Doanh nghiệp kỳ vọng hưởng lợi từ dự án Lô B - Ô Môn báo lãi giảm 27% trong quý 3
Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2023, với lợi nhuận ròng giảm so với cùng kỳ và so với 3 quý gần đây. Đây là doanh nghiệp đang tích tụ rất nhiều kỳ vọng của nhà đầu tư trong bối cảnh giá dầu cao cùng với triển vọng lợi nhuận từ dự án Lô B – Ô Môn và mảng điện gió ngoài khơi.
Trong giai đoạn tháng 7-9/2023, PVS ghi nhận doanh thu thuần ở mức 4,175 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi gộp lại giảm 10% xuống mức hơn 180 tỷ đồng, với biên lãi gộp giảm nhẹ xuống 4.3%.
Kết quả kinh doanh quý 3/2023 của PVS. Đvt: Tỷ đồng
Trong kỳ, hoạt động tài chính của PVS vẫn khả quan. Cụ thể, doanh thu tài chính tăng 56% lên hơn 210 tỷ đồng, chủ yếu đến từ lãi tiền gửi, cho vay và chênh lệch tỷ giá. Còn chi phí tài chính tuy tăng mạnh 138% do lỗ chênh lệch tỷ giá, nhưng mức giá trị tuyệt đối chỉ 47 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty còn lãi thêm gần 180 tỷ đồng từ các công ty liên doanh liên kết, tăng 11% so với cùng kỳ.
Điểm trừ của doanh nghiệp này là phần tăng mạnh của chi phí quản lý doanh nghiệp lên 260 tỷ đồng và khoản lỗ khác 22 tỷ đồng.
Kết quả, PVS báo lãi ròng giảm 27% so với cùng kỳ, xuống 141 tỷ đồng, từ đó đánh dấu quý lãi thấp nhất trong hơn 1 năm qua.
Vượt kế hoạch lợi nhuận sau 9 tháng
Tuy vậy, bức tranh kinh doanh 9 tháng đầu năm của PVS vẫn tích cực. Sau 9 tháng, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần gần 12.6 ngàn tỷ đồng và lãi ròng 580 tỷ đồng, tăng tương ứng 14% và 40% so với cùng kỳ.
Với kết quả này, PVS đã thực hiện 95% kế hoạch doanh thu và vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2023 (560 tỷ đồng).
Kỳ vọng tích tụ, cổ phiếu gần đỉnh lịch sử
Là một doanh nghiệp thượng nguồn của ngành dầu khí, việc làm ăn của PVS rất thuận lợi khi giá dầu thế giới duy trì ở mức cao. Tính tới ngày 28/10, giá dầu Brent tương lai đang ở mức 90 USD/thùng.
Ngoài ra, PVS còn được kỳ vọng hưởng lợi lớn từ việc tham gia vào dự án Lô B - Ô Môn. Đây là đại dự án phát triển, khai thác và vận chuyển khí từ các mỏ khí thượng nguồn đến các nhà máy nhiệt điện khí ở hạ nguồn với tổng chi phí phát triển khoảng 11 tỷ USD.
Theo CTCK SSI, PVS là doanh nghiệp đầu tiên được hưởng lợi từ dự án Lô B – Ô Môn nếu đạt được quyết định đầu tư cuối cùng (có thể phải kéo dài tới cuối năm 2023). Dự kiến, công ty có thể đạt khoảng 700 triệu USD giá trị EPCI từ Lô B trong khoảng thời gian 2024 - 2027.
Chưa hết, kỳ vọng của nhà đầu tư với PVS không chỉ nằm ở hoạt động dầu khí, mà còn là từ mảng điện gió ngoài khơi. Theo CTCK Vietcap, đến nay, doanh nghiệp này đã trúng thầu 4 dự án điện gió ngoài khơi kể từ khi công ty mở rộng sang mảng mới này với tổng giá trị hợp đồng ước tính là 668 triệu USD.
Thể hiện cho sự tích tụ kỳ vọng của nhà đầu tư, cổ phiếu PVS đang dao động ở vùng đỉnh lịch sử bất chấp đà lao dốc của thị trường trong thời gian gần đây. Khép phiên ngày 27/10, cổ phiếu
PVS ở mức 37,100 đồng/cp, tăng 130% so với đáy tháng 11/2022.
Nguồn: Doanh nghiệp kỳ vọng hưởng lợi từ dự án Lô B - Ô Môn báo lãi giảm 27% trong quý 3