Đề xuất xây dựng chính sách thuế với vàng: Cần xác định rõ vàng là tài sản gì?
Việc áp dụng chính sách thuế đối với thị trường vàng trong nước sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng. Ảnh: Nhã Chi |
Tại cuộc họp với NHNN về quản lý thị trường vàng mới đây, PGS. TS. Nguyễn Thị Mùi đề xuất NHNN cần sớm kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng các chính sách thuế đối với vàng. Việc áp dụng chính sách thuế đối với thị trường vàng trong nước sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt là những đối tượng mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng. Giải pháp trên có thể ảnh hưởng tâm lý của người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó giúp kiểm soát giá vàng. Bên cạnh đó, việc áp dụng thuế sẽ bảo đảm công bằng trong hoạt động kinh doanh vàng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Hiện nay các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản… đang áp dụng thuế thu nhập cá nhân, thị trường vàng cũng nên có chính sách thuế phù hợp.
Trả lời câu hỏi của Báo Đấu thầu về đề xuất đánh thuế với giao dịch vàng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết: "Bộ Tài chính đã tiếp thu và sẽ có đánh giá cụ thể trên tất cả các mặt. Việc đưa thêm một quy định về chính sách thuế cần được đánh giá chi tiết ở nhiều khía cạnh khác nhau. Chúng tôi sẽ nghiên cứu và có báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định và thực hiện nếu hợp lý".
Từ góc độ khác, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, như nhiều ngành nghề khác, hoạt động kinh doanh vàng chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước, trong đó có cơ quan thuế. Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành thuế đẩy mạnh quản lý thuế trong lĩnh vực này, tăng cường kiểm soát xuất hóa đơn điện tử từ các giao dịch mua, bán vàng. Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng tính đến việc đề xuất thanh toán không dùng tiền mặt đối với hoạt động mua bán vàng.
Về việc đánh thuế với giao dịch vàng, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI) cho rằng, trước hết cần xác định rõ vàng là tài sản tiết kiệm dự phòng của người dân hay là tài sản vốn hoặc hàng hóa thông thường.
Nếu coi vàng là tài sản tiết kiệm dự phòng thì giống như tiền tiết kiệm và không đánh thuế giao dịch. Nếu coi vàng là tài sản vốn được đầu tư để sinh lời thì xem xét đánh thuế giao dịch tài sản. Nếu coi vàng là hàng hóa thông thường thì áp các loại thuế với hàng hóa, chẳng hạn thuế giá trị gia tăng (GTGT). Tiếp đó, vàng nhẫn hoặc vàng trang sức thì chịu thuế GTGT, vàng miếng được coi là tài sản vốn lại chịu thuế khác. Về cơ bản, cách xây dựng cơ chế thuế là như vậy, song để áp dụng trong thực tiễn một cách công bằng và minh bạch thì không dễ dàng và chi phí hành chính thực hiện cũng không hề nhỏ.
“Việc này phụ thuộc vào quan điểm chính trị của Nhà nước. Việc áp thuế sẽ làm lợi cho nhóm người này và thiệt cho nhóm người khác, nên đây là vấn đề gây tranh cãi ở nhiều nước và tùy vào quan điểm của Chính phủ mà thực thi”, ông Minh chia sẻ.
Mặt khác, theo vị chuyên gia này, việc đánh thuế tài sản có thể tác động mạnh đến người nghèo hơn là người giàu. Chẳng hạn, với nhiều người nghèo, tài sản tích lũy có thể chỉ là vàng, họ kém hơn hẳn người giàu về khả năng đa dạng hóa kênh nắm giữ và chuyển dịch tài sản bởi thiếu thông tin.
“Một số nước áp dụng việc giao dịch vàng trên thị trường giao dịch tập trung, có kho vàng vật chất. Người dân mua bán vàng qua tài khoản thì chịu một mức thuế nhỏ cho giao dịch, khi rút vàng vật chất thì chịu thuế GTGT, tính toán xác suất để có lượng vàng vật chất sẵn sàng phục vụ. Về cơ bản, hệ thống giao dịch và tính thuế như vậy giúp kiểm soát được thị trường tốt hơn”, ông Minh nói.
Nguồn: Đề xuất xây dựng chính sách thuế với vàng: Cần xác định rõ vàng là tài sản gì?