Điều gì sẽ tác động tới tiêu dùng nhanh tại Việt Nam 2023?
Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu 3 xu hướng trong hành vi người tiêu dùng Việt |
Thứ nhất là sóng gió đến từ suy thoái kinh tế chung. Trên phạm vi toàn cầu, kinh tế 2023 được dự báo sẽ tiếp tục suy thoái trước khi hồi phục vào năm 2024.
Với Việt Nam, dù kết thúc năm 2022 với tăng trưởng GDP cao kỷ lục, kinh tế được nhận định sẽ gặp nhiều thách thức trong năm 2023, với rủi ro lớn nhất là lạm phát.
Theo Kantar, giá cả leo thang khiến người tiêu dùng trở nên lo lắng hơn về việc làm và thu nhập, trong bối cảnh sa thải hàng loạt diễn ra từ cuối năm ngoái. Điều này dẫn đến người tiêu dùng sẽ siết chặt chi tiêu và cân nhắc kĩ hơn khi mua sắm.
Do vậy, các thương hiệu/nhà bán lẻ cần thấu hiểu cách người tiêu dùng phản ứng với tình hình giá thay đổi khác nhau như thế nào với từng ngành hàng. Cùng với đó, cân bằng giữa việc tăng giá và xây dựng thương hiệu, đồng thời bù đắp giá cả gia tăng bằng chất lượng sản phẩm, và thông điệp phù hợp với tâm lý người tiêu dùng, Kantar khuyến nghị.
Mua sắm trực tuyến (online) sẽ là yếu tố thứ hai ảnh hưởng tới tiêu dùng nhanh tại Việt Nam trong năm nay, trong đó, những xu hướng mới nổi sẽ tạo động lực tăng trưởng cho kênh online, đơn cử như Tiktok.
Dữ liệu từ Reputa cuối năm ngoái cho biết Tiktok đang không chỉ dừng lại ở mảng giải trí, mà ngày càng đẩy mạnh trong ngành thương mại điện tử. Nền tảng này đã vượt mặt Tiki và Sendo, vươn lên nắm giữ vị trí tốp 3 sàn thương mại điện tử tại Việt Nam.
Một trong những nguyên nhân là TikTok đã tích hợp với chức năng mua sắm, giúp người tiêu dùng tiếp cận thương hiệu mới/thương hiệu nhỏ dễ dàng hơn.
Ngoài ra, các trải nghiệm thực tế ảo, hay chiến lược Online-to-offline sẽ giúp thúc đẩy các kênh online trong năm nay, từ đó tác động tới thị trường FMCG.
Yếu tố ảnh hưởng thứ ba là xu hướng sống hạnh phúc và khỏe mạnh. Đại dịch đã tạo động lực cho người tiêu dùng tìm kiếm sản phẩm F&B có lợi ích dinh dưỡng, hoặc các thức ăn/uống thay thế lành mạnh (chế độ ăn lành mạnh hơn, giảm chất béo, sản phẩm không đường).
Kết quả khảo sát của Worldpanel. |
Đơn cử, dữ liệu từ khảo sát Lifestyle Survey 2021 – 2022 của Worldpanel cho thấy có tới 85% người được hỏi cho biết sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm tốt cho sức khỏe hơn.
Không chỉ vậy, thức uống với các lợi ích sức khỏe khác nhau ngày càng phổ biến hơn, đặc biệt là nhóm Millenials, cho thấy mối quan tâm về sức khỏe hiện hữu ở mọi lứa tuổi.
Cuối cùng là xu hướng về hành trình sống bền vững. Sau đại dịch, chủ đề sống bền vững được quan tâm hơn, khi hơn một nửa người tiêu dùng có ý thức về tác động môi trường và nỗ lực để giảm thiểu ảnh hưởng đó, theo khảo sát của Worldpanel.
Người tiêu dùng cũng sẵn sàng hành động nếu thương hiệu không có trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Tuy vậy, khảo sát cho thấy vẫn hiện hữu khoảng cách giữa nhận thức và hành động trong việc tiêu dùng xanh. Nhiều người cảm thấy khó thay đổi hành vi dùng sản phẩm từ nhựa, và cho rằng sản phẩm thân thiện môi trường thường đắt tiền và khó tìm.
Theo Kantar, đây là lúc thương hiệu FMCG, nhà sản xuất và nhà bán lẻ cần tiên phong thay đổi, giúp người tiêu dùng thu hẹp khoảng cách giữa mong muốn và hành động.
Đơn cử, doanh nghiệp có thể từng bước đổi mới để các sản phẩm bền vững với môi trường dễ tiếp cận hơn với chi phí hợp lý. Cùng với đó, doanh nghiệp nên hợp tác cùng cơ quan nhà nước để cải thiện hệ thống xử lý rác thải, và tuyên truyền về những hành động tiêu dùng/mua sắm cụ thể, giúp giảm thiểu tác động lên môi trường, Kantar khuyến nghị.
Tiêu dùng nhanh giảm tốc sau cú nhảy nhờ Covid-19
Nguồn:Điều gì sẽ tác động tới tiêu dùng nhanh tại Việt Nam 2023?