Điện gió ngoài khơi: Tiềm năng lớn, "phấp phỏng" chờ chính sách
Thách thức lớn về tiến độ, thiếu cơ chế
Trong bối cảnh thủy điện cơ bản hết dư địa phát triển; nhiệt điện than không được phát triển thêm sau năm 2030 theo cam kết quốc tế, việc bảo đảm cung ứng điện và an ninh năng lượng quốc gia là thách thức rất lớn.
Theo Quy hoạch điện VIII, từ nay đến năm 2030 điện khí và điện gió ngoài khơi chiếm tới khoảng 50% tổng công suất nguồn điện cần bổ sung. Trong khi đó, mỗi dự án điện khí, điện gió ngoài khơi cần ít nhất 7-8 năm mới có thể hoàn thành và đi vào vận hành, do vậy cần có cơ chế chính sách riêng để đảm bảo các dự án này được thực hiện đúng tiến độ, không “lỡ hẹn” mục tiêu Quy hoạch đã đề ra.
Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có đường bờ biển trải dài 3.260km với 28 tỉnh, thành phố ven biển, vì vậy tiềm năng phát triển năng lượng gió tại Việt Nam vô cùng lớn. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là nước có tiềm năng năng lượng gió lớn nhất trong 4 nước của khu vực là Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính là có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65m, tương đương công suất khoảng 512.000MW.
Theo các chuyên gia, việc đẩy nhanh các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia; đồng thời hỗ trợ đất nước đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị COP26.
Đối với dự án điện gió ngoài khơi, thời gian thực hiện cần khoảng từ 6-8 năm kể từ lúc khảo sát. Do đó, việc triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi để đáp ứng tiến độ đưa vào vận hành trước năm 2030 là thách thức không hề nhỏ.
Việt Nam có tiềm năng lớn phát triển điện gió ngoài khơi. |
Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội điện gió – điện mặt trời tỉnh Bình Thuận cũng cho rằng, trong xu thế chuyển dần năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, việc phát triển điện gió đang có nhiều lợi thế, trong khi Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển.
Bên cạnh đó, Việt Nam là nước đi sau, có thể thừa hưởng những thành quả khoa học của các nước đi trước, áp dụng được những công nghệ mới vào khai thác điện gió.
Đáng chú ý, theo ông, giá thành sản xuất điện gió đã giảm mạnh, từ khoảng 25 cent/KWh hơn 10 năm trước còn khoảng 10 cent/KWh hiện nay, tương lai gần có thể giảm còn 6 cent/KWh.
Tuy nhiên, ông Thịnh lo lắng, đang thiếu các quy định, chính sách, quy hoạch không gian, chính sách giá đối với điện. Điện đang ngày càng thiếu nhưng các dự án về điện lại không thể triển khai. Các nhà đầu tư có thể làm ra điện nhưng lại lấn cấn về giá cả. Do đó, ông kiến nghị có những cơ chế, chính sách đặc biệt để TPHCM phát triển điện gió ngoài khơi.
Lo lắng của ông Thịnh cũng là nỗi niềm của nhiều nhà đầu tư trong thời gian qua tham gia nghiên cứu để phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam.
Đó là thiếu hành lang pháp lý, như chưa phê duyệt quy hoạch không gian biển quốc gia nên chưa có căn cứ xác định phạm vi quản lý biển; hay pháp luật về đầu tư chưa quy định cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án loại này.
Các quy định về thủ tục, trình tự, hồ sơ, quản lý hoạt động đo đạc, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển, gió cũng chưa có…
Cần khắc phục những điểm "vênh"
Sau báo cáo về những khó khăn, vướng mắc đối với việc thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi tại Công văn 9323/BCT-ĐL hồi tháng 12/2023, Bộ Công thương lại tiếp tục chỉ ra các điểm nghẽn về mặt pháp luật.
Cụ thể, về điều tra, khảo sát, thăm dò, đo đạc trên biển và giao khu vực biển, theo quy định của pháp luật về xây dựng, để lập dự án đầu tư, cần có kết quả khảo sát xây dựng, trong đó, thông số về khí tượng, thủy văn và địa chất là rất quan trọng.
Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật chưa có quy định về việc cho phép, chấp thuận cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động đo đạc, quan trắc, điều tra, thăm dò, khảo sát trên biển bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.
Trong khi đó, Nghị định bổ sung, sửa đổi Nghị định số 11/2021/NĐ-CP quy định việc giao khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân để sử dụng, khai thác tài nguyên biển dù đã được triển khai sửa đổi cả năm nay, nhưng chưa biết bao giờ sẽ được ban hành.
Ngoài ra, cũng chưa xác định được việc khai thác tài nguyên thiên nhiên (năng lượng gió trên biển) có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo hay không.
Liên quan đầu tư, Bộ Công thương cũng nêu ra các vướng mắc về mặt pháp luật. Chẳng hạn, về chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư, pháp luật hiện hành không thể hiện rõ dự án điện gió ngoài khơi có thuộc diện có sử dụng đất hay không.
Cụ thể, Luật Đầu tư 2020 không có định nghĩa cụ thể dự án như thế nào được xác định là “dự án có sử dụng đất”, còn Luật Đất đai hiện hành không có định nghĩa “đất” nói chung, mà chỉ quy định về “đất có mặt nước” là một loại đất, nhưng không chỉ rõ có bao gồm đất dưới mặt nước biển hay không.
Trong khi đó, lòng đất dưới đáy biển thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Biển Việt Nam. Việc khai thác và sử dụng tài nguyên biển phải tuân thủ Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, chứ không phải Luật Đất đai.
Thời gian thực hiện 1 dự án điện gió cần khoảng từ 6-8 năm kể từ lúc khảo sát |
Cũng theo lập luận của Bộ Công thương, trường hợp dự án điện gió ngoài khơi không được coi là dự án có sử dụng đất, thì có thể sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu năm 2023 và có thể không thuộc các trường hợp chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.
Về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư tại Điều 30 (thẩm quyền của Quốc hội), Điều 31 (thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ), Điều 32 (thẩm quyền của UBND cấp tỉnh) của Luật Đầu tư năm 2020, Bộ Công thương nhận thấy, chưa quy định rõ, dự án điện gió ngoài khơi thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, hay Thủ tướng Chính phủ, hay UBND cấp tỉnh.
Theo phân tích của Bộ Công thương, nếu xem xét dự án điện gió ngoài khơi thuộc đối tượng là dự án đầu tư có yêu cầu áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt, thì thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư thuộc Quốc hội, theo khoản 4, Điều 30, Luật Đầu tư năm 2020. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định về tiêu chí để xác định dự án đầu tư thuộc đối tượng cần cơ chế, chính sách đặc biệt.
Trường hợp nếu xem xét dự án điện gió ngoài khơi là loại dự án đầu tư khác, thì thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư sẽ thuộc Thủ tướng Chính phủ, theo khoản 4, Điều 31, Luật Đầu tư năm 2020. Tuy nhiên, Bộ Công thương lại nhận thấy, pháp luật khác chưa có quy định dự án điện gió ngoài khơi thuộc đối tượng là dự án đầu tư khác.
Bởi vậy, các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường cần có thêm hướng dẫn cụ thể.
Bên cạnh đó, Luật Đầu tư 2020, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP cũng đưa điện gió ngoài khơi là ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cho tới nay, quy định điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi chưa được đăng tải theo quy định.
Căn cứ quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Bộ Công thương cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật, giải quyết các vướng mắc nêu trên để làm căn cứ pháp lý triển khai thực hiện.
Theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam đẩy nhanh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...), tiếp tục gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện và điện năng sản xuất. Đối với nhiệt điện than, chỉ thực hiện tiếp các dự án đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh và đang đầu tư xây dựng đến năm 2030.
Về cơ cấu nguồn điện, đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy nhiệt điện than đang vận hành và các dự án đang triển khai xây dựng, khả năng sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành khoảng 30.127 MW. Hiện tại, có sáu dự án đang xây dựng với công suất 6.125 MW. Các nhà máy nhiệt điện than được định hướng thực hiện chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối và amoniac với các nhà máy đã vận hành được 20 năm khi giá thành phù hợp; dừng hoạt động các nhà máy có tuổi thọ hơn 40 năm nếu không thể chuyển đổi nhiên liệu. Đặc biệt, Quy hoạch xác định lộ trình đến năm 2050, Việt Nam không còn sử dụng than để phát điện.
Nguồn: Điện gió ngoài khơi: Tiềm năng lớn, "phấp phỏng" chờ chính sách