Doanh nghiệp lo ngại sức mua cuối năm yếu, dè dặt dự trữ hàng
Ổn định sức mua của thị trường nhờ giảm thuế Doanh nghiệp đặt cược vào sức mua cuối năm |
Các nhà bán lẻ tung loạt chương trình khuyến mãi để kích cầu mua sắm dịp cuối năm. Ảnh: Ngọc Lê |
Giảm lợi nhuận, tăng khuyến mãi để kích thích sức mua
Ghi nhận tại thị trường TPHCM, thời điểm này tại các siêu thị, cửa hàng đều đang triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm tăng doanh số bán hàng, tăng lợi nhuận, kích cầu tiêu dùng...
Đại diện hệ thống MM Mega Market thông tin, hiện nhu cầu mua sắm của người dân chậm hơn mọi năm, đơn vị sẵn sàng giảm lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Bên cạnh việc giữ giá bán bình ổn, từ nay đến cuối năm, nhà bán lẻ này sẽ triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, nhiều mặt hàng có thể được áp dụng giảm giá 10 - 30%.Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam - cho biết, đơn vị sẽ lên phương án cân đối mức giá hợp lí với nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn cho người tiêu dùng nhằm kích thích sức mua cuối năm.
Phía Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (VISSAN) cũng cam kết giữ giá ổn định, không điều chỉnh tăng giá bán trước, trong và sau Tết. Song song đó, công ty sẽ thực hiện các chương trình khuyến mãi giảm giá từ 10-20% một số các sản phẩm thiết yếu vào các ngày cuối tuần.
Đối với mặt hàng trứng, Công ty Cổ Phần Ba Huân và Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cũng áp dụng chương trình khuyến mãi trong những tháng cuối năm để duy trì mức giá tốt cho người tiêu dùng. Theo ông Trương Chí Thiện - Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, với lượng bán ra 700.000 quả trứng/ngày, từ đầu năm đến nay sức mua đối với mặt hàng trứng giảm 15 - 20% so với năm ngoái.
Doanh nghiệp lo ngại sức mua
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Văn Trường - Tổng Giám Đốc Công ty Thương mại quốc tế Hải sản Hoàng Gia - cho biết: “Đến thời điểm này sức mua vẫn chậm nên lượng hàng cho dịp cuối năm sẽ giảm hơn so với những năm trước. Chúng tôi không dám mạnh dạn nhập hàng về quá nhiều và cân đối mức giá ở mức vừa phải vì người tiêu dùng vẫn còn nhiều khó khăn”.
Do sức mua của thị trường tiêu dùng chưa có sự đột biến nên các nhà bán lẻ ít nhiều có sự dè chừng trong việc dự trữ hàng hoá. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng dự báo tình hình thị trường bán lẻ sẽ còn khó khăn do nhiều nhà cung cấp tăng giá, việc này sẽ tác động đến sức mua.
Theo ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Sagon Co.op, đơn vị đã nhận được nhiều yêu cầu tăng giá bán của các nhà cung cấp với lý do như chi phí xăng dầu, lương công nhân, nguyên vật liệu đầu vào sản xuất… đồng loạt tăng mạnh. Hiện Saigon Co.op đã cùng các nhà cung cấp giảm tối đa chi phí sản xuất để giữ ổn định giá hàng hóa trong ngắn hạn nhưng về lâu dài sẽ khó duy trì. Phương án hiệu quả nhất là vừa giữ giá sản phẩm, vừa tăng sản lượng hàng đi đôi với các chương trình kích cầu tiêu dùng.
Phía đại diện Sở Công Thương TPHCM cũng cho biết, Sở đang phối hợp với các ban ngành, doanh nghiệp triển khai nhiều chương trình bình ổn thị trường, khuyến mãi tập trung để người dân mua được sản phẩm có giá tốt vào dịp mua sắm dịp cuối năm.
Nguồn:Doanh nghiệp lo ngại sức mua cuối năm yếu, dè dặt dự trữ hàng