Đẩy mạnh xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP
Du lịch nông thôn là không gian để phát triển sản phẩm OCOP Phát triển du lịch nông thôn gắn với quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP |
Cao Bằng là địa phương có tiềm năng lớn trong việc phát triển sản xuất nông sản đặc hữu theo hướng hàng hóa. Các điều kiện sinh thái, văn hóa giúp tỉnh có lợi thế phát triển các sản phẩm nông sản gắn liền với bản sắc dân tộc và tri thức bản địa. Hiện nay, tỉnh có trên 500 cơ sở ngành nghề, làng nghề nông thôn. Theo đó, có 213 cơ sở chế biến nông sản, thực phẩm; 177 cơ sở chế biến lâm sản; 118 hợp tác xã tham gia sản xuất nông, lâm, thuỷ sản; 7 làng nghề được UBND tỉnh công nhận.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm truyền thống của tỉnh Cao Bằng. Thông qua chương trình, địa phương đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, được ứng dụng khoa học công nghệ gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, từ đó, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Tỉnh Cao Bằng đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.
Chương trình OCOP được tỉnh Cao Bằng triển khai từ năm 2020. Đến nay, tỉnh có 97 sản phẩm OCOP; trong đó có 9 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 88 sản phẩm đạt hạng 3 sao thuộc 5 nhóm sản phẩm thực phẩm, đồ uống, dược liệu và sản phẩm từ dược liệu, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Chủ thể thực hiện gồm 23 hợp tác xã, tổ hợp tác, 14 doanh nghiệp, 30 hộ sản xuất kinh doanh.
Các sản phẩm OCOP của các địa phương trên địa bàn tỉnh được quảng bá tiêu thụ rộng rãi. |
Hội chợ xúc tiến thương mại (XTTM) sản phẩm OCOP tỉnh Cao Bằng năm 2023 diễn ra từ ngày 07 -11/10/2023 có quy mô 260 gian hàng của 100 chủ thể OCOP là doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ đăng ký kinh doanh đến từ các địa phương trong và ngoài tỉnh tham gia trưng bày, quảng bá, giới thiệu OCOP, sản phẩm đặc trưng, chủ lực của từng địa phương là hội chợ có quy mô cấp vùng lần đầu tiên được tổ chức tại Cao Bằng. Hội chợ nhằm tuyên truyền, quảng bá, thúc đẩy phát triển các sản phẩm OCOP mang đậm bản sắc văn hoá địa phương, nâng cao hình ảnh sản phẩm OCOP. Từ đó, góp phần đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và phục vụ nhu cầu tiêu dùng, mua sắm hàng hóa nhân dân trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.
Thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đa dạng hóa các phương thức XTTM, tập trung hỗ trợ các sản phẩm hàng hóa có tiềm năng, thế mạnh; phát huy nội lực của các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, làng nghề. Gắn kết hoạt động XTTM với phát triển du lịch, dịch vụ, nông nghiệp; các chương trình mục tiêu quốc gia và các hoạt động XTTM địa phương với chương trình XTTM quốc gia để tăng cường nguồn lực. Tạo điều kiện cho các mặt hàng chủ lực của tỉnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý nhằm khẳng định vị trí trên thị trường nội địa.
Sở Công Thương đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị, địa phương, đưa hoạt động XTTM đi vào chiều sâu và có trọng tâm, trọng điểm. Quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ thể có sản phẩm OCOP đầu tư cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, khả năng cung ứng, phát triển kênh bán hàng online; tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ tại các hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung - cầu... Công tác tuyên truyền, quảng bá giúp người tiêu dùng tại các thị trường lớn nhận diện và hiểu được giá trị các sản phẩm tiêu biểu, góp phần giới thiệu hình ảnh đẹp về văn hóa, du lịch, con người miền Non nước Cao Bằng.
Hỗ trợ đưa sản phẩm hàng hóa của tỉnh tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà phân phối; đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, nâng cao thu nhập cho người dân và tăng doanh thu cho doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê tại trang “tmdt.mic.gov.vn”, tỉnh có 3.106 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử, có 21.139 giao dịch trên sàn; 102.495 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số.
Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến công và XTTM, Sở Công Thương, 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh phối hợp tổ chức 2 hội chợ triển lãm thương mại tại Thành phố, huyện Quảng Hòa với quy mô 100 - 150 gian hàng. Tham gia các hội chợ, hội nghị, chương trình kết nối giao thương như: Hội chợ sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố trong cả nước tại Quảng Ninh; Hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ tại Nghệ An; Hội chợ triển lãm Công thương vùng Đông Bắc - Phú Thọ; Hội chợ triển lãm Công thương - OCOP Thái Nguyên 2023, Chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức XTTM tại Hà Nội.
Các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được giới thiệu, gồm: lạp sườn, thịt hun khói, thạch đen thành phẩm, bún khô, trà giảo cổ lam, trà Ô long, gạo nếp Ong Trùng Khánh, trà bí thơm, miến dong, khẩu sli, bánh khảo, rượu ngô, chiếu trúc… Bên cạnh đó, gian hàng trưng bày của tỉnh cũng giới thiệu đến đại biểu các ấn phẩm quảng bá tiềm năng du lịch và con người Cao Bằng; lợi thế, cơ chế chính sách, danh mục các dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Sở Công Thương tỉnh phối hợp tổ chức các hội chợ triển lãm thương mại, các chương trình kết nối giao thương. Ảnh: TL. |
Để hoàn thành mục tiêu năm 2023 phấn đấu có 30 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao trở lên, UBND tỉnh Cao Bằng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể thực hiện tốt nội dung, hoạt động của chương trình; phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo trong xây dựng sản phẩm OCOP; tập trung hoàn thiện, nâng cấp những sản phẩm có thế mạnh của từng địa phương và phát triển các sản phẩm đăng ký mới.
Cùng với đó, tỉnh tập trung quảng bá, tiếp thị sản phẩm; đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu, kỹ năng về thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm, đăng ký sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Tỉnh tiếp tục hỗ trợ phát triển các sản phẩm mới dựa trên ứng dụng công nghệ sơ chế, chế biến quy mô nhỏ và vừa, trong đó ưu tiên sản phẩm chế biến, chế biến sâu từ sản phẩm đặc sản, nguyên liệu địa phương, sản phẩm làng nghề, sản phẩm gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống; bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ...
Cao Bằng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hoạt động tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch trọng điểm; đồng thời, tiến hành thử nghiệm mô hình tuyến phố OCOP; nhân rộng mô hình điểm bán hàng OCOP. Xây dựng hệ thống phân phối phù hợp, từng bước thiết lập hệ thống giới thiệu, bán sản phẩm OCOP đặc trưng; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp…
Nguồn:Đẩy mạnh xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP