Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 31/12: Nguồn cung nhà ở xã hội sẽ khởi sắc vào năm 2025
Nguồn cung nhà ở xã hội sẽ khởi sắc vào năm 2025
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, một trong những mục tiêu quan trọng của Bộ trong thời gian tới là triển khai Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt nhà ở cho người dân có thu nhập thấp và trung bình.
Nguồn cung nhà ở xã hội sẽ khởi sắc vào năm 2025 |
Năm 2024, nguồn cung nhà ở tại Việt Nam đã tăng 8,6% so với năm trước, trong đó các dự án nhà ở xã hội sẽ đóng góp quan trọng vào việc đáp ứng nhu cầu nhà ở.
Chính phủ và Bộ Xây dựng đang tập trung tháo gỡ vướng mắc và điều chỉnh quy hoạch để các dự án nhà ở xã hội hoàn thành đúng tiến độ, với kỳ vọng lớn vào năm 2025. Các chính sách ưu đãi như miễn thủ tục xác định giá đất và giảm thuế cho chủ đầu tư sẽ thúc đẩy sự phát triển của phân khúc này.
Tại Hà Nội, nhiều dự án nhà ở xã hội đã được khởi công, như Dự án khu nhà ở xã hội xã Uy Nỗ và Dự án NO1 Hạ Đình, góp phần vào việc cải thiện nguồn cung. Tuy nhiên, theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nhu cầu nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2025 là 1,24 triệu căn, nhưng kế hoạch của Bộ Xây dựng mới chỉ đạt 428.000 căn. Những khó khăn như thủ tục pháp lý phức tạp, giá bán bị khống chế và quỹ đất trung tâm hạn chế đang cản trở sự phát triển của các dự án nhà ở xã hội.
Dù vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn tích cực tham gia vào phân khúc này, vừa đáp ứng nhu cầu lớn về nhà ở, vừa tận dụng các chính sách ưu đãi để phát triển dự án.
Giá nhà tăng, báo động nguy cơ bong bóng bất động sản
Tại Hội nghị "Thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới", TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho hay, giá nhà ở Việt Nam hiện đã đạt mức báo động. Ông Nghĩa dẫn lại khuyến cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), giá nhà không nên vượt quá 30 năm thu nhập của một công nhân, nhưng tại Việt Nam, con số này đã lên tới 60 năm, cho thấy tốc độ tăng giá bất động sản quá nhanh.
Cùng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, chỉ ra rằng chỉ số tăng giá bất động sản ở Việt Nam trong 5 năm qua cao nhất khu vực, đặc biệt là giá nhà và đất nền. Theo một khảo sát, để mua một căn nhà trung bình, người dân Việt Nam phải tích lũy khoảng 23,5 năm thu nhập, trong khi mức trung bình thế giới là 14,5 năm.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng thị trường bất động sản vẫn không thiếu nguồn vốn. Nguồn vốn ngân hàng cho bất động sản tăng 9,15% trong năm 2024, nhưng người dân chưa có xu hướng vay tiền để mua nhà. Vì vậy, việc thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội được xem là giải pháp quan trọng để giảm bớt tình trạng thiếu hụt nhà ở, đặc biệt đối với các gia đình có thu nhập thấp và trung bình.
Bộ Xây dựng cho biết, Chính phủ đang tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đặc biệt là các dự án nhà ở xã hội. Đến nay, đã có 644 dự án nhà ở xã hội triển khai, với 57.000 căn hộ đã hoàn thành, dự kiến tiếp tục mở rộng trong những năm tới. Chính phủ cũng đã thông qua các đạo luật quan trọng để cải thiện khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và giao dịch bất động sản. Năm 2024, nguồn cung nhà ở tăng 8,6%, một tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản Việt Nam.
Bắc Ninh xử lý nghiêm 37 dự án đầu tư công "treo"
UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát, tổng hợp báo cáo các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công, trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả thuộc phạm vi, địa bàn quản lý.
Ảnh minh họa |
Theo báo cáo, hiện có 37 dự án sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh trong quá trình triển khai gặp khó khăn, vướng mắc đang phải tạm dừng thi công để giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Trong đó, dự án do cấp tỉnh đầu tư là 6 dự án, cấp huyện đầu tư là 14 dự án, cấp xã là 17 dự án.
Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn yêu cầu tăng cường đôn đốc, rà soát và xử lý dứt điểm các Dự án sử dụng vốn đầu tư công chậm/dừng thi công trên địa bàn tỉnh tại phiên họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Để xử lý dứt điểm các dự án chậm/dừng thi công trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; UBMTTQ và các tổ chức Đoàn thể, chính trị, xã hội; UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc khẩn trương rà soát tình hình triển khai các Dự án sử dụng vốn đầu tư công: Đã hoàn thành nhưng chưa phê duyệt quyết toán; đang tạm dừng triển khai do vướng mắc; đang triển khai nhưng có khả năng chậm tiến độ từ năm 2010 đến nay.
Chỉ đạo tổng hợp, đề xuất biện pháp xử lý dứt điểm một lần đối với các Dự án sử dụng vốn đầu tư công dừng, triển khai chậm tiến độ so với chủ trương, quyết định đã phê duyệt báo cáo gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) trước ngày 31/12/2024.
“Sau thời gian trên, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh Bắc Ninh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nếu vẫn còn tồn tại tình trạng dự án dừng thi công do hết thời gian thực hiện dự án”- nội dung văn bản nhấn mạnh.
Các chủ đầu tư cũng được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng các dự án đầu tư công, đồng thời kịp thời báo cáo về những dự án có nguy cơ chậm tiến độ. Nếu cần, phải điều chỉnh chủ trương đầu tư để bảo đảm tiến độ hoàn thành. Mọi trách nhiệm sẽ được yêu cầu thực hiện đầy đủ từ ngày 15/02/2025.
Hà Nội sắp đấu giá 5 thửa đất tại quận Hai Bà Trưng, giá khởi điểm gần 15 tỷ đồng
Công ty Đấu giá hợp danh Bảo Phong, phối hợp với Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng, sẽ tổ chức đấu giá 5 thửa đất tại phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vào tháng 1/2025.
Cụ thể, phiên đấu giá đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 16/1/2025, với một thửa đất diện tích 148,4 m² có giá khởi điểm hơn 14,84 tỷ đồng. Tiền đặt trước cho mỗi lô đất là 1,48 tỷ đồng.
Tiếp đó, vào ngày 17/1/2025, 4 thửa đất còn lại có diện tích từ 124,4 m² đến 139,5 m² sẽ được đấu giá với giá khởi điểm dao động từ 12,1 tỷ đến 14,84 tỷ đồng, và tiền đặt trước từ 1,2 tỷ đến 1,4 tỷ đồng. Các thửa đất nằm tại tổ 19B, đường Nguyễn Khoái, phường Thanh Lương.
Theo bảng giá đất điều chỉnh mới ban hành, giá đất tại khu vực này có thể lên tới hơn 95 triệu đồng/m² đối với các khu vực trong đê, tạo sức hút lớn cho các nhà đầu tư.
Cùng thời điểm, huyện Ba Vì và Quốc Oai cũng sẽ tổ chức đấu giá 77 thửa đất tại nhiều khu vực với giá khởi điểm từ 886.000 đồng/m² đến 4,6 triệu đồng/m².
Đà Nẵng xử lý 3 dự án "đất vàng" bỏ hoang hơn 15 năm
Ba dự án lớn tại trung tâm quận Hải Châu, Đà Nẵng, bao gồm Đà Nẵng Center, Golden Square và Diamond Square, đều đã bị bỏ hoang suốt hơn 15 năm, gây lãng phí và làm mất mỹ quan đô thị. Các dự án này được cấp phép từ năm 2008-2009, nhưng hiện nay chỉ còn là khu đất trống hoặc công trình dở dang.
Ảnh minh họa |
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng, bà Trần Thị Thanh Tâm, đã có báo cáo giải trình trước HĐND TP. Đà Nẵng về tình hình xử lý các dự án này. Đối với dự án Đà Nẵng Center của Công ty CP địa ốc Vũ Châu Long, Sở KH&ĐT cho biết nhà đầu tư đã đồng ý tiếp tục triển khai dự án và đang làm việc với các sở ngành để điều chỉnh dự án phù hợp với quy hoạch hiện tại. Thành phố sẽ giám sát tiến độ và xử lý nếu nhà đầu tư không tuân thủ quy định.
Còn đối với dự án Golden Square của Công ty CP địa ốc Đông Á, nhà đầu tư đã chấm dứt hoạt động từ tháng 3/2023 và đề nghị chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Tuy nhiên, hiện nay đang có tranh chấp với Ngân hàng Đông Á, và UBND TP yêu cầu công ty hoàn thành nghĩa vụ tài chính và giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng.
Dự án Diamond Square, sau khi được chuyển nhượng vào năm 2019, cũng gặp khó khăn trong việc thực hiện chủ trương đầu tư do vướng mắc về các quy định. Thành phố đã kiến nghị Bộ TN&MT và Quốc hội để đưa dự án vào diện thực hiện nghị quyết thí điểm về nhà ở, với kế hoạch khởi công dự án vào quý I-2026.
Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng, ông Ngô Xuân Thắng, đã yêu cầu UBND TP khẩn trương xử lý các dự án này và báo cáo kết quả vào kỳ họp giữa năm 2025 để tránh tình trạng lãng phí đất đai.
Nguồn: Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 31/12: Nguồn cung nhà ở xã hội sẽ khởi sắc vào năm 2025