Doanh nghiệp kinh doanh vàng làm ăn ra sao trước yêu cầu thanh tra, kiểm tra?
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg, trong đó yêu cầu thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường.
Trước đó, Tổng cục Thuế đã có công văn về việc tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động mua bán vàng bạc, đá quý.
Ngành thuế sẽ rà soát việc kê khai, nộp thuế VAT với kinh doanh, chế tác vàng (nguyên liệu, miếng), đá quý. Yêu cầu rà soát của Tổng cục Thuế nhằm phát hiện các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh mua bán, chế tác vàng, đá quý không kê khai, hoặc khai thiếu thuế (có sự chênh lệch giữa giá vốn, doanh thu thực tế với kê khai thuế VAT).
Trong một nghiên cứu của VNDirect, ở Việt Nam hiện có khoảng 10.000 cửa hàng kinh doanh vàng bạc, đá quý. Tính đến hết sáu tháng đầu năm 2022, cả nước có 5.935 doanh nghiệp được cấp phép sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, trong đó, số doanh nghiệp lớn chiếm tỉ trọng dưới 2%.
Có thể kể đến một số doanh nghiệp vàng bạc đá quý lớn trên thị trường hiện nay như: DOJI, SJC, PNJ, Bảo Tín Minh Châu, Tập đoàn Kim Tín, vàng bạc đá quý Huy Thành, Skymond Luxury, Bảo Tín Mạnh Hải,…
Một cửa hàng kinh doanh vàng trong ngày Thần tài 10/1 (âm lịch). Ảnh: Lục Giang |
Vàng đang là tâm điểm trên thị trường đầu tư khi liên tục biến động trong thời gian vừa qua. Theo báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới, ở Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng vàng năm 2023 nói chung giảm nhẹ, từ 59,1 tấn trong năm 2022 xuống còn 55,5 tấn trong năm 2023. Vàng miếng và vàng xu đã có mức giảm nhẹ 2% trong năm 2023 so với cùng kỳ, ở mức 40 tấn.
Nhu cầu vàng trang sức cũng suy giảm đáng kể, ghi nhận mức giảm 16%, xuống còn 15 tấn. Nguyên nhân do tăng trưởng kinh tế chậm lại và lạm phát tương đối cao trong khu vực.
Đáng chú ý, đầu tư vàng tại Việt Nam tăng mạnh trong quý 4/2023 nhờ sự điều chỉnh giá. Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng T.Ư toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới, cho biết: "Trong quý 4/2023, Việt Nam đã có đợt tăng đầu tư vàng do điều chỉnh giá.
Tuy nhiên, nhu cầu tăng và các sự lựa chọn đầu tư vàng bị hạn chế đã dẫn đến mức chênh lệch đáng kể đối với các thỏi vàng SJC, đạt khoảng 600 - 700 USD/ounce. Giá trị đồng nội tệ giảm liên tục trong suốt năm 2023 đã tiếp tục thúc đẩy nhu cầu, đặc biệt là trong bối cảnh mong manh của nền kinh tế".
Theo giới phân tích, đối với doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc, kênh đầu tư này đã chứng tỏ khả năng mang lại lợi nhuận tích cực trong thời gian gần đây. Lợi nhuận của PNJ và DOJI đã lập đỉnh trong năm 2022, vượt mức 1.000 tỉ đồng. Còn doanh thu của SJC cũng cao nhất trong 10 năm qua.
Bất chấp những dự báo nhu cầu tiêu thụ vàng của người Việt giảm, năm 2023, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đều đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận cao.
Trong đó, SJC đặt mục tiêu doanh thu hơn 30.416 tỉ đồng từ kinh doanh vàng, tăng hơn 3.000 tỉ đồng so với năm trước; lợi nhuận trước thuế 70 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 56 tỉ đồng.
PNJ đặt mục tiêu 35.598 tỉ đồng doanh thu, 1.937 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 5% và 7% so với cùng kỳ.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4.2023 của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) ghi nhận doanh thu thuần quý 4 của doanh nghiệp đạt 9.760 tỉ đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ 2022. Còn lợi nhuận sau thuế đạt 632 tỉ đồng, tăng 34,4%.
Trái ngược với PNJ, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI công bố kết quả kinh doanh kém khả quan trong 6 tháng đầu năm 2023.
Theo báo cáo tài chính Bán niên, kỳ báo cáo từ 1.1.2023 đến 30.06.2023 của DOJI, doanh nghiệp này ghi nhận mức lãi khá khiêm tốn, chỉ đạt 154 tỉ đồng, giảm mạnh so với con số 1.016 tỉ đồng cùng kỳ năm trước. Thu nhập trên vốn chủ sở hữu chỉ đạt 2,4%.
Nguồn:Doanh nghiệp kinh doanh vàng làm ăn ra sao trước yêu cầu thanh tra, kiểm tra?