Điểm tin ngân hàng tuần qua: Hơn 10 ngân hàng tiếp tục tăng nhẹ lãi suất tiết kiệm
Điểm tin ngân hàng ngày 31/8: Tăng cường phát hành cổ phiếu và trái phiếu để tăng vốn Điểm tin ngân hàng ngày 30/8: Doanh nghiệp của đại gia Vũ Văn Tiền nắm hơn 17% cổ phần ABBank |
Hơn 10 ngân hàng tiếp tục tăng nhẹ lãi suất tiết kiệm
Theo tìm hiểu, hơn 10 ngân hàng tiếp tục tăng nhẹ lãi suất từ 0,1% đến 0,9%, áp đảo số ít đơn vị giảm trong tháng qua. Trong đó, có các nhà băng tư nhân lớn như VPBank, Techcombank, ACB, Sacombank, TPBank, SHB.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, VPBank tăng 0,5% ở kỳ hạn 1 tháng và 0,2% kỳ hạn từ 3 tháng trở lên. ACB, SHB tăng 0,1-0,4% ở tất cả kỳ hạn. Techcombank, TPBank tăng 0,2-0,4% cho các kỳ hạn dưới 12 tháng. Sacombank là nhà băng lớn điều chỉnh mạnh nhất trong nhóm này khi tăng tới 0,8% cho kỳ hạn 6 tháng và 0,5-0,6% cho kỳ hạn 9-12 tháng.
Đợt tăng lãi suất cũng ghi nhận tại một vài nhà băng top dưới như DongABank, CBBank, Saigonbank, BaoVietBank sau thời gian dài giữ nguyên. Trong đó, DongABank tăng mạnh tới 0,9% ở hầu hết kỳ hạn. Ngoài ra, nhà băng ngoại CIMB cũng điều chỉnh biểu lãi suất đợt này.
Tuy nhiên, tháng qua cũng ghi nhận một vài nhà băng top dưới điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm sau các đợt tăng trước đó, như SeABank, BacABank.
Hiện, ngoài ABBank đang yết lãi suất 6,2% cao nhất hệ thống cho khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng, một số nhà băng khác như BaoVietBank, BVBank, NCB, HDBank cũng trả lãi suất 6% nhưng với các khoản tiền gửi kỳ hạn dài hơi hơn 15-24 tháng.
Làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm bắt đầu mạnh lên từ đầu tháng 4 năm nay. Thời điểm đó, lãi suất cao nhất hệ thống cho kỳ hạn 12 tháng chỉ quanh 5% một năm, hiện lên 6,2% một năm. Số ngân hàng trả lãi suất từ 5% trở lên cũng nhiều hơn gấp đôi, từ 12 lên 29 đơn vị.
Tính đến hết quý II, số dư tiền gửi của phần lớn ngân hàng tăng thấp hơn cùng kỳ trong bối cảnh giải ngân tín dụng hạn chế. Thậm chí, 4 nhà băng như Vietcombank, TPBank, ABBank và VietABank ghi nhận lượng tiền gửi giảm so với đầu năm.
Các đợt tăng lãi suất thời gian qua theo lãnh đạo ngân hàng nhằm chuẩn bị cho nhu cầu tín dụng dự kiến ấm lên nửa cuối năm. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất tiết kiệm nhìn chung vẫn sẽ duy trì ở mức thấp.
TPHCM kiểm tra loạt tiệm vàng phát hiện nhiều sai phạm
Lực lượng chức năng TPHCM vừa tiến hành kiểm tra loạt tiệm vàng trên địa bàn thành phố, phát hiện nhiều sản phẩm vàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Chiều 30/8, Cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, Đội Quản lý thị trường số 5 vừa kiểm tra đột xuất 4 doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn quận 5, phát hiện số hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Qua kiểm tra, các doanh nghiệp xuất trình giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định. Bước đầu đoàn kiểm tra đã phát hiện một số các sản phẩm vàng trang sức là 11 sợi dây chuyền được bày bán không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ với tổng trị giá hàng hóa hơn 130 triệu đồng. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản đang làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Đoàn kiểm tra đã tuyên truyền, phổ biến đến các doanh nghiệp kinh doanh vàng về việc thực hiện đúng theo quy định pháp luật về kinh doanh mua bán vàng và ngoại hối.
Đại diện Cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, trong thời gian tới, Đội Quản lý thị trường số 5 sẽ tiếp tục triển khai lực lượng đồng loạt kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng trên địa bàn quận 5, nhằm góp phần bình ổn thị trường vàng trong bối cảnh giá vàng đang tăng cao. Đây là một trong những hoạt động thường xuyên của Đội trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng kém chất lượng trên địa bàn.
Agribank sắp rao bán khoản nợ hơn 52 tỷ của Wisland Việt Nam
Ngân hàng Agribank vừa thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Wisland Việt Nam (Wisland Việt Nam). Khoản nợ này phát sinh theo hợp đồng tín dụng ký ngày 28/7/2022 giữa Wisland Việt Nam và Ngân hàng Agribank Chi nhánh Vĩnh Phúc.
Agribank sắp rao bán khoản nợ hơn 52 tỷ của Wisland Việt Nam/Ảnh minh họa |
Agribank thông tin, giá trị ghi sổ khoản nợ đến hết ngày 24/7/2024 là hơn 52,45 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc là gần 44,92 tỷ đồng; dư nợ lãi là hơn 7,53 tỷ đồng. Khoản vay của Wisland Việt Nam được đảm bảo bởi nhiều bất động sản tại thành phố Đà Nẵng.
Cụ thể, tài sản đảm bảo đầu tiên bao gồm: 3 quyền sử dụng đất tại thửa đất số 104, 105, 106 tờ bản đồ số 56, diện tích 81m2, địa chỉ: lô 35-B2.10, khu tái định cư phía đông Xưởng 38 và Xưởng 387, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, thuộc quyền sử dụng của ông Nguyễn Đình Nam. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ này còn là quyền sở hữu khách sạn 12 tầng, diện tích xây dựng 194 m2, diện tích sàn hơn 2.699m2, nằm trên 3 thửa đất nói trên. Khách sạn này thuộc quyền sở hữu của Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Ánh Ngọc. Giá khởi điểm của khoản nợ là 52,452 tỷ đồng, tương đương với giá trị khoản nợ (bao gồm nợ gốc và lãi). Theo tìm hiểu, đây là khách sạn Menora Grand Đà Nẵng, thuộc quyền sở hữu của Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Ánh Ngọc, nằm trên đường Đỗ Bí, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng.
Giá khởi điểm trên chưa bao gồm các loại thuế, phí, lệ phí và thuế giá trị gia tăng trong trường hợp khoản nợ đấu giá thuộc diện phải chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật.
Từ 1/1/2025, tài khoản ngân hàng chưa xác thực không thể giao dịch online
Theo Thông tư 18 vừa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành, từ ngày 1 tháng 1 năm 2025, tất cả các tài khoản ngân hàng phải được xác thực mới có thể thực hiện giao dịch trực tuyến. Quy định mới này được kỳ vọng sẽ tăng cường an ninh, làm sạch hệ thống ngân hàng và loại bỏ tình trạng gian lận thông qua việc sử dụng giấy tờ giả hoặc tài khoản không chính chủ.
Cụ thể, Thông tư 18 yêu cầu các ngân hàng phải đối chiếu giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản để đảm bảo rằng các giao dịch điện tử được thực hiện chỉ bởi người dùng hợp pháp. Dữ liệu sinh trắc học của chủ tài khoản cần phải khớp với dữ liệu được lưu trong các cơ sở dữ liệu mã hóa của thẻ CCCD gắn chip hoặc thẻ CCCD được xác thực do cơ quan Công an cấp. Đối với người nước ngoài không sử dụng danh tính điện tử, hoặc người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch, việc thu thập dữ liệu sinh trắc học sẽ được thực hiện qua gặp mặt trực tiếp.
Ngoài ra, Thông tư 18 quy định rõ rằng các biện pháp xác thực phải được áp dụng tùy theo từng loại giao dịch để đảm bảo an toàn và bảo mật cho dịch vụ ngân hàng điện tử. Đối với tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của người không cư trú và người cư trú là cá nhân nước ngoài, các quy định về quản lý ngoại hối cũng cần được tuân thủ.
Một điểm đáng chú ý khác trong Thông tư 18 là quy định về hạn mức rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài. Theo đó, mỗi thẻ được phép rút tối đa tương đương 30 triệu đồng trong một ngày. Đối với thẻ tín dụng, tổng hạn mức rút tiền mặt tính theo BIN của thẻ tín dụng không vượt quá 100 triệu đồng trong một tháng.
Hạn mức tín dụng của thẻ tín dụng cũng được quy định rõ: đối với cá nhân có tài sản bảo đảm, mức tối đa là 1 tỷ đồng, trong khi không có tài sản bảo đảm, mức tối đa là 500 triệu đồng.
Thông tư 18 cũng quy định về các trường hợp thu hồi thẻ như thẻ giả, thẻ sử dụng trái phép, phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm, và các trường hợp thu hồi thẻ khác theo hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ.
NHNN ban hành Thông tư mới quy định về các trường hợp cho vay đặc biệt
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Thông tư 37/2024/TT-NHNN quy định về cho vay đặc biệt.
NHNN ban hành Thông tư mới quy định về các trường hợp cho vay đặc biệt |
Theo đó, NHNN cho vay đặc biệt bằng nguồn tiền từ thực hiện chức năng của ngân hàng trung ương về phát hành tiền trong các trường hợp:
Cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt là ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô để chi trả tiền gửi cho người gửi tiền.
Cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô để thực hiện phương án phục hồi đã được phê duyệt.
Cho vay đặc biệt đối với ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 đã được phê duyệt.
Cho vay đặc biệt đối với ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt để hỗ trợ phục hồi theo phương án chuyển giao bắt buộc theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 đã được phê duyệt.
Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam cho vay đặc biệt trong các trường hợp:
Cho vay đặc biệt đối với quỹ tín dụng nhân dân bị rút tiền hàng loạt để chi trả tiền gửi cho người gửi tiền.
Cho vay đặc biệt đối với quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt để thực hiện phương án phục hồi đã được phê duyệt.
Tổ chức tín dụng khác (trừ Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam) cho vay đặc biệt trong các trường hợp sau:
Cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt là ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô để chi trả tiền gửi cho người gửi tiền.
Cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô để thực hiện phương án phục hồi đã được phê duyệt.
Cho vay đặc biệt đối với ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã được phê duyệt.
Nguồn: Điểm tin ngân hàng tuần qua: Hơn 10 ngân hàng tiếp tục tăng nhẹ lãi suất tiết kiệm