Điểm tin ngân hàng ngày 1/8: Nợ xấu tại ACB và Sacombank đang gia tăng
Điểm tin ngân hàng ngày 31/7: 9 cá nhân sở hữu gần 18% cổ phần ngân hàng BVBank Điểm tin ngân hàng ngày 30/7: Techcombank dự kiến phát hành gần 20 triệu cổ phiếu giá rẻ cho nhân viên |
Nợ xấu tại ACB và Sacombank đang gia tăng
Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của ACB và Sacombank cho thấy nợ xấu đang gia tăng đáng kể.
Nợ xấu tại ACB tăng cao/Ảnh minh họa |
Cụ thể, tính đến ngày 30/6, tổng nợ xấu tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) hơn 8.122 tỷ đồng, cả 3 nhóm nợ đều tăng, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5).
Nợ xấu ACB từ thời điểm đầu năm 2024 là 1,21% đã tăng lên 1,49%. Cụ thể, nợ có khả năng mất vốn hơn 5.525 tỷ đồng (thời điểm đầu năm hơn 3.897 tỷ đồng) nợ nghi ngờ hơn 1.309 tỷ đồng (đầu năm là 1.048 tỷ đồng) và nợ dưới tiêu chuẩn là 1.287 tỷ đồng (đầu năm 940 tỷ đồng).
Nhóm nợ có khả năng mất vốn sau 6 tháng tăng hơn 1.628 tỷ đồng, tương đương với tăng 29,46%, là nhóm (nợ) tăng mạnh nhất và chiếm 68% trên tổng số của 3 nhóm nợ xấu.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) có tổng nợ xấu tại thời điểm cuối tháng 6 là 12.548 tỷ đồng, tăng 14,2% so với hồi cuối năm 2023. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay của Sacombank tăng từ 2,28% năm trước lên 2,43%.
Đáng chú ý, các khoản nợ đang có dấu hiệu dịch chuyển. Trong khi nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) giảm 1,9 lần xuống 2.425 tỷ đồng thì nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) của Sacombank tăng mạnh nhất, gấp 1,7 lần đầu năm lên 8.409 tỷ đồng.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết nợ xấu hiện đạt gần 5%, và khi bao gồm các khoản nợ tiềm ẩn, con số này lên tới khoảng 6,9%. Ngân hàng Nhà nước cam kết sẽ có biện pháp đảm bảo chất lượng tín dụng và trích lập dự phòng nợ xấu.
Dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy nợ xấu nội bảng đã tăng khoảng 75.900 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Số lượng khách hàng được cơ cấu lại nợ cũng tăng mạnh từ 188.000 lên 282.000 lượt.
Ngân hàng ưu đãi phí thanh toán quốc tế cho doanh nghiệp SME
Trước những tín hiệu tích cực từ hoạt động xuất nhập khẩu, Chính phủ cũng như các ngân hàng đã và đang có những phương án hỗ trợ về các chính sách tài chính, tín dụng nhằm đẩy mạnh tiềm lực phát triển, mở rộng kinh doanh quốc tế của doanh nghiệp SME.
Nhiều ngân hàng đã đưa ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp SME trong các hoạt động xuất nhập khẩu. Một trong những sản phẩm đáng chú ý là gói chuyển tiền quốc tế Efee với ưu đãi lên đến 90% phí chuyển tiền nước ngoài của ngân hàng Eximbank. Điểm nổi bật của gói Efee là doanh nghiệp SME được linh hoạt lựa chọn một trong hai loại gói phí chuyển tiền: theo doanh số giao dịch và theo số lượng giao dịch.
Bên cạnh đó, Eximbank cũng đang áp dụng nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn, giúp các doanh nghiệp SME tiết kiệm chi phí tối đa như: miễn phí 5 lệnh tra soát/điều chỉnh/hủy lệnh chuyển tiền cho mỗi gói phí. Riêng đối với các khách hàng là doanh nghiệp SME mới, Eximbank mang đến ưu đãi thanh toán giao dịch chỉ với 1 USD/giao dịch, bao gồm cả phí chuyển tiền và điện phí, không giới hạn số tiền thanh toán, theo điều kiện của chương trình ban hành.
Gói phí chuyển tiền quốc tế Efee là yếu tố thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Eximbank trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp SME trên hành trình mở rộng và phát triển quy mô, chinh phục thị trường quốc tế.
Công ty tài chính không được phép mua, bán trái phiếu ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2021/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước.
Ảnh minh họa |
Theo dự thảo, công ty tài chính không được phép mua, bán trái phiếu do ngân hàng phát hành.
Cụ thể, khoản 1 Điều 2 sẽ được sửa đổi để công ty tài chính tổng hợp chỉ được mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, còn công ty tài chính chuyên ngành có thể mua chứng chỉ tiền gửi do tổ chức tín dụng phát hành. Điều 3 cũng sẽ được điều chỉnh, trong đó chỉ tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện các giao dịch trái phiếu theo quy định.
Ngoài ra, dự thảo sẽ bãi bỏ cụm từ “kỳ phiếu, tín phiếu” do không còn quy định liên quan trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024. Điều khoản mới sẽ cho phép tổ chức tín dụng thực hiện giao dịch đối với các kỳ phiếu, tín phiếu đã phát hành cho đến khi chúng đến hạn thanh toán, theo các điều khoản đã thỏa thuận trước đó.
Sự điều chỉnh này nhằm đảm bảo sự thống nhất với các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 và nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam.
Hà Nội: Huy động vốn tín dụng đạt hơn 5.400 nghìn tỷ đồng
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn Hà Nội ước tính đạt 5.436 nghìn tỷ đồng vào cuối tháng 7/2024, tăng 1,45% so với tháng trước và tăng 1,87% so với cuối năm 2023.
Đồng thời, tổng dư nợ tín dụng tại thành phố cũng ghi nhận đạt 3.937 nghìn tỷ đồng, tăng 1,12% so với tháng trước và 8,84% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ ngắn hạn đạt 1.682 nghìn tỷ đồng, tăng 1,38%, trong khi dư nợ trung và dài hạn đạt 2.255 nghìn tỷ đồng, tăng 0,93%. Tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn là 2,1%.
Các TCTD tại Hà Nội đang chú trọng vào tăng trưởng tín dụng thông qua việc triển khai nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi và áp dụng lãi suất linh hoạt. Tình hình thanh khoản của các TCTD trên địa bàn cũng được đảm bảo.
Về cho vay theo các chương trình tín dụng, cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp chiếm 14,5% tổng dư nợ; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 18,9%; chương trình nông nghiệp, nông thôn chiếm 8,93%; và cho vay xuất khẩu chiếm 5,14%.
Trong tháng 7, Ngân hàng Nhà nước đã khuyến khích các TCTD giảm chi phí và lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Lãi suất cho vay bình quân hiện dao động từ 7,3% đến 9,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND cho một số ngành ưu tiên khoảng 3,6%/năm.
Lãi suất tiền gửi hiện cũng có xu hướng giảm, phổ biến ở mức 0,1 - 0,5%/năm cho tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, từ 2,6 - 4,5%/năm cho tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, và từ 3,9 - 6%/năm cho tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng.
Nam A Bank đạt lợi nhuận 2.200 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm
Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024, cho thấy lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.200 tỷ đồng, hoàn thành hơn 55% kế hoạch năm.
Ảnh minh họa |
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, Nam A Bank vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng với tổng tài sản đạt 228.000 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 6 tháng đầu năm, nguồn vốn huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế đạt gần 173.000 tỷ đồng, tăng 9,4% so với năm trước. Dư nợ cho vay khách hàng cũng tăng 21,2%, đạt gần 157.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, Nam A Bank đã có hai quý liên tiếp ghi nhận lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng.
Ngân hàng này đã cải thiện tỷ lệ chi phí trên tổng thu nhập (CIR) xuống gần 40%, mức thấp nhất trong 5 năm qua, đồng thời duy trì các chỉ số an toàn vượt quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 11,38%, tỷ lệ dư nợ cho vay trên huy động (LDR) đạt 76,06%.
Nam A Bank cũng đã thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ và mở rộng quy mô hoạt động trên toàn quốc. Gần đây, Moody’s nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Nam A Bank, cho thấy sự phát triển bền vững của ngân hàng. Đại diện ngân hàng cho biết sẽ tiếp tục triển khai các chiến lược để hoàn thành các mục tiêu trong năm và hướng tới vị trí trong top 15 ngân hàng mạnh nhất Việt Nam.
Nguồn: Điểm tin ngân hàng ngày 1/8: Nợ xấu tại ACB và Sacombank đang gia tăng