Doanh nghiệp dưới sự lèo lái của lãnh đạo tuổi Thìn làm ăn ra sao trong năm 2023?
Đỗ Minh Phú – TPBank
Ông Đỗ Minh Phú (SN 1952 – Nhâm Thìn) hiện là Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).
Vừa qua, TPBank đã công bố báo cáo tài chính quý 4/2023. Theo đó, lợi nhuận trước thuế quý 4/2023 của ngân hàng ở mức 630 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí dự phòng rủi ro tăng vọt từ mức 115 tỷ đồng (quý 4/2022) lên tới 1.970 tỷ đồng (quý 4/2023), tức tăng tới 17 lần.
Ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT của TPBank. Ảnh: NQL |
Tổng thu nhập hoạt động quý 4 của TPBank đạt 4.443 tỷ đồng, tăng 21,3% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ hoạt động cốt lõi với thu nhập lãi thuần tăng tới 43,8% so với cùng kỳ và đạt 3.996 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng có lãi tăng mạnh 325% và đạt 324 tỷ đồng. Trong khi đó, hoạt động dịch vụ kém khả quan (chủ yếu do nguồn thu từ hoạt động thanh toán sụt giảm), chỉ có lãi 114 tỷ đồng trong quý 4/2023 trong khi cùng kỳ năm 2022 có lãi tới 816 tỷ đồng.
Tính chung cả năm, tổng thu nhập hoạt động TPBank đạt 16.233 tỷ đồng, tăng 3,9% so với năm 2022. Chi phí hoạt động tăng 12,7% lên 6.698 tỷ đồng. Chi phí dự phòng tăng 114% lên 3.946 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế cả năm ở mức 5.588 tỷ đồng, giảm 28,6% so với năm 2022.
Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản TPBank đạt 356.637 tỷ đồng, tăng 8,5% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 27,5% trong năm 2023 và đạt 205.262 tỷ đồng. Riêng trong quý cuối cùng của năm, dư nợ cho vay khách hàng của TPBank tăng đột biến 14%.
Nợ xấu của ngân hàng cuối năm 2023 là 4.200 tỷ đồng, giảm mạnh hơn 1.100 tỷ trong quý 4. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 0,84% (cuối năm 2022) lên 2,05% (cuối năm 2023).
Tiền gửi khách hàng tại TPBank tăng 6,8% trong năm qua lên 208.262 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn tăng mạnh 35% lên hơn 44.000 tỷ. Tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) cải thiện từ 16,7% lên 21,1%.
Đặng Thành Tâm – Kinh Bắc
Ông Đặng Thành Tâm (SN 1964 – Giáp Thìn) hiện là Chủ tịch HĐQT của Tổng Công Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (mã; KBC). Kết thúc quý 4/2023, KBC ghi nhận doanh thu thuần gần 1.094 tỷ đồng, cải thiện lớn so với mức âm 338 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Cả năm 2023, KBC ghi nhận doanh thu thuần 5.645 tỷ đồng, tăng 494% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu từ mảng cho thuê đất và cơ sở hạ tầng khu công nghiệp có mức tăng trưởng mạnh, đạt 5.247 tỷ đồng, chiếm 93% tổng doanh thu của KBC.
Hơn nữa, biên lợi nhuận gộp năm 2023 của doanh nghiệp đã được cải thiện lên mức 69%, so với mức 48% của năm 2022. Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính của KBC đạt 454 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2022, chủ yếu nhờ lãi tiền gửi, cho vay và hợp tác kinh doanh tăng.
Ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc. Ảnh: NQL |
Trong quý 4/2023, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp của doanh nghiệp này đạt 150 tỷ đồng. Luỹ kế cả năm 2023, công ty báo lãi sau thuế 2.218 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2022.
Như vậy, so với kế hoạch đề ra, năm 2023, KBC hoàn thành 68% chỉ tiêu tổng doanh thu và 55% chỉ tiêu lãi sau thuế. Song, đây vẫn là mức lợi nhuận cao nhất mà KBC đã đạt được kể từ khi lên sàn vào năm 2007.
Tuy nhiên, năm 2023, KBC phải chi gần 4.383 tỷ đồng để trả nợ gốc vay và chỉ thu 851 tỷ đồng từ đi vay và 130 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu. Vì thế, dòng tiền thuần của KBC từ hoạt động tài chính âm gần 3.402 tỷ đồng, kéo dòng tiền thuần trong năm của doanh nghiệp cũng âm gần 867 tỷ đồng.
Phía bên kia bảng cân đối, KBC còn 13,2 nghìn tỷ đồng nợ phải trả, giảm 22% so với đầu năm. Trong khi đó, tổng nợ vay tài chính cả ngắn hạn và dài hạn chỉ còn hơn 3.659 tỷ đồng, giảm 52% so với đầu năm, chiếm 28% tổng nợ vay và 11% nguồn vốn của doanh nghiệp.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của KBC đạt hơn 33,4 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm. Phần lớn tập trung dạng tài sản ngắn hạn với hơn 25,3 tỷ đồng, chiếm 76% so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 31/12/2023, hàng tồn kho 12,2 tỷ đồng, giảm 119 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2023 và chiếm 36,5% trong tổng tài sản, nhiều dự án đáng chú ý như khu công nghiệp và khu đô thị Tràng Cát hơn 8.171 tỷ đồng; khu đô thị Phúc Ninh hơn 1.113 tỷ đồng; khu công nghiệp và dân cư Tân Phú Trung hơn 928 tỷ đồng…
Nguyễn Đức Thuỵ - LPBank
Ông Nguyễn Đức Thuỵ (SN 1976 – Bính Thìn) hiện là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LPBank).
Kết thúc quý 4/2023, LPBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 3.346 tỷ đồng, tăng 20,7% so với cùng kỳ. Các nguồn thu ngoài lãi đều ghi nhận tăng trưởng ấn tượng. Trong đó, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng đột biến lên mức 2.926 tỷ đồng, tương ứng tăng 231,6%. Bên cạnh đó, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng tăng lên mức 65,7 tỷ đồng.
Theo giải trình của LPBank, ngân hàng đã triển khai các sản phẩm mới tăng cường các dịch vụ thanh toán trong nước và ngoài nước khiến cho thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng.
Trong kỳ, chi phí hoạt động đạt 1.594 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ quý 4/2022. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng 18,1% lên mức 1.543 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Thuỵ - Chủ tịch HĐQT LPBank. Ảnh: NQL |
Kết quả, LPBank báo lãi trước thuế quý 4/2023 đạt 3.352 tỷ đồng và lãi sau thuế 2.627 tỷ đồng, lần lượt tăng 286,5% và 293,5% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế cả năm 2023, lợi nhuận trước thuế của LPBank đạt 7.039 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 5.572 tỷ đồng, lần lượt tăng 23,7% và 23,5% so với năm 2022.
Trong năm vừa qua, thu nhập lãi thuần của ngân hàng giảm 5,9% xuống còn 11.203 tỷ đồng. Trái lại, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 114,6% đạt hơn 3.565 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng tăng gấp 41,6 lần so với cùng kỳ, lên hơn 435 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác cũng tăng từ 201,1 tỷ đồng trong năm 2022 lên mức 347,1 tỷ đồng trong năm 2023.
Tính đến ngày 31/12/2023, LPBank ghi nhận tổng tài sản ước đạt hơn 382.953 tỷ đồng, tăng 17% so với hồi đầu năm, và tăng trưởng tín dụng đạt 39.686 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 16,83%.
Tại thời điểm ngày 31/12/2023, tổng nợ xấu của LPBank ở mức 3.688.651 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ.
Về cơ cấu nợ xấu, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) đạt mức 812,7 tỷ đồng, giảm 24%. Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 69,9% lên 1.706 tỷ đồng và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đạt 1.169 tỷ đồng, giảm 13,5% so với thời điểm cuối năm 2022.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh – REE
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh (SN 1952 – Nhâm Thìn), hiện là Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Cơ điện lạnh (mã: REE).
Kết thúc quý 4/2023, REE ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.065,2 tỷ đồng, giảm 32,7% so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi giá vốn, REE báo lãi gộp 922,3 tỷ đồng, giảm 32,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong quý 4, mảng hạ tầng điện, nước tiếp tục giữ vai trò chủ lực của REE với doanh thu đạt 1.245,1 tỷ đồng, giảm 24,4% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 584 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh Chủ tịch HĐQT của REE. Ảnh: NQL |
Đối với bất động sản, REE ghi nhận doanh thu 247,5 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế mảng của BĐS đạt 147,9 tỷ đồng, tương đương tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt 59,7%.
Còn doanh thu cơ điện lạnh của REE đạt 573,8 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trừ đi chi phí, mảng cơ điện lạnh của REE ghi nhận khoản lỗ sau thuế ở mức 82 tỷ đồng.
Kết thúc quý 4/2023, REE báo lãi sau thuế ở mức 643,4 tỷ đồng, giảm 33,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 504,1 tỷ đồng, giảm 30,1% so với cùng kỳ quý 4/2022.
Lũy kế cả năm 2023, REE ghi nhận doanh thu thuần đạt 8.569,5 tỷ đồng, giảm 8,5% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 2.786,7 tỷ đồng, giảm 20,7% so với năm 2022.
Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của REE đạt 34.910,3 tỷ đồng, tăng 2,9% so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền và tương đương tiền, cùng các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn đạt 3.436,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, REE còn ghi nhận 719,4 tỷ đồng đầu tư chứng khoán kinh doanh. Trong đó, khoản đầu tư vào Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) chiếm tỷ trọng lớn nhất, với giá trị đầu tư đạt mức 696,2 tỷ đồng, giảm 42,1 tỷ đồng so với đầu năm.
Tính đến cuối năm 2023, nợ phải trả của REE đạt 14.140 tỷ đồng, giảm 3,8% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn đạt 10.742,8 tỷ đồng, chiếm 30,7% tổng nguồn vốn.
REE chủ yếu vay dài hạn từ ngân hàng với dư nợ ở mức 7.211,1 tỷ đồng, chịu lãi suất từ 5,1%-11,2%/năm. Ngoài ra, công ty này còn ghi nhận khoản vay trái phiếu với tổng giá trị còn lại đạt 2.298,8 tỷ đồng.
Nguồn:Doanh nghiệp dưới sự lèo lái của lãnh đạo tuổi Thìn làm ăn ra sao trong năm 2023?