Điểm tin Xây dựng - Bất động sản ngày 10/7: Giá cao, chung cư tại Hà Nội và TP HCM vẫn "khan hàng"
Điểm tin Xây dựng - Bất động sản ngày 9/7: Thanh toán mua bán nhà phải chuyển khoản, giá đúng hợp đồng từ 1/8 |
Giá cao, chung cư tại Hà Nội và TP HCM vẫn "khan hàng"
Mặc dù giá chung cư sơ cấp đang ở mức cao, thị trường tại Hà Nội và TP HCM vẫn ghi nhận tỉ lệ giao dịch mua bán rất tốt. Nhiều dự án đạt tỉ lệ bán lên tới 90% ngay trong ngày mở bán.
Ảnh minh họa. |
Tại Hội nghị tiêu điểm thị trường bất động sản TP HCM và Hà Nội ngày 9/7, CBRE Việt Nam báo cáo rằng trong 6 tháng đầu năm 2024, nguồn cung bất động sản nhà ở tại hai thành phố này diễn biến trái chiều. TP HCM chỉ có khoảng 2.000 căn hộ chào bán mới, trong khi Hà Nội tăng gần gấp bốn lần so với quý trước, đạt xấp xỉ 8.500 căn.
Thị trường chung cư Hà Nội ghi nhận sức mua tăng mạnh, với số căn bán được trong nửa đầu năm 2024 vượt mức của cả năm 2023. Riêng trong quý II/2024, số căn bán đạt 10.170 căn, gấp 5 lần so với quý trước. Tại TP HCM, dù nguồn cung mới hạn chế, số căn hộ bán được trong 6 tháng đầu năm đạt 80% so với cùng kỳ năm trước, khoảng 1.700 căn.
Giá bán chung cư tại Hà Nội tiệm cận mức giá tại TP HCM ở cả hai thị trường sơ cấp và thứ cấp. Giá trung bình chung cư tại Hà Nội đạt xấp xỉ 60 triệu đồng/m², chỉ thấp hơn 3 triệu đồng so với TP HCM. So với quý trước, giá bán đã tăng 6,5% và tăng gần 25% so với cùng kỳ năm trước. Sự hiện diện của các chủ đầu tư phía Nam và nhu cầu nhà ở tăng cao cũng góp phần đẩy giá bán sơ cấp lên cao hơn.
Ngoài ra, quỹ căn hoàn thiện và bàn giao trong 1-2 năm trở lại đây mới chỉ đạt khoảng 15.000-20.000 căn, chưa thực sự dồi dào so với giai đoạn 2019-2020 khi quỹ căn bàn giao lên tới 30.000-40.000 căn một năm. Điều này cùng với nhu cầu nhà ở không ngừng tăng đã góp phần đẩy giá bán sơ cấp tiếp tục tăng cao hơn.
Các vùng phụ cận sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản TP HCM
Theo dự báo từ DKRA Group, thị trường bất động sản tại TP HCM và các vùng phụ cận sẽ có nhiều diễn biến tích cực trong quý III/2024. Thanh khoản thị trường duy trì khởi sắc, với các khu vực như Bình Dương và Long An dự kiến dẫn dắt thị trường đất nền. Nguồn cung mới trong phân khúc này có thể dao động từ 450-550 nền.
Ảnh minh họa. |
Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 01/8/2024 dự kiến mang lại nhiều chuyển biến tích cực. Trong phân khúc căn hộ, nguồn cung và lượng tiêu thụ dự báo tiếp tục hồi phục, với căn hộ hạng A giữ vị thế chủ đạo tại TP HCM, trong khi hạng B và C dẫn dắt nguồn cung mới tại các tỉnh giáp ranh.
Nguồn cung mới cho nhà phố/biệt thự dự kiến tăng trưởng, dao động từ 950-1.050 căn, tập trung tại TP HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Giá sơ cấp duy trì ổn định, các chủ đầu tư linh hoạt điều chỉnh phương thức thanh toán và chính sách bán hàng.
Đối với bất động sản nghỉ dưỡng, nguồn cung condotel dự báo giảm, dao động từ 400-500 căn, tập trung chủ yếu tại Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh. Sức cầu chung dự kiến duy trì ở mức thấp và đà giảm kéo dài đến hết năm 2024.
Nhìn chung, thị trường bất động sản nhà ở TP HCM và vùng phụ cận trong quý II/2024 đã ghi nhận nhiều diễn biến tích cực ở các phân khúc đất nền, căn hộ và nhà phố/biệt thự, với mặt bằng giá sơ cấp không có nhiều biến động so với cùng kỳ năm 2023.
Kiến nghị bổ sung hơn 3.300 tỷ đồng xây dựng cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc - Liên Khương
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa gửi công văn đến Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị bổ sung hơn 3.300 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương để triển khai Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương. Đây là hai dự án thành phần của tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, hiện gặp khó khăn về phương án tài chính do vốn ngân sách Nhà nước tham gia còn thấp.
Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng đề xuất bổ sung 2.410 tỷ đồng cho Dự án PPP cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và 922 tỷ đồng cho Dự án PPP cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương. Việc này nhằm đảm bảo tính khả thi và thu hút nhà đầu tư khi chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng tăng cao.
Tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dài 66 km, rộng 17 m, với tổng mức đầu tư tăng từ 17.200 tỷ đồng lên 18.120 tỷ đồng. Tuyến cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương dài 73 km, với tổng mức đầu tư hơn 19.520 tỷ đồng, cần bổ sung thêm 3.760 tỷ đồng cho chi phí giải phóng mặt bằng.
Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc dài hơn 200 km này sẽ kết nối TP HCM với Tây Nguyên, cải thiện năng lực vận chuyển hàng hóa, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông cho quốc lộ 20.
Chủ đầu tư khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 chậm chễ khắc phục hồ đào trái phép
Mặc dù chính quyền địa phương đã yêu cầu chủ đầu tư Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 hoàn trả lại phần đất quy hoạch cây xanh tại khu B3.1 trước ngày 15/6/2024, tuy nhiên đến nay việc lấp hồ vẫn diễn ra cầm chừng. Đến ngày 9/7, ghi nhận của PV cho thấy chỉ có một máy xúc đang tiến hành san lấp, trong khi phần lớn diện tích hồ vẫn chưa được xử lý.
UBND xã Cự Khê đã nhiều lần yêu cầu Công ty Cienco 5 dừng thi công và khẩn trương khắc phục, nhưng tiến độ vẫn rất chậm. Phần đất quy hoạch cây xanh bị đào hồ có diện tích khoảng 9.000m², gây nguy cơ mất an toàn. Chính quyền địa phương và lãnh đạo Phòng quản lý đô thị huyện Thanh Oai đang đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ khắc phục toàn bộ phần hồ đã đào.
Trước đó, người dân khu đô thị phản ánh việc Công ty Cienco 5 đào hồ trái phép trên đất quy hoạch cây xanh, mặc dù đã bị UBND xã Cự Khê yêu cầu dừng thi công từ tháng 4/2024. Chính quyền địa phương tiếp tục giám sát và yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng quy hoạch đã được phê duyệt.
Cũng liên quan đến dự án Khu đô thị Thanh Hà, trước đó, trong quá trình triển khai dự án Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5, chủ đầu tư để xảy ra nhiều vi phạm về trật tự xây dựng, xây nhiều hạng mục sai quy hoạch được cơ quan chức năng chỉ rõ. Có thể kể đến, công trình hỗn hợp tại các lô đất B1.1-CHC01 - B1.1-CHC03, B1.3-HH03, B1.4-HH01, B1.4-HH02, B2.1-HH01, B2.1-HH02; các công trình do nhà đầu tư thứ phát, người dân xây dựng; các nhà xưởng - nhà kho tạm, tự chuyển đổi sang công trình thương mại, dịch vụ; Trụ sở công ty xây dựng tạm trên đất cây xanh,...). Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại Khu đô thị Thanh Hà A, B - Cienco 5 còn chậm.
UBND TP Hà Nội đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát, có biện pháp giải quyết xử lý dứt điểm các vi phạm trật tự xây dựng nêu trên.
Đề nghị xác định lại tiền thuê đất "siêu dự án" Sài Gòn Đại Ninh
Mới đây, cơ quan chức năng đề nghị xác định lại nghĩa vụ tài chính của Công ty Sài Gòn Đại Ninh liên quan đến việc giảm tiền sử dụng đất hơn 166 ha thuộc dự án Khu đô thị Đại Ninh. Số tiền này từ hàng trăm tỷ đồng đã giảm xuống chỉ còn 3,2 tỷ đồng.
Phối cảnh dự án Khu đô thị Đại Ninh. |
UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở liên quan và UBND huyện Đức Trọng xem xét đề nghị của Cục Thuế tỉnh liên quan đến tiền sử dụng đất tại dự án Khu đô thị Đại Ninh.
Trước đó, Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng báo cáo rằng vào thời điểm mới triển khai dự án, UBND tỉnh đã phê duyệt mức giá giao quyền sử dụng đất cho Công ty Sài Gòn Đại Ninh với số tiền hơn 158 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp sau đó đề xuất chuyển hình thức sử dụng đất từ giao đất có thu tiền sang thuê đất trả tiền hàng năm.
UBND tỉnh Lâm Đồng đã chấp thuận đề xuất này và ban hành các văn bản liên quan vào năm 2018. Từ đó, tiền thuê đất được điều chỉnh giảm chỉ còn hơn 3,2 tỷ đồng và đã được doanh nghiệp nộp.
Gần đây, qua rà soát hồ sơ, Cục Thuế tỉnh nhận thấy việc điều chỉnh giảm tiền sử dụng đất này chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai và Luật Quản lý thuế. Chi cục Thuế kiến nghị UBND tỉnh xem xét và chỉ đạo Hội đồng thẩm định giá đất xác định lại nghĩa vụ tài chính của Công ty Sài Gòn Đại Ninh để thực hiện đúng quy định.
Nguồn: Điểm tin Xây dựng - Bất động sản ngày 10/7: Giá cao, chung cư tại Hà Nội và TP HCM vẫn "khan hàng"