Điểm tin Xây dựng - Bất động sản ngày 25/7: Bắt đầu kiểm kê đất đai trên cả nước từ ngày 1/8
Bắt đầu kiểm kê đất đai trên cả nước từ ngày 1/8
Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Chỉ thị số 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm kê đất đai năm 2024.
kiểm kê đất đai trên cả nước từ ngày 1/8/Ảnh minh họa |
Theo đó, thời điểm triển khai kiểm kê đất đai năm 2024 được thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước từ ngày 1/8/2024. Số liệu kiểm kê đất đai năm 2024 được tính đến hết ngày 31/12/2024.
Nội dung kiểm kê bao gồm diện tích các loại đất, đối tượng quản lý và sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2024. Các lĩnh vực cụ thể như sân golf, cảng hàng không, khu vực sạt lở, bồi đắp và đất từ nông, lâm trường cũng sẽ được kiểm kê.
Mục tiêu của đợt kiểm kê này là đánh giá thực trạng quản lý, sử dụng đất, tình hình biến động đất đai trong 5 năm qua, và việc chấp hành pháp luật đất đai của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, đề xuất các biện pháp tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
UBND cấp tỉnh phải hoàn thành kiểm kê và báo cáo trước ngày 30/6/2025. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an sẽ gửi kết quả về UBND cấp tỉnh trước ngày 31/3/2025, và kết quả cuối cùng sẽ được báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30/6/2025. Kết quả kiểm kê sẽ được công bố trước ngày 30/9/2025.
Kinh phí kiểm kê sẽ được bố trí theo Luật Ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác. Mục đích của kiểm kê là lượng hóa thực trạng sử dụng đất đai, cung cấp chỉ tiêu thống kê quốc gia và hỗ trợ điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2045.
Việc kiểm kê đất đai năm 2024 phải được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, chính xác, đúng quy định của pháp luật về đất đai; bảo đảm tính khách quan, trung thực, phản ánh đúng thực tế hiện trạng sử dụng đất.
Loạt dự án bất động sản tại Bình Thuận chưa đủ điều kiện giao dịch
Ngày 24/7, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận cho biết, đã có thông báo liên quan đến 33 dự án mà đơn vị này từng yêu cầu không được phép giao dịch do chưa đủ điều kiện.
Ảnh minh họa |
Theo đó, đến nay 33 dự án, gồm 17 dự án khu dân cư, khu đô thị và 16 dự án du lịch nghỉ dưỡng vẫn không có dự án nào đủ điều kiện giao dịch kinh doanh bất động sản theo quy định.
Các dự án này đa số đều sở hữu vị trí "đất vàng" tại TP Phan Thiết và các huyện, thị liền kề.
Trước đó, 33 dự án này bị Sở Xây dựng Bình Thuận 'tuýt còi' vì chủ đầu tư và đơn vị phân phối một số dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thực hiện việc rao bán, chuyển nhượng bất động sản thông qua các hình thức giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí để thu tiền của người mua.
Trong khi các hình thức này không được quy định trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các quy định pháp luật liên quan.
Ngoài 33 dự án trên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 380 dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng còn hiệu lực. Trong đó có 204 dự án đã triển khai đưa vào hoạt động, 85 dự án đang triển khai xây dựng và 91 dự án chưa triển khai.
Ngoài ra, qua rà soát, tỉnh Bình Thuận hiện có 9 dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện chuyển nhượng đất nền cho người dân tự xây dựng nhà ở và 3 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Bên cạnh đó, Bình Thuận hiện có 2 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai và 1 dự án đã đi vào hoạt động.
Vinhomes thành lập cùng lúc 4 công ty con kinh doanh bất động sản
Công ty Cổ phần Vinhomes (mã chứng khoán: VHM) công bố thông tin bất thường về việc hội đồng quản trị công ty đã ban hành các nghị quyết thông qua góp vốn thành lập 4 công ty con.
Các công ty này gồm có Công ty Phát triển Bất động sản Vịnh Xanh, Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Vịnh Xanh 1; Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Lighthouse và Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Lighthouse 1.
Đáng chú ý, cả 4 công ty đều có ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản và có cùng địa chỉ trụ sở chính tại căn TĐ 6-02, Khu đô thị Đại An, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Trong đó, Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Vịnh Xanh có vốn điều lệ 3.881,6 tỷ đồng. Vinhomes sẽ góp vốn bằng tài sản và tỷ lệ góp vốn là 99,8%. Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Vịnh Xanh 1 có vốn điều lệ 4.334,3 tỷ đồng. Vinhomes sẽ góp vốn bằng tài sản và tỷ lệ góp vốn là 99,8%.
Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Lighthouse có vốn điều lệ 3.053,7 tỷ đồng. Vinhomes sẽ góp vốn bằng tài sản và tiền mặt, tỷ lệ góp vốn là 100%. Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Lighthouse 1 có vốn điều lệ 3.053,7 tỷ đồng. Vinhomes cũng góp vốn bằng tài sản và tiền mặt với tỷ lệ góp vốn 100%.
Như vậy, Vinhomes sẽ dùng tài sản và tiền để góp hầu hết vốn điều lệ của 4 công ty con với tổng giá trị khoảng 14.323 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính quý 2/2024 vừa được Vinhomes công bố, tại thời điểm 30/6, doanh nghiệp này đang có 38 công ty con. Sau khi thành lập thêm 4 công ty con nói trên, số lượng công ty con của Vinhomes được nâng lên 42 đơn vị.
Tính đến 30/6/2024, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Vinhomes đạt 494.461 tỷ đồng và 206.783 tỷ đồng, tăng lần lượt 11,2% và 13,2% so với cuối năm 2023. Trong quý 2, công ty lãi trước thuế 12.248 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 10.609 tỷ đồng.Đầu tư hơn 11.500 tỷ đồng xây cao tốc Sơn La - cửa khẩu Tây Trang
Ngày 23/7, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Điện Biên về phát triển hạ tầng giao thông. Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô đề nghị Bộ GTVT thống nhất phương án tuyến và báo cáo Chính phủ cho phép dự án cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang giai đoạn 1 thực hiện theo hợp đồng BOT.
Dự án cao tốc này dài 39 km, gồm 2,8 km hầm và 7,4 km cầu, với tổng mức đầu tư 11.556 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước tham gia 8.089 tỷ đồng (70%) và nhà đầu tư huy động 3.467 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn khoảng 27 năm. Tỉnh Điện Biên chịu trách nhiệm kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Ngoài dự án cao tốc, Điện Biên còn kiến nghị nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ 279, 4H và các tuyến đường, cầu khác. Bộ GTVT đồng ý với kiến nghị của tỉnh về hướng tuyến, loại hợp đồng BOT và phương án tài chính 70-30, trong đó vốn trung ương và địa phương chiếm 70% và nhà đầu tư 30%. Bộ GTVT yêu cầu Điện Biên hoàn tất thủ tục dự án trước giữa năm 2025 để khởi công năm 2026 và hoàn thành vào năm 2027.
Các dự án khác cũng được Bộ GTVT đồng tình và giao cho các cơ quan chuyên môn hướng dẫn tỉnh triển khai.
Từ 1/8, đặt cọc mua nhà trên giấy tối đa 5% giá bán
Luật Kinh doanh Bất động sản 2023, có hiệu lực từ ngày 1/8, quy định rõ về việc kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, tại điều 23, chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng từ bên đặt cọc để mua, thuê mua khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của Luật này. Thỏa thuận đặt cọc phải ghi rõ giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng.
Ngoài ra, tại Điều 25 quy định việc thanh toán lần đầu không quá 30% giá trị hợp đồng, bao gồm cả tiền đặt cọc. Các lần thanh toán tiếp theo phải phù hợp với tiến độ xây dựng, tổng không quá 70% khi chưa bàn giao nhà.
Những lần thanh toán tiếp theo phải phù hợp với tiến độ xây dựng nhưng tổng số không quá 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao nhà ở. Trường hợp bên bán là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thì tổng số không quá 50% giá trị hợp đồng.
Theo các chuyên gia nhận định, quy định mới yêu cầu vốn tự có cao hơn cho dự án, gây khó khăn cho doanh nghiệp tài chính yếu. Ngoài ra, việc thu tiền cọc không quá 5% sẽ hạn chế tình trạng chủ đầu tư thu cọc quá lớn. Thanh toán trước không quá 95% giá trị hợp đồng khi chưa cấp sổ, phần còn lại thanh toán sau khi có sổ.
Nguồn: Điểm tin Xây dựng - bất động sản ngày 25/7: Bắt đầu kiểm kê đất đai trên cả nước từ ngày 1/8