Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 16/12: Giá chung cư Hà Nội bắt đầu chững lại, lượng giao dịch giảm
Giá chung cư Hà Nội bắt đầu chững lại, lượng giao dịch giảm
Theo khảo sát của PV, trên một số trang buôn bán bất động sản, giá chung cư tháng 11 và 12 ở Hà Nội bắt đầu giảm. Đơn cử, một chung cư tại quận Long Biên thời điểm tháng 10 được rao bán với giá trung bình 55 - 65 triệu đồng/m2 thì nay có giá 50 - 60 triệu đồng/m2.
Ảnh minh họa |
Tương tự, một khu chung cư tại quận Hai Bà Trưng tháng 10 có mức giá phổ biến trên dưới 80 triệu đồng/m2 thì nay được rao bán với giá 72 - 80 triệu đồng/m2.
Giá căn hộ ở một khu chung cư khác tại quận Nam Từ Liêm cũng giảm nhẹ, từ mức phổ biến 62,6 triệu đồng/m2 hồi tháng 10 xuống khoảng 60,9 triệu đồng/m2.
Hay căn hộ tái định cư 70 m2 đã sử dụng hơn chục năm tại quận Cầu Giấy sau khi được chủ nhà đẩy giá lên gần 60 triệu đồng/m2 cách đây vài tháng theo “cơn sốt” chung của thị trường nay đã giảm xuống hơn 50 triệu đồng/m2 sau nhiều lần rao bán bất thành.
Lượng giao dịch chung cư tại Hà Nội cũng giảm rõ rệt. Các môi giới cho biết trước đây có thể chốt được vài căn mỗi tháng, nhưng trong hai tháng qua, số cuộc gọi hỏi mua giảm mạnh và không có giao dịch thành công. Nguyên nhân được cho là giá nhà đã tăng quá cao, không phù hợp với khả năng tài chính của phần lớn người mua.
Các chuyên gia bất động sản nhận định rằng giá chung cư đã vượt quá thu nhập của nhiều người lao động, dẫn đến tình trạng giao dịch trầm lắng. Dù giá có thể giảm nhẹ ở một số khu vực, nhưng theo dự báo, giá chung cư sẽ khó giảm sâu trong ngắn hạn, do nguồn cung vẫn thiếu hụt và nhu cầu mua vẫn còn.
Vĩnh Phúc kiên quyết xử lý các dự án công trình có biểu hiện lãng phí
Theo Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Dương Văn An, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo Ban Thường vụ Tỉnh ủy giám sát và kiểm tra các công trình, dự án có dấu hiệu lãng phí, nhằm xử lý nghiêm minh theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Cùng với đó, Tỉnh ủy tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Bí thư Dương Văn An cho biết, trong năm 2024, các cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền địa phương đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, đồng thời xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng và phòng chống tham nhũng còn tồn tại hạn chế, như tình trạng cán bộ thiếu quyết đoán và một số vụ vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.
Về công tác đầu tư công, tỉnh Vĩnh Phúc cam kết tập trung vào các dự án trọng điểm, khắc phục các vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng và bồi thường, đồng thời tránh tình trạng “công trình chờ tiền” hay “tiền chờ công trình”. Tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục nâng cao kỷ luật tài chính, sử dụng nguồn ngân sách hiệu quả và tiết kiệm.
Đặc biệt, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ kiểm tra các dự án khu đô thị, nhà ở và yêu cầu nhà đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật trong năm 2025. Các dự án không triển khai đúng tiến độ sẽ bị thu hồi và xử lý theo quy định.
Ninh Thuận sắp có sân golf rộng gần 60ha
UBND tỉnh Ninh Thuận vừa phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch ven biển phía Nam tỉnh với tổng diện tích gần 530 ha, nằm tại cửa ngõ vào Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm. Dự án sẽ bao gồm sân golf rộng 58,9 ha và bến du thuyền, trở thành trung tâm du lịch, đô thị hiện đại của tỉnh.
Ninh Thuận sắp có sân golf rộng gần 60ha/Ảnh minh họa |
Quy hoạch này chia khu vực thành ba phần: khu đô thị với các công trình hỗn hợp cao tầng, khu ven biển phát triển dịch vụ du lịch và khu phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Các khu chức năng sẽ bao gồm trung tâm thương mại, công trình công cộng và khu nhà ở. Dự án còn được phát triển đồng bộ với hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật.
Kế hoạch triển khai sẽ bắt đầu từ tháng 12/2024 và tiếp tục thực hiện trong các năm sau. Hiện Ninh Thuận lên kế hoạch sẽ tổ chức triển khai công tác kêu gọi đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng. Chủ đầu tư trúng thầu chịu trách nhiệm tổ chức triển khai việc lập đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500), trình các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định hiện hành của Nhà nước trước khi triển khai việc lập dự án đầu tư, xây dựng các công trình.
Hà Nội đề nghị chấm dứt dự án nhà ở cho Ban Thư ký Bộ công an
UBND TP. Hà Nội vừa gửi văn bản đến HĐND TP, trả lời về việc xem xét thu hồi Dự án Xây dựng nhà ở cho Ban Thư ký Bộ Công an tại phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, một dự án đã "treo" hơn 10 năm. Dự án, do Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Đô làm chủ đầu tư, được chấp thuận từ năm 2010 với diện tích 2.132 m2 và tổng vốn đầu tư khoảng 62,1 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2012.
Tuy nhiên, đến nay, dự án chưa được triển khai do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Mặc dù UBND TP. Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo tháo gỡ khó khăn từ năm 2015, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa hoàn tất thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Hiện Cục Quản lý xây dựng và doanh trại - Bộ Công an đang rà soát lại các dự án nhà ở cho cán bộ, chiến sỹ Bộ Công an trên địa bàn Hà Nội và đề xuất kết thúc các dự án không khả thi.
UBND TP. Hà Nội cho biết, việc tiếp tục triển khai dự án này là không phù hợp với quy định pháp luật vì chủ đầu tư chưa hoàn thành thủ tục giao đất.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã có các báo cáo và đề xuất UBND thành phố Chấm dứt thực hiện các nội dung tại Quyết định số 4677/QĐ-UBND ngày 23/09/2010; giao các sở, ngành và UBND quận Bắc Từ Liêm thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với ô đất nêu trên.
Đà Nẵng đề xuất lấn biển 300ha xây dựng Khu Thương mại tự do
UBND TP. Đà Nẵng vừa gửi tờ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thành lập Khu Thương mại tự do với diện tích hơn 2.300 ha, trong đó có khoảng 300 ha lấn biển. Dự án sẽ được triển khai tại 10 vị trí gắn kết với Cảng biển Liên Chiểu và Sân bay quốc tế Đà Nẵng, nhằm hoàn chỉnh hạ tầng và phát triển khu thương mại này.
Đà Nẵng đề xuất lấn biển 300ha xây dựng Khu Thương mại tự do/ảnh minh họa |
Khu Thương mại tự do Đà Nẵng dự kiến sẽ tích hợp các chức năng logistics cảng biển, sân bay và các hoạt động thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế xuất. Thành phố kỳ vọng khu này đóng góp từ 8-9% vào GRDP của Đà Nẵng vào năm 2030 và tạo ra khoảng 41.000 lao động.
Lộ trình đầu tư chia làm 2 giai đoạn, với tổng vốn dự kiến hơn 40.300 tỷ đồng. Giai đoạn 1 sẽ tập trung vào xây dựng bến Liên Chiểu và cơ sở hạ tầng, trong khi giai đoạn 2 mở rộng khu vực cảng Tiên Sa. Đà Nẵng cũng đề xuất phương thức huy động vốn từ nhà nước và nhà đầu tư chiến lược. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành hồ sơ và trình Thủ tướng phê duyệt vào đầu năm 2025.