Doanh nghiệp sản xuất thu hút đơn hàng nhờ "chuyển xanh" sớm
Điều này giúp họ mang về những đơn hàng sản xuất tốt và dài hơi trong bối cảnh thị trường xuất khẩu còn nhiều biến động và khó khăn.
Dệt may là một trong những lĩnh vực mà nhiều nhãn hàng thời trang thế giới ưu tiên chọn các nhà cung cấp đã và đang nỗ lực “xanh hóa” trong sản xuất. Ảnh minh họa: TL |
“Xanh hóa” sẽ thuận lợi về thị trường
Công ty cổ phân Dệt may Thành Công (TCM) trong 2 tháng đầu năm nay đã ghi nhận doanh thu và lợi nhuận lần lượt đạt hơn 624 tỉ đồng và 40 tỉ đồng, tương ứng tăng 20% và 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo lãnh đạo TCM, với tình hình đơn hàng đến hiện tại, doanh thu ước tính quí 1 cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng quí 2, công ty đã nhận khoảng 86% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng, một kết quả được giới trong ngành đánh giá tương đối khá trong bối cảnh thị trường xuất khẩu còn nhiều khó khăn.
Tương tự, tại Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, doanh thu 2 tháng đầu năm đạt 871 tỉ đồng và lãi sau thuế 21 tỉ đồng, tương ứng tăng 13% và tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo công ty, lượng đơn hàng hiện đã được lấp kín tại các nhà máy cho hết nửa đầu năm, nhờ nhiều đối tác lớn tại Mỹ như Columbia, The Children’s Place, Sportmaster, Costco… đã bán hết hàng tồn kho.
Hơn nữa, hãng Decathlon đang tăng cường đặt hàng nhằm phục vụ Thế vận hội Olympic Mùa Hè diễn ra vào tháng 6 tới tại Pháp. Do đó, trong năm 2024, TNG dự kiến nâng tổng công suất thêm 15% với việc triển khai thêm 45 chuyền may và tuyển thêm khoảng 3.000 công nhân.
Điều đáng chú ý ở cả hai doanh nghiệp dệt may này được các chuyên gia trong ngành đánh giá có sự chuẩn bị khá tốt về yêu cầu của các nhãn hàng, thị trường các nước nhập khẩu về sản xuất xanh, thân thiện môi trường, phát triển bền vững…
Tương tự, trong ngành chế biến thực phẩm, nhờ sớm phát triển bền vững và sản phẩm an toàn, Công ty cổ phần Thực phẩm Bình Tây giờ đã có đơn hàng sản xuất cho cả năm.
“Chúng tôi hiện tại đã có đơn hàng cho cả năm, thậm chí còn không đủ bán. Công ty dự kiến xuất khẩu khoảng 800-1.000 container trong năm nay. Với lượng đơn hàng tăng, dự kiến năm 2024 doanh thu sẽ tăng 300-400%”, bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch HĐQT công ty, nói, và cho biết riêng trong quí 1, doanh nghiệp chắc chắn đạt được 20% kế hoạch cả năm. Và để đáp ứng lượng đơn hàng trên, công ty cũng đã mua lại một nhà máy của Đài Loan tại Việt Nam.
Với sản phẩm đồ gỗ, mặt hàng được cho còn nhiều khó khăn, thế những doanh nghiệp sản xuất xanh, sử dụng vật liệu tái chế hoặc thân thiện môi trường cũng có đơn hàng xuất khẩu tốt.
Tại sự kiện triển lãm ngành đồ gỗ và nội thất HawaExpo 2024 diễn ra ở TPHCM gần đây, Trần Đức Homes mang đến mẫu thiết kế nhà gỗ với những chất liệu bền vững, hướng tới tiêu chí Net Zero. Giám đốc điều hành Võ Xuân Thuyên, cho biết phân khúc đồ nội thất xuất đi Mỹ và châu Âu đã kín đơn hàng đến tháng 9, thậm chí một số thị trường công ty sẽ thực hiện lên đến tháng 11 tới. Một thành viên của tập đoàn gần đây còn xuất nhà gỗ lắp ghép thông minh đi thị trường Mỹ.
Sở hữu hai nhà máy 120.000 m2 ở Bình Dương, Tập đoàn Trần Đức vừa đầu tư thêm dây chuyền cấu kiện CLT đầu tiên tại Đông Nam Á, một giải pháp kết cấu sàn thay thế bê tông cốt thép truyền thống. Lãnh đạo doanh nghiệp này cho rằng, đây được xem là “bê tông xanh” của tương lai, giúp các công trình kiến trúc và xây dựng bền vững khi có thể thay thế hoàn toàn bê tông cốt thép truyền thống.
“Chuyển xanh” không dễ với tất cả
Không những các doanh nghiệp nói trên, một số doanh nghiệp khác trong ngành may mặc, đồ gỗ, da giày, thực phẩm, giải khát… cho KTSG Online biết, họ có được đơn hàng sản xuất ổn định nhờ sản xuất sản phẩm an toàn, sử dụng nguyên liệu tái chế, tự nhiên và thân thiện môi trường… dù các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam còn nhiều khó khăn.
Đồ gỗ – nội thất cũng là nhóm hàng mà các thị trường nhập khẩu khắt khe về sản xuất thân thiện môi trường, sử dụng nguyên liệu tái chế, không phá rừng… Ảnh minh họa: website Trần Đức Homes |
Theo các chuyên gia phân tích thị trường, trong bối cảnh thị trường các nước còn nhiều khó khăn, nhà mua hàng có nhiều lựa chọn hơn khi cạnh tranh giữa các nhà cung cấp tăng lên.
Đáng chú ý, các nhà mua hàng, đặc biệt là các nhãn hàng lớn và chuỗi kinh doanh quốc tế, đang tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng toàn cầu của họ để bảo đảm các mục tiêu bền vững nghiêm ngặt.
Những yêu cầu này nhấn mạnh các vấn đề như hiệu quả môi trường, sử dụng vật liệu tái chế, tìm kiếm các vật liệu hữu cơ hoặc bền vững, giảm tiêu thụ năng lượng và bảo tồn các nguồn tài nguyên không thể tái tạo như nhiên liệu hóa thạch và nước. Sức ép này từ người tiêu dùng ở các nước phát triển sẽ là lực đẩy để các nhãn hàng cam kết và hành động cải thiện tính bền vững trong suốt chuỗi cung ứng của họ.
Do đó, bên cạnh cạnh tranh về giá cả và an toàn lao động, các nhãn hàng quốc tế còn có xu thế ưu tiên chọn lựa những nhà cung cấp sản xuất bền vững, không tác hại nhiều đến môi trường, cũng như đóng góp cho cộng đồng… “Sản xuất xanh, thân thiện môi trường được xem là điểm cộng của các nhãn hàng quốc tế hiện nay”, một chuyên gia môi trường phân tích.
Trên thực tế, trong những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nhận thức phải phát triển xanh, thân thiện môi trường, sử dụng nguyên liệu tái chế. Rất nhiều công ty ở Việt Nam đã bước vào con đường hoạt động bền vững, thuận tự nhiên, sinh thái… nhưng rồi lại hụt hơi trước áp lực kinh doanh nên cuối cùng lại trở về với việc chạy theo số lượng để lấy các đơn hàng lớn.
Vấn đề tài chính được xem là thách thức để có thể “xanh hóa” sản xuất với các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa hiện nay. Bởi lẽ muốn “xanh hóa”, nhà sản xuất phải đầu tư máy móc công nghệ mới, hiện đại, số hóa quy trình sản xuất… Trong khi chi phí cho những công nghệ thiết bị này không hề thấp với các công ty quy mô nhỏ và vừa.
Đơn cử như TNG dù đã sớm triển khai sản xuất bền vững, nhưng ban lãnh đạo TNG cho biết, trong năm nay công ty tiếp tục triển khai lộ trình 100% không phát thải cacbon và tăng tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo. Cụ thể, doanh nghiệp lên kế hoạch xây dựng lắp đặt hệ thống điện mặt trời gác mái và hệ thống BioMass với ước tính giá trị đầu tư vào khoảng 800 tỉ đồng.
Chia sẻ thêm về sản xuất xanh với KTSG Online trước đây, ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Thắng Jeans, cũng cho rằng để đáp ứng tiêu chuẩn xanh không phải dễ bởi chi phí cao.
Sản xuất bền vững sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi trong việc tìm kiếm đơn hàng. Ảnh minh họa: TL |
“Muốn đầu tư dây chuyền sản xuất dệt may tự động, doanh nghiệp chỉ cần khoảng 1 triệu đô la Mỹ. Thế nhưng cũng với quy mô hay công suất đó, nếu đầu tư dây chuyền sản xuất có tiêu chuẩn “eco-tech – công nghệ xanh”, vốn đầu tư đòi hỏi phải tăng lên đến 12 lần”, ông Việt nói, và cho rằng đây là nguyên nhân chính khiến cho doanh nghiệp Việt “hụt hơi” trong cuộc đua chuyển đổi xanh.
Tương tự, theo đại diện của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), việc đầu tư sản xuất xanh rất tốn kém. Đơn cử châu Âu ra quy định nhà máy nào sử dụng lò hơi xả thải lượng carbon nhiều sẽ bị đánh thuế cao hoặc không được nhập hàng vào châu Âu. Tuy nhiên, đa số nhà máy dùng lò hơi ở Việt Nam đốt bằng than đá, muốn chuyển qua đốt bằng nguyên liệu sinh khối thì phải đầu tư lại thiết bị rất tốn kém, chưa kể nguyên liệu đầu vào tăng cao hơn.
Mặt khác, Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do, trong đó có yêu cầu truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu để được hưởng ưu đãi thuế. Thế nhưng nguyên phụ liệu Việt Nam chỉ đáp ứng cho sản phẩm thông thường, những sản phẩm thời trang cao cấp nguyên liệu vẫn phải nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan… dẫn đến các công ty Việt hưởng các ưu đãi thuế còn hạn chế. Vì vậy, nếu không thay đổi công nghệ, chủ động nguyên liệu… thì doanh nghiệp sẽ giảm khả năng cạnh tranh.
Đã vậy, theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS, một số tỉnh thành lâu nay vẫn còn xem dệt may là ngành gây ô nhiễm nên các khu công nghiệp chưa chào đón dự án đầu tư dệt nhuộm mới, dẫn đến tình hình càng thêm thách thức.
Các doanh nghiệp xuất khẩu lớn và chuyên gia thị trường, nhấn mạnh tiêu chuẩn xanh là yếu tố rất quan trọng và mang tính bền vững hiện nay. Bởi trong tất cả thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… đều đề cao yếu tố phát triển bền vững sản xuất xanh.
Từ thực tế trên, lãnh đạo các hiệp hội và doanh nghiệp ngành nghề dệt may, da giày và đồ gỗ… cho rằng Việt Nam muốn đẩy mạnh xanh hóa thì cần có giải pháp hỗ trợ thêm để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư và cạnh tranh như vay ưu đãi, thuế doanh nghiệp, đất đai…
Nguồn: Doanh nghiệp sản xuất thu hút đơn hàng nhờ ‘chuyển xanh’ sớm