Đô thị miền Trung: Phát triển bền vững thích ứng biến đổi khí hậu
Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu WMO công bố kế hoạch giám sát bền vững khí nhà kính nhằm ứng phó với BĐKH |
Nhiều mối đe dọa từ thiên tai
Sau hơn 30 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế, các đô thị biển nước ta, nhất là các đô thị biển miền Trung đã có nhiều thay đổi về diện mạo kiến trúc theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch nghỉ dưỡng và kinh tế biển.
Tuy nhiên, khu vực miền Trung là nơi phải chịu nhiều đe dọa từ các loại hình thiên tai. Dù chưa có những thống kê đầy đủ, nhưng các bằng chứng mới nhất cho thấy một xu hướng đáng lo ngại là, rủi ro thiên nhiên vốn đã rất nguy hiểm, lại đang trở nên ngày càng nặng nề bởi tốc độ đô thị hóa nhanh, phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu.
Báo cáo Tăng cường Khả năng Chống chịu khu vực ven biển Việt Nam của Ngân hàng Thế giới phát đi năm 2021 đã đưa ra các số liệu thống kê đáng báo động về mức độ dễ bị tổn thương của khu vực ven biển cùng các chủ thể và đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Ước tính 12 triệu người ở các tỉnh ven biển đang phải chịu ảnh hưởng từ nguy cơ của các trận bão lũ nặng nề và hơn 35% nhà ở hiện đang nằm ở các khu vực ven biển bị xói mòn. Trung bình mỗi năm có tới 852 triệu USD - tương đương 0,5% GDP - và 316 nghìn việc làm trong các lĩnh vực kinh tế chủ chốt bị ảnh hưởng do nguy cơ lũ lụt ven sông và ven biển.
Khu vực miền Trung là nơi phải chịu nhiều đe dọa từ các loại hình thiên tai nặng nề bởi tốc độ đô thị hóa nhanh, phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu. |
Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu nhận định, nếu nước biển dâng thêm 1 m, khoảng 16,05% diện tích Đồng bằng sông Hồng, 1,47% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, 17,84% diện tích TP.HCM, 39,40% diện tích ĐBSCL có nguy cơ bị biển xâm thực, trong đó Kiên Giang có thể ngập đến 75% diện tích; các đảo có nguy cơ ngập cao nhất là Vân Đồn, Côn Đảo, Phú Quốc.
Đáng chú ý, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang có nhiều diễn biến phức tạp cả về mức độ và tần suất kèm theo tốc độ đô thị hóa nóng, việc phát triển đô thị duyên hải miền Trung Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn bao gồm thiên tai (lũ lụt, hạn hán), tăng nhiệt/ ngập lụt/ nước biển dâng, cung cấp nước sạch. Việc quy hoạch phát triển đô thị giáp biển và các bờ của các cửa sông chính và phía sau các cồn cát dọc theo các bãi biển theo phương thức cũ, tập trung đông dân cư cũng là nguyên nhân chính khiến các đô thị ven biển duyên hải miền Trung dễ bị ảnh hưởng thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu.
Đô thị thích ứng biến đổi khí hậu
Theo Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), hiện nay, có khoảng 300 đô thị ven biển sẽ chịu sự tác động rất lớn của biến đổi khí hậu như tình trạng ngập lụt, xâm nhập mặn, triều cường. Khoảng 140-150 đô thị ở miền núi chịu sự ảnh hưởng của sạt lở đất, lũ quét và hạn hán. Với xu thế đô thị hóa và phân bố hệ đô thị hiện nay, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan thực sự là thách thức đối với công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị.
Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới phải chịu tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng… để các đô thị ven biển miền Trung phát triển bền vững, có nhiều giải pháp được đặt ra một cách khẩn trương và cấp thiết.
Các chuyên gia cho rằng, đô thị ven biển Việt Nam cần đẩy mạnh quy hoạch xây dựng công trình hỗn hợp cân bằng với khả năng đáp ứng hạ tầng đô thị đặc biệt là nước sinh hoạt thông qua các chính sách phân vùng và quy tắc xây dựng hỗ trợ phát triển sử dụng hỗn hợp; lập kế hoạch/ quy hoạch cho các khu vực có chức năng kết hợp giải trí, thương mại và công nghiệp theo khả năng cung cấp nước sinh hoạt; thực hiện các chính sách tài khóa và các biện pháp khuyến khích hỗ trợ.
Cùng với đó, thúc đẩy phát triển thông qua bảo quản, nâng cấp và sử dụng lại các không gian truyền thống hiện có, cải tạo làm mới các không gian ven sông lịch sử cho các chức năng mới; dọn dẹp và tái sử dụng các cánh đồng bạc màu. Cung cấp nhiều phương án giao thông đường bộ và đường thủy. Trong đó, tăng cường giao thông công cộng trên mặt nước và liên kết với các hệ thống giao thông đường bộ; đảm bảo rằng các phương án vận chuyển đồng bộ của hàng hóa và con người; lập kế hoạch cho nhu cầu vận chuyển theo mùa.
Hiện nay nước ta đang hình thành hệ thống các đô thị ven biển có tiềm năng phát triển bền vững về du lịch và kinh tế tạo thành trục liên kết Bắc - Nam với TP Đà Nẵng là trung tâm cùng các đô thị lớn như Huế, Hội An, Tam Kỳ, Quãng Ngãi, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang.
Theo xu thế chung, khu vực ven biển sẽ là tâm điểm cho sự phát triển trong tương lai với sự gia tăng dân số, mở rộng các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch và đô thị hóa. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 80 khu lấn biển tại 19 tỉnh, thành phố ven biển. Nhiều dự án lấn biển quy mô lớn đã và đang được thực hiện tại Hải Phòng, Quảng Ninh, TP.HCM, Kiên Giang...
Theo ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT, “Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững và có khả năng thích ứng với khí hậu cho các vùng ven biển của Việt Nam, chúng ta không thể bỏ qua những thách thức của các cú sốc thiên nhiên và biến đổi khí hậu. Chúng ta phải đầu tư để nâng cao khả năng thích ứng nếu muốn đạt được mục tiêu thịnh vượng kinh tế”. |
Nguồn: Đô thị miền Trung: Phát triển bền vững thích ứng biến đổi khí hậu