Đòn năng lượng của Nga đang lấy đi sức mạnh công nghiệp của châu Âu như thế nào
EU triển khai kế hoạch hạn chế nguồn thu từ năng lượng của Nga Mỹ thừa nhận doanh thu từ năng lượng của Nga tăng cao hơn nhiều sau các lệnh trừng phạt |
Nhà máy amoniac Yara ở Porsgrunn, Na Uy. Ảnh: Reuters/ Lefteris Karagiannopoulos/Tư liệu |
Việc giảm sử dụng năng lượng giúp châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng với việc cắt giảm nguồn cung từ Nga, nhưng các giám đốc điều hành, nhà kinh tế và các nhóm công nghiệp cảnh báo rằng cơ sở công nghiệp của châu Âu có thể sẽ suy yếu nghiêm trọng nếu chi phí năng lượng cao kéo dài. Các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, như nhôm, phân bón và hóa chất đối mặt với nguy cơ khiến các công ty chuyển sản xuất vĩnh viễn sang các địa điểm có nhiều năng lượng giá rẻ, như Mỹ.
Hiện nay, khí đốt tự nhiên ở Mỹ có giá chỉ khoảng 1/5 so với giá mà các công ty phải trả ở châu Âu. Các nhà kinh tế cảnh báo khi thời tiết trở nên lạnh hơn và các hộ gia đình phải tăng cường sưởi ấm, ngành công nghiệp sẽ là ngành đầu tiên phải đối mặt với việc cắt giảm trong trường hợp thiếu hụt năng lượng. Patrick Lammers, thành viên hội đồng quản trị của Công ty điện E.ON, đã phát biểu tại một hội nghị ở London vào tháng trước rằng rất nhiều công ty đang ngừng sản xuất, nhu cầu sụt giảm thật sự và điều đó có thể dẫn đến việc phi công nghiệp hóa châu Âu rất nhanh.
Hoạt động sản xuất trong khu vực đồng Euro trong tháng này đã chạm mức yếu nhất kể từ tháng 5/2020, báo hiệu châu Âu đang tiến tới một cuộc suy thoái. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính nhu cầu khí đốt công nghiệp của châu Âu đã giảm 25% trong quý III so với một năm trước đó. Các nhà phân tích cho rằng việc ngừng hoạt động trên diện rộng chính là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu. Người Phát ngôn của Ủy ban châu Âu cho biết EU đang làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn việc giảm hoạt động công nghiệp.
Các nhà phân tích cho biết, ngành công nghiệp châu Âu đã chuyển sản xuất sang các địa điểm có nhân công rẻ hơn và chi phí khác thấp hơn trong nhiều thập kỷ qua, nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng đang đẩy nhanh hơn cuộc di cư này. Daniel Kral, nhà kinh tế cấp cao tại Oxford Economics, cho biết: "Nếu giá năng lượng tiếp tục tăng cao đến mức một phần của ngành công nghiệp châu Âu trở nên không cạnh tranh về mặt cấu trúc, các nhà máy sẽ đóng cửa và chuyển đến Mỹ, nơi có nguồn năng lượng dầu đá phiến giá rẻ dồi dào". Sản lượng nhôm sơ cấp của EU đã giảm một nửa, giảm 1 triệu tấn trong năm qua.
Các số liệu thương mại do Reuters tổng hợp cho thấy tất cả 9 nhà máy luyện kẽm trong EU đã cắt giảm hoặc ngừng sản xuất, thay thế bằng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Chris Heron tại hiệp hội công nghiệp Eurometaux cho biết việc mở lại một nhà máy luyện nhôm có chi phí lên tới 400 triệu Euro (394 triệu USD) và khó có khả năng xảy ra với triển vọng kinh tế không chắc chắn của châu Âu. “Về mặt lịch sử, khi những trường hợp đóng cửa tạm thời này xảy ra, thì việc đóng cửa vĩnh viễn sẽ xuất hiện”.
Công ty hóa chất Đức BASF Schwarzheide GmbH tại Schwarzheide, Đức. Ảnh: Reuters/Annegret Hilse/ Tư liệu. |
Những nỗ lực của phương Tây nhằm đảm bảo nguồn cung không chỉ cho năng lượng mà còn cho các khoáng sản quan trọng được sử dụng trong xe điện và cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo cũng đang gặp rủi ro do giá năng lượng cao. Liên minh châu Âu dự kiến sẽ đề xuất luật mới vào đầu năm tới - Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng của Châu Âu - nhằm xây dựng trữ lượng khoáng sản không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, như lithium, bauxite, niken và đất hiếm.
Quá trình xói mòn sản xuất công nghiệp đáng lo ngại đang diễn ra.
Theo Cefic, Hội đồng Công nghiệp Hóa chất Châu Âu, Châu Âu lần đầu tiên trở thành nhà nhập khẩu ròng hóa chất trong năm nay. Theo Hiệp hội Phân bón Quốc tế, hơn một nửa sản lượng amoniac của châu Âu, một thành phần quan trọng trong phân bón, đã ngừng hoạt động và được thay thế bằng nhập khẩu. Nhà sản xuất phân bón Na Uy Yara đã cắt giảm 2/3 sản lượng amoniac của châu Âu và không có kế hoạch tăng sản xuất trở lại ngay lập tức. Giám đốc điều hành Yara Svein Tore Holsether cho biết đang theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường khí đốt để đưa ra các phương án dự phòng. Tập đoàn hóa chất lớn nhất thế giới BASF đã cảnh báo rằng sẽ phải đóng cửa sản xuất tại cơ sở chính của công ty Ludwigshafen, cơ sở tiêu thụ điện công nghiệp lớn nhất của Đức, nếu nguồn cung cấp khí đốt giảm xuống dưới một nửa nhu cầu của họ. Các ngành công nghiệp của Đức đang tìm kiếm sự chấp thuận nhanh hơn để chuyển từ khí đốt sang các nhiên liệu gây ô nhiễm hơn, cảnh báo rằng nếu không họ sẽ buộc phải cắt giảm sản lượng để đáp ứng các mục tiêu tiết kiệm của Berlin. Giám đốc điều hành Tata Chemicals tại châu Âu Martin Ashcroft cho biết Tata Chemicals thường hoạt động theo kế hoạch 5 năm, hiện đang làm việc theo quý. “Nếu đây là một sự thay đổi cơ cấu và giá khí đốt ở mức cao trong ba hoặc bốn năm, rủi ro thực sự là đầu tư của ngành sẽ được chuyển sang những nơi có giá năng lượng thấp hơn.”/.
Nguồn:Đòn năng lượng của Nga đang lấy đi sức mạnh công nghiệp của châu Âu như thế nào