Để Tết cổ truyền luôn có bản sắc riêng
Giá hoa xuống thấp, thời tiết bất lợi khiến nhiều nhà vườn thất thu Phố núi Sơn La trước thềm xuân mới |
Ngày nay, việc chuẩn bị Tết cũng không phải cầu kỳ, vất vả như trước. Mọi thứ từ hoa quả, bánh trái, thực phẩm, đồ uống... đều có sẵn, chỉ dành ra một, hai buổi là có thể sắm đủ. Thậm chí, không cần ra chợ, chỉ vài cú click chuột hay đôi cuộc điện thoại đặt hàng, mọi hàng hóa đều đến tay. Bên cạnh xu hướng về quê đón Tết của những người xa xứ, còn có xu hướng đi du lịch của những gia đình hiện đại. Nếu như trước đây, Tết là cơ hội để cho mọi người được ăn ngon mặc đẹp, thì nay, người ta dành thời gian nghỉ Tết cho việc vui chơi giải trí, thăm thú bạn bè hay đi du lịch. Tuy vậy, người Việt vẫn duy trì và gìn giữ nhiều nét đẹp văn hóa, phong tục, tín ngưỡng truyền thống như: tảo mộ, dọn dẹp trang trí nhà cửa, cúng giao thừa, xin lộc, mừng tuổi (lì xì)...
Hàng Bè là chợ nổi tiếng khu phố cổ Hà Nội. Nơi đây chuyên cung cấp nhiều loại thực thẩm phục vụ người dân như: Gà, xôi... |
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, đời sống kinh tế được nâng cao đi kèm với những giá trị hưởng thụ về văn hoá tinh thần và vật chất, nhu cầu ăn ngon mặc đẹp là tự nhiên và có thể đáp ứng ngay khi cần chứ không phải đợi đến Tết như ngày xưa. Hơn nữa, ngày nay trong một năm có rất nhiều ngày lễ khác đang chi phối tầm quan trọng của ngày Tết cổ truyền. Vì vậy, dường như Tết bây giờ có phần “nhạt” hơn so với Tết xưa.
Chúng ta không thể phủ nhận mặt tích cực của hội nhập văn hoá đem lại. Nếu chúng ta “khép” cửa “ăn Tết” với nhau thì Tết Việt đương nhiên chỉ là một sản phẩm của văn hoá thuần tuý đơn lẻ, nó sẽ không thể trở thành sản phẩm văn hoá đặc trưng của quốc gia trong mối quan tâm của bạn bè quốc tế. Sự mở cửa giao lưu, tiếp xúc lại chính là những phương thức tốt nhất giúp chúng ta giới thiệu đến bạn bè quốc tế về Tết cổ truyền của người Việt Nam. Vấn đề ở đây là chúng ta phải làm chủ được quá trình tiếp xúc với văn hóa phương Tây để Tết cổ truyền của người Việt vẫn giữ được bản sắc riêng của mình mà không bị “Tây hoá”.
Ngày nay, việc ăn uống vào dịp Tết không còn quá quan trọng. |
Cuộc sống hiện đại tạo ra nhiều giá trị mới, mang đến nhiều niềm vui mới nên ngày Tết phai phôi đi ít nhiều ý nghĩa. Tuy vậy, giữa muôn bề những lo toan của cuộc sống, ngày Tết cổ truyền của dân tộc ta vẫn là cái gì đó thiêng liêng, sâu thẳm trong tâm hồn nhất, là nhu cầu sinh hoạt văn hoá không thể thiếu được đối với mỗi người dân Việt Nam. Và có lẽ cho dù ở thời nào, Tết luôn mang lại hoài niệm với bất cứ ai. Sự tiếp nối ấy là sợi dây kết nối các thế hệ mà mỗi mùa Xuân như một nấc thang hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn.
Mặc dù có nhiều thay đổi nhưng Tết Nguyên đán vẫn là ngày lễ cổ truyền lớn nhất, tưng bừng và nhộn nhịp nhất của người Việt; là dịp để mọi người cùng nhau hướng đến những giá trị tốt đẹp, đủ đầy, như: ăn ngon, mặc đẹp, nói điều hay, chúc nhau “vạn sự như ý”, “phát lộc phát tài”… Đặc biệt, Tết là dịp quan trọng để cả nhà sum vầy, quây quần bên nhau, cùng đón một năm mới an lành, hạnh phúc.
Nguồn:Để Tết cổ truyền luôn có bản sắc riêng