Điều chỉnh mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa
GS,TS. Đinh Đức Trường, Trưởng khoa Môi trường, BĐKH và Đô thị, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh trong báo cáo Quý I/2024 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân về thúc đẩy mô hình tăng trưởng kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tăng trưởng thích ứng với khí hậu là một mô hình phát triển lồng ghép giảm thiểu và thích ứng với BĐKH vào các chiến lược tăng trưởng kinh tế. |
GS.TS. Đinh Đức Trường đánh giá, trong gần 40 năm qua, từ khi tiến hành Đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội.
Tuy nhiên, hiện nay nền kinh tế đang gặp phải thách thức từ những đặc điểm lạc hậu của mô hình tăng trưởng cũng như mối đe dọa từ biến đổi khí hậu.
“Nếu không điều chỉnh mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa hơn và tương thích với BĐKH, nền kinh tế sẽ trở nên dễ tổn thương và thiếu bền vững trong dài hạn”, GS.TS. Đinh Đức Trường nhấn mạnh.
Ngược lại, nếu điều chỉnh kịp thời thì Việt Nam có thể tận dụng được những cơ hội để đạt được sự tăng trưởng xanh bền vững, thích ứng BĐKH cũng như thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế.
Tăng trưởng thích ứng với khí hậu là một mô hình phát triển lồng ghép giảm thiểu và thích ứng với BĐKH vào các chiến lược tăng trưởng kinh tế.
Không giống như các mô hình tăng trưởng truyền thống thường ưu tiên phát triển kinh tế mà không quan tâm đến tính bền vững của môi trường, tăng trưởng thích ứng với khí hậu ghi nhận sự phụ thuộc lẫn nhau của các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường.
Tăng trưởng thích ứng với khí hậu hướng đến một nền kinh tế carbon thấp, nhấn mạnh sự chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, thúc đẩy hiệu quả năng lượng và phát triển cơ sở hạ tầng và thể chế thích ứng với BĐKH.
Tăng trưởng thích ứng với khí hậu cũng công nhận tầm quan trọng của việc bảo vệ và khôi phục các hệ sinh thái tự nhiên, nâng cao vai trò quan trọng của tự nhiên trong việc khử carbon chống chịu lại các tác động của khí hậu.
Để thực hiện lộ trình phát triển thích ứng với khí hậu và phát thải ròng bằng 0 như cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về BĐKH (COP 26), dự kiến Việt Nam sẽ cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP, tương đương 368 tỷ USD từ nay đến năm 2040 (World Bank 2022).
Nếu có các chính sách và chiến lược phù hợp, Việt Nam có thể tận dụng những hoạt động khử carbon để đạt được mục tiêu phát triển với phát thải ròng bằng “0” mà không làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP trong trung và dài hạn. Từ các phân tích trên, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất 4 nhóm kiến nghị sau.
Thứ nhất, chuyển đổi tư duy và tiếp cận về mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa và bền vững Việt Nam cần xây dựng, cập nhật kế hoạch, lộ trình thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và chuyển đổi mô hình tăng trưởng toàn diện cấp quốc gia, ngành và địa phương.
Thay đổi tư duy, cách tiếp cận trong phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phục hồi hệ sinh thái, bảo đảm công bằng, an sinh xã hội.
Cụ thể, Việt Nam cần chuyển đổi nhân tố tăng trưởng chính trong mô hình tăng trưởng và các yếu tố tăng năng suất theo hướng xanh hóa, giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên.
“Sự lựa chọn thông minh của Việt Nam là từ bỏ mô hình tăng trưởng dựa vào tận khai tài nguyên mà chuyển sang mô hình tăng trưởng xanh, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và trình độ khoa học công nghệ. Đầu tư vào con người và công nghệ là chiến lược được nhiều quốc gia đã và đang phát triển sử dụng”, GS.TS. Đinh Đức Trường nói.
Thu hút FDI sạch và chuyển dịch vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị theo hướng bảo vệ môi trường. Hiện nay, vấn đề mấu chốt là Việt Nam chưa phát triển những ngành công nghiệp hỗ trợ, vốn là nền tảng của các ngành công nghiệp sạch.
“Vì vậy, muốn thay đổi cấu trúc FDI theo hướng thu hút các ngành sạch hơn, không còn cách nào khác là phải phát triển công nghiệp phụ trợ, song song với việc loại trừ dần những ngành FDI “bẩn” như sắt thép, hóa chất, khai khoáng, dệt nhuộm, giấy”, GS.TS. Đinh Đức Trường bày tỏ.
Bên cạnh việc lồng ghép những yêu cầu về qui trình và tiêu chuẩn quản lý môi trường trong việc xét duyệt và lựa chọn dự án FDI, Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài nên bổ sung các chính sách khuyến khích các ngành sạch, thân thiện môi trường.
Tận dụng quá trình hội nhập thương mại quốc tế để bảo vệ môi trường. Tuân thủ các quy định về môi trường trong thương mại là một thách thức nhưng cũng mang lại cơ hội cho Việt Nam để cải thiện chất lượng môi trường.
Áp lực của thị trường tiêu thụ, thị hiếu lựa chọn tiêu dùng các sản phẩm xanh, an toàn và rủi ro kinh tế từ việc không tuân thủ các quy định môi trường buộc các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải chuyển mình theo hướng thân thiện hơn, trong đó phải bảo vệ môi trường để đáp ứng các đòi hỏi của thị trường nhập khẩu hàng hóa.
Thứ hai, lồng ghép các chương trình, dự án về tăng trưởng thích ứng với khí hậu trong qui hoạch, kế hoạch phát triển quốc gia, địa phương và ngành.
Về trung và ngắn hạn, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư lồng ghép các kế hoạch, dự án liên quan đến tăng trưởng thích ứng BĐKH vào một kế hoạch hành động tổng thể hàng năm chi tiết hơn (ví dụ như kế hoạch đầu tư công hàng năm) của bộ và địa phương.
Việc lồng ghép các kế hoạch BĐKH vào kế hoạch hành động tổng thể sẽ là cơ sở để định hướng phân bổ ngân sách bao gồm cả ngân sách cho BĐKH của ngành, địa phương.
Đồng thời, Bộ Tài chính cần có hướng dẫn chi tiết cho các Bộ, ngành, địa phương hàng năm ưu tiên phân bổ chi thường xuyên (chi sự nghiệp) cho các nhiệm vụ về BĐKH trong kế hoạch ngân sách hàng năm.
Về dài hạn, các chiến lược, kế hoạch hành động theo ngành (như kế hoạch hành động về thích ứng BĐKH hoặc tăng trưởng xanh) cần được lồng ghép với mục tiêu chiến lược của ngành và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Như vậy, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm cần xác định rõ những ưu tiên bao gồm cả ưu tiên cho BĐKH trong chu kỳ 5 năm với nguồn lực tài chính dự kiến trong đó có nguồn ngân sách nhà nước (bao gồm cả đầu tư và thường xuyên) và định hướng cho việc phân bổ ngân sách nhà nước tổng thể cho các ưu tiên đó.
Thứ ba, tăng cường sử dụng các công cụ kinh tế trong huy động nguồn lực tài chính cho tăng trưởng thích ứng với khí hậu.
Tăng trưởng xanh, thích ứng với BĐKH hướng tới phát thải ròng bằng 0 là những cam kết dài hạn có ý nghĩa quyết định với chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn theo hướng bền vững hơn.
Nếu có các chính sách và chiến lược phù hợp, Việt Nam có thể tận dụng những hoạt động khử carbon để đạt được mục tiêu phát triển với phát thải ròng bằng “0” mà không làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP trong trung và dài hạn. |
Để huy động nguồn lực tài chính cho các mục tiêu trên, GS.TS. Đinh Đức Trường kiến nghị khu vực Nhà nước nên xem xét áp dụng 2 công cụ kinh tế.
Một là, áp dụng thuế carbon. Từ kinh nghiệm áp dụng thuế carbon của một số các quốc gia tiêu biểu trên thế giới và điều kiện đặc thù về KT-XH, pháp luật cũng như chiến lược quốc gia của Việt Nam về tăng trưởng xanh, khi thiết kế và áp dụng, nội dung của thuế carbon phải cụ thể hóa được các yêu cầu sau.
Cơ sở thuế: Cơ sở thuế carbon phải được thiết kế phù hợp để thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, việc xác định phạm vi đối tượng chịu thuế carbon phải bảo đảm tránh đánh thuế hai lần, tránh làm gia tăng thêm gánh nặng thuế cho xã hội có thể dẫn tới việc thuế carbon bị người dân và doanh nghiệp phản đối.
Người nộp thuế: Để thuận lợi cho công tác quản lý thuế, thuế carbon nên điều tiết vào khâu đầu tiên đưa nhiên liệu hóa thạch vào thị trường. Theo đó, người nộp thuế carbon sẽ là các chủ thể nhập khẩu, khai thác nhiên liệu hóa thạch.
Thuế suất: Mức thuế suất khởi điểm nên quy định thấp để thuận lợi áp dụng thuế carbon vào thực tiễn do được người dân và doanh nghiệp dễ chấp nhận hơn. Sau đó, mức thuế suất được điều chỉnh tăng dần lên trên cơ sở xem xét các yếu tố khác nhau như diễn biến của tình trạng quốc gia.
Mục đích sử dụng thuế: Khi áp dụng thuế carbon, pháp luật ngân sách nhà nước phải bổ sung quy định về việc tách bạch riêng thuế carbon ra khỏi các nguồn thu khác và xác định rõ mục đích sử dụng tiền thuế carbon là cho lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Hai là, áp dụng thị trường carbon. Với các văn bản quy phạm đã được ban hành, đặc biệt Nghị định 06/2022/NĐ-CP, có thể thấy thị trường carbon trong nước đã dần được định hình rõ nét hơn.
Thị trường này sẽ giúp Việt Nam hưởng lợi tối đa từ thương mại quốc tế, tăng khả năng thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp FDI, cũng như tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu vào các thị trường khó tính có sự quan tâm cao tới bảo vệ môi trường như các nước châu Âu.
Tuy nhiên, các cơ quan liên quan cần xây dựng thể chế rõ ràng. Bộ Tài chính cần sớm trình, ban hành Đề án để tạo lập chính thức sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; quy định rõ về các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới; đánh thuế carbon.
Bộ Tài nguyên Môi trường hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với các quy định, điều ước quốc tế Việt Nam đã tham gia.
Các Bộ Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải… xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu về thị trường tín chỉ carbon, bao gồm hệ thống quản lý hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; ban hành định mức phát thải khí nhà kính trên đơn vị sản phẩm đối với các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Xây dựng cơ chế vận hành và cơ quan chịu trách nhiệm để quản lý thị trường giao dịch tín chỉ carbon, kể cả các sàn giao dịch để thống nhất quản lý về nhà nước.
Bổ sung nguồn lực từ cấp trung ương tới các địa phương để phát triển các dự án xanh mang tính chất định hướng, dẫn dắt thị trường đầu tư. Tranh thủ nguồn lực quốc tế hỗ trợ qua quỹ tín dụng xanh và áp dụng công nghệ cũng như quy trình quản lý tiên tiến.
Thứ tư, khơi thông nguồn tín dụng xanh cho tăng trưởng thích ứng với BĐKH. Nhằm thúc đẩy và tháo gỡ những khó khăn cho các hoạt động hỗ trợ tài chính cho các dự án tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng nên áp dụng các giải pháp sau.
Về phía Nhà nước, cần có hướng dẫn về danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam để làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.
Trước mắt, các lĩnh vực ưu tiên của nguồn vốn tín dụng xanh của Việt Nam nên là những ngành có tác dụng tích cực đến khí hậu và môi trường, đồng thời có khả năng tạo ra lợi nhuận.
Cụ thể, ngành năng lượng tái tạo; những ngành nâng cao hiệu quả và tiết kiệm năng lượng (cụ thể là các ngành xi măng, sắt thép, xây dựng tòa nhà tiết kiệm năng lượng…); ngành nông nghiệp xanh, du lịch xanh; giao thông đô thị; ngành tiêu dùng bền vững.
Đối với các tổ chức tín dụng, cần xác định hoạt động tín dụng xanh, ngân hàng xanh là xu thế, yêu cầu để hướng đến phát triển bền vững, từ đó lồng ghép phát triển xanh trong định hướng, xây dựng chiến lược kế hoạch kinh doanh.
Song song với đó, cần đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn về môi trường, nghiên cứu phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để đáp ứng các yêu cầu cấp tín dụng xanh, huy động tài chính xanh.
Về phía doanh nghiệp thực hiện dự án xanh, cần phối hợp cung cấp đầy đủ các thông tin về môi trường liên quan để được tổ chức tín dụng thẩm định cho vay thực hiện dự án, kiểm soát chất lượng khoản vay; đồng thời khách hàng nâng cao trách nhiệm ý thức bảo vệ môi trường khi thực hiện dự án.
Nguồn: Điều chỉnh mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa