Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với đợt cao điểm xâm nhập mặn
Thủ tướng chỉ đạo tập trung ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long Chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn gia tăng |
Những ngày qua tại các tỉnh Nam Bộ đã xảy ra nắng nóng kéo dài, tại một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân, nhiều hộ dân đã gặp khó khăn về nước sinh hoạt, nhất là tại khu vực ven biển các tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ ngày 10 đến 15 tháng 3 năm 2024 có khả năng sẽ xảy ra đợt cao điểm về xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt tại nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng.
Từ ngày 10-15/3 có khả năng xảy ra đợt cao điểm về xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL. |
Để chủ động ứng phó với nguy cơ xâm nhập mặn cao, thiếu nước ngọt cục bộ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tổ chức theo dõi sát tình hình, triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 04/CT-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2024 về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, nhất là triển khai quyết liệt, kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp:
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh: Chủ động bố trí nguồn lực của địa phương, huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ, triển khai ngay các biện pháp cần thiết phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương nhằm bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt hoặc phải sử dụng nước sinh hoạt không bảo đảm chất lượng. Tổ chức theo dõi chặt chẽ, nắm bắt đầy đủ, kịp thời thông tin về tình hình thiếu nước, xâm nhập mặn tại từng khu vực trên địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, theo chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung chỉ đạo theo dõi sát diễn biến nguồn nước, dự báo, cung cấp thông tin kịp thời về tình hình nguồn nước trên sông Mê Công và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long để các cơ quan chức năng, các địa phương và người dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, xâm nhập mặn, không để xảy ra bị động, bất ngờ.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tổ chức theo dõi diễn biến để có dự báo chuyên ngành về nguồn nước, chất lượng nước, nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn để cung cấp thông tin cho các địa phương và người dân; đồng thời chủ động chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai phòng, chống thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với diễn biến thực tế tại từng khu vực, hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương nghiên cứu, triển khai các phương án để từng bước chủ động nguồn nước sinh hoạt cho người dân tại các khu vực thường xuyên xảy ra thiếu nước, xâm nhập mặn hàng năm. Các Bộ, ngành khác chủ động chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ địa phương ứng phó với nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm đời sống người dân theo chức năng quản lý nhà nước được giao.
Ngay từ đầu mùa khô các địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm thiệt hại do hạn mặn. |
Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí nằm cuối nguồn lưu vực sông Mekong, tiếp giáp biển nên xâm nhập mặn vào mùa khô là đặc điểm mang tính tự nhiên của vùng, yếu tố tác động lớn nhất đến mức độ và thời gian hạn mặn hàng năm từ dòng chảy thượng lưu về ĐBSCL và thủy triều từ biển. Mùa khô năm 2023-2024, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) là do ngay từ đầu mùa mưa, nguồn nước sông Mekong về ĐBSCL thiếu hụt từ 10-15% so với TBNN, xâm nhập mặn xuất hiện ngay từ cuối tháng 12/2023, sớm hơn khoảng 1 tháng so với TBNN.
Xâm nhập mặn năm 2023-2024 ở ĐBSCL đã được các cơ quan chuyên ngành khí tượng thủy văn và các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT tổ chức theo dõi, giám sát, dự báo sớm. Thông tin dự báo đã được cung cấp từ tháng 10/2023 và thường xuyên cập nhật phù hợp với diễn biến thực tế và đến nay có thể khẳng định mức độ xâm nhập mặn sát với thông tin đã được dự báo.
Để ứng phó với nguy cơ ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 04/CĐ-TTg ngày 15/01/2024 về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Bộ NN&PTNT đã ban hành Chỉ thị 661/CT-BNN-TL ngày 23/01/2024 về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023-2024. Trong các văn bản trên, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo tổ chức thực hiện các giải pháp cụ thể, phù hợp với từng vùng, khu vực và thực tế đã mang lại hiệu quả tích cực.
Cục Thủy lợi đã phối hợp với Cục Trồng trọt và các cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp, cụ thể như phối hợp với các đơn vị liên quan để dự báo nguồn nước và xây dựng kế hoạch sử dụng nước để cung cấp bản tin dự báo mùa trước vụ Đông Xuân 2023-2024 và cập nhật các bản tin tuần/tháng thường xuyên đến lãnh đạo Bộ, các cơ quan liên quan thuộc Bộ và các địa phương trong khu vực để làm cơ sở chỉ đạo điều hành tổ chức sản xuất nông nghiệp.
Nguồn:Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với đợt cao điểm xâm nhập mặn