), Co.opmart Biên Hòa và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (huyện Thống Nhất).
Ngoài ra, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh như: BigC Đồng Nai, GO! Tân Hiệp, Lotte Mart Đồng Nai… đã bố trí các gian hàng dành riêng cho đặc sản của các địa phương trên cả nước, trong đó có các sản phẩm OCOP của Đồng Nai.
Theo Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai Nguyễn Văn Thắng, việc kết nối sản phẩm OCOP vào các siêu thị, các điểm du lịch, cửa hàng tiện lợi là điều kiện xây dựng thương hiệu để sản phẩm OCOP phát triển, vươn xa ra nhiều thị trường.
“Đặc biệt, trong thời gian qua, các sản phẩm OCOP của Đồng Nai đã tham gia nhiều hoạt động kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại quy mô lớn với hoạt động kết nối trực tiếp giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), trao đổi trực tiếp với những hệ thống phân phối, các sàn thương mại điện tử… Qua đó, góp phần mở ra cơ hội để quảng bá, mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm thế mạnh của địa phương”, ông Thắng nhấn mạnh.
Nguồn: Đẩy mạnh phát triển thị trường cho sản phẩm OCOP vùng Đông Nam Bộ