Điểm sáng bất động sản công nghiệp năm 2024
Đề nghị bổ sung hai khoản phí khi định giá đất |
Ông Trương An Dương – Giám đốc khối bất động sản nhà ở Frasers Property Vietnam đã có cuộc trao đổi với DĐDN về vấn đề này.
Ông Trương An Dương – Giám đốc khối bất động sản nhà ở Frasers Property Vietnam. |
- Nguyên nhân nào khiến doanh nghiệp nước ngoài đẩy mạnh hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam, thưa ông?
Các doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục đầu tư vào Việt Nam do nhiều yếu tố thuận lợi. Nền kinh tế Việt Nam trong năm qua tiếp tục tăng trưởng ổn định bất chấp biến động kinh tế toàn cầu, như việc tăng trưởng toàn cầu giảm tốc và tác động của một số xung đột trên thế giới. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức 5,1% trong năm 2023.
>> Phát triển nhà ở xã hội: “Khoảng cách” chính sách và thực tế
Một yếu tố khác hấp dẫn các doanh nghiệp nước ngoài tới Việt Nam là tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Sự phát triển về số lượng của nhóm người này, dẫn đến nhu cầu ngày càng cao đối với các sản phẩm và dịch vụ cao cấp. Trong đó, bất động sản (BĐS) cao cấp cũng là một “mặt hàng” mà những người thuộc tầng lớp trung lưu ngày càng quan tâm, kéo theo sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.
Lực lượng tay nghề cao cũng là một thế mạnh khiến các nhà đầu tư M&A chú ý. Với lợi thế nhân công rẻ và dồi dào, ngày càng nhiều doanh nghiệp sản xuất có quy mô quốc tế bày tỏ mong muốn đặt nhà máy tại Việt Nam. Tôi cho đây là tiềm năng để ngành BĐS công nghiệp toả sáng.
Ngoài ra, còn nhiều yếu tố khác như môi trường chính trị ổn định của Việt Nam, chiến lược tái cơ cấu chuỗi cung ứng (China + 1) khiến Việt Nam trở thành điểm đến công nghiệp thu hút đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài để xây nhà xưởng.
- Những quy định mới của các bộ Luật mới được thông qua sẽ tác động thế nào đến hoạt động M&A BĐS?
Ba bộ Luật mới được Quốc hội thông qua là các khung pháp lý rất quan trọng liên quan đến thị trường BĐS. Điều này thể hiện những nỗ lực từ Chính phủ nhằm hướng đến sự đồng bộ, tháo gỡ khó khăn và tránh chồng chéo. Qua đó, tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển minh bạch, lành mạnh và bền vững.
Bất động sản khu công nghiệp Việt Nam được dự kiến sẽ tiếp tục là “điểm sáng” của thị trường. |
Tác động đầu tiên của những động thái mới chính là sự gia tăng về niềm tin của nhà đầu tư và những người tham gia trong chuỗi giao dịch. Đó là những yếu tố được dự báo sẽ giúp đẩy mạnh sự hấp dẫn của thị trường BĐS trong tương lai.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng, các Luật mới cũng sẽ giúp giảm thiểu thời gian nhằm giúp nhà đầu tư chủ động hơn trong việc phát triển dự án và nắm bắt cơ hội đầu tư tốt hơn. Đó sẽ là yếu tố tiên quyết để các nhà đầu tư nước ngoài lạc quan hơn về thị trường M&A BĐS tại Việt Nam.
Việt Nam được dự báo là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất Châu Á trong năm 2024, ở mức 6% (theo báo cáo của Ngân hàng HSBC). Đây là một trong những yếu tố thu hút các nhà đầu tư vào mở rộng sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời giúp ngành BĐS cải thiện hơn.
- Những phân khúc nào có thể là ưu tiên của hoạt động M&A trong năm nay thưa ông?
BĐS khu công nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục là “điểm sáng” nhờ vào chiến lược China + 1. Trong năm qua Việt Nam đã gây sự chú ý lớn thông qua một loạt các chuyến thăm của lãnh đạo các nước lớn hay các tập đoàn đa quốc gia. Tôi dự đoán sẽ có nhiều hơn nữa các “ông lớn” trong lĩnh vực bán dẫn và điện tử công nghệ cao, đồ dùng gia dụng, các công ty sản xuất ô tô...
Ngoài ra, với tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong 2024, những lĩnh vực khác cũng sẽ có nhiều cơ hội phát triển, như nhà ở thương mại, tiêu dùng hay dịch vụ. Bởi vậy, lĩnh vực BĐS Việt Nam vẫn sẽ có nhu cầu lớn về M&A trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, như phân khúc nhà ở, tổ hợp văn phòng và thương mại.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn:Điểm sáng bất động sản công nghiệp năm 2024