Đồng Nai: Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường
Đồng Nai là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước. Cũng từ đây, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi trở thành bài toán khó của địa phương. Với mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, ngay từ năm 2023, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định di dời hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Mặc dù là địa phương có ngành chăn nuôi phát triển mạnh, Đồng Nai đang đối mặt với bài toán ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp.
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, đến cuối tháng 11/2024, toàn tỉnh có 1.979 cơ sở đã ngưng chăn nuôi hoặc di dời theo lộ trình đến hết ngày 31/12. Trong đó, tổng số cơ sở ngưng chăn nuôi là 1.971, còn lại là số ít cơ sở di dời từ khu dân cư vào các khu vườn rẫy xa khu dân cư để tiếp tục hoạt động chăn nuôi theo quy mô nông hộ.
Tính đến cuối tháng 10/2024, tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đạt gần 2,2 triệu con, giảm gần 8,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tổng đàn lợn đạt hơn 2 triệu con, giảm gần 9% so với cùng kỳ. Tổng đàn gia cầm gần 23,3 triệu con, giảm gần 4,5% so với cùng kỳ. Hiện nay, giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh từ 62.000 - 64.000 đồng/kg, là mức giá người chăn nuôi đạt lợi nhuận.
Nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, UBND tỉnh Đồng Nai đã triển khai kế hoạch di dời hàng nghìn cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép, đồng thời áp dụng các giải pháp công nghệ cao vào quy trình chăn nuôi và xử lý chất thải. Tính đến cuối tháng 9/2024, toàn tỉnh đã di dời hoặc ngưng hoạt động 1.739 cơ sở, đạt gần 58% mục tiêu lộ trình năm 2024.
Nhiều huyện có tổng đàn chăn nuôi lớn như Thống Nhất, Trảng Bom, Xuân Lộc đã tích cực xử lý các vi phạm môi trường và đạt kết quả đáng ghi nhận. Riêng huyện Thống Nhất, trong năm 2023, đã xử phạt 105 trường hợp vi phạm với tổng số tiền trên 2,1 tỉ đồng. Hầu hết các cơ sở chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh môi trường tại đây đã ngưng hoạt động hoặc di dời theo đúng lộ trình. Đồng thời, ngành chăn nuôi của tỉnh Đồng Nai đang chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường.
Các trang trại quy mô lớn đã đầu tư bài bản vào hệ thống xử lý chất thải, áp dụng chuồng lạnh, chuồng kín, đệm lót sinh học và tái sử dụng chất thải làm phân bón. Theo thống kê, hiện có 65% tổng đàn heo và 49% tổng đàn gà trên địa bàn tỉnh áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi; gần 84% cơ sở có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn. Điển hình như trang trại vịt giống tại xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất), với 7.000 con vịt giống bố mẹ, người dân đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, ứng dụng đệm lót sinh học và xử lý phân thành phân bón cho trồng trọt.
Thông tin từ Lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết tỉnh đang đẩy mạnh các giải pháp giảm phát thải, tăng cường kiểm tra và tổ chức hội nghị, diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm về chăn nuôi an toàn, bền vững. Các trang trại gây ô nhiễm nghiêm trọng sẽ phải ngưng hoạt động hoặc điều chỉnh theo lộ trình. Những nỗ lực trên không chỉ giúp cải thiện môi trường, mà còn tạo nền tảng để ngành chăn nuôi Đồng Nai phát triển theo hướng hiện đại và bền vững, tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu của cả nước.
Tỉnh Đồng Nai tích cực triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi gia súc, gia cầm. (Ảnh minh hoạ). |
Cùng với việc tăng cường quản lý, đảm bảo vệ sinh môi trường, tỉnh Đồng Nai còn khuyến khích người dân chăn nuôi theo hướng hiện đại, đảm bảo về môi trường. Các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ngày càng quan tâm thực hiện nâng cấp, cải tạo, sửa chữa hoặc đầu tư cho hệ thống xử lý chất thải trong chăn nuôi. Trong đó, những trại chăn nuôi lợn, gia cầm có quy mô lớn đều chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi. Đặc biệt, người dân đầu tư bài bản hệ thống xử lý nước thải, ứng dụng đệm lót sinh học, nguồn phân trong chăn nuôi được xử lý thành phân chuồng sử dụng trong trồng trọt.
Như tại xã nông thôn mới nâng cao Gia Tân 1 (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), nơi đang tồn tại khá nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trong đó tổng đàn lợn khoảng 5.500 con với 20 trang trại và 45 hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ. Hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, hầu hết bà con chăn nuôi đã có ý thức giữ gìn môi trường, trong đó, cán bộ, đảng viên giữ vai trò gương mẫu, đi đầu.
Đa số người chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ đã từ bỏ hành vi xả thải trực tiếp ra môi trường, nghiêm túc chuyển sang xử lý chất thải chăn nuôi bằng hệ thống biogas và trực tiếp kiểm nghiệm lợi ích kép về nhiều mặt mang lại trong thực tế đời sống.
Là một người dân nuôi lợn lâu năm năm tại ấp Dốc Mơ 3 đã có chia sẻ, lúc đầu làm hầm biogas thì người dân cũng có chút đắn đo vì sợ tốn kém. Thế nhưng, thực tế thi công chi phí không nhiều. Nước thải trước kia dội lên tưới cây thì chết hết cây. Từ khi làm hầm biogas xử lý phải được 70-80%, nên chăm bón cây cối rất tốt.
Theo Lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Gia Tân 1, thời gian qua, hệ thống chính trị cơ sở chủ động kết hợp với Ban hành giáo các giáo xứ tích cực vận động người dân thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi; đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý không có trường hợp ngoại lệ.
Toàn huyện Thống Nhất hiện có hơn 1.200 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tất cả đều có biện pháp thu gom xử lý chất thải bằng hầm biogas hoặc hầm lắng lọc không xả tràn ra đất đạt quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Nhiều hộ mạnh dạn đầu tư mô hình chăn nuôi công nghệ cao, hầu như không gây ảnh hưởng đến môi trường tại chỗ. Đối với chất thải rắn phát sinh trong hoạt động chăn nuôi khoảng gần 209.000 tấn/năm, được các cơ sở chăn nuôi thu gom ủ thành phân bón chăm sóc cây trồng hoặc xử lý bằng hầm biogas.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Thống Nhất cho biết thêm, qua các năm 2022, 2023, 2024, huyện đã quyết liệt chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi, cương quyết xử lý các trường hợp cơ sở chăn nuôi xả chất thải gây ô nhiễm môi trường.
Chỉ tính riêng trong năm 2023, qua đợt cao điểm thực hiện tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và chăn nuôi thuộc thẩm quyền cấp huyện quản lý, chính quyền địa phương đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 105 cơ sở chăn nuôi có hành vi vi phạm, với tổng số tiền gần 2,3 tỷ đồng. Đến nay, môi trường trên địa bàn huyện Thống Nhất được cải thiện rõ rệt; hiện nay không còn tình trạng xả thải trực tiếp chăn nuôi ra các con suối.
Bảo vệ môi trường trong quá trình chăn nuôi là việc làm quan trọng để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững. Nhiều giải pháp, nhiều mô hình thí điểm đã được tỉnh Đồng Nai triển khai đem lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên để tiếp tục lan tỏa trong cộng đồng rất cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, các ngành, đặc biệt là các hộ chăn nuôi trên địa bàn Đồng Nai.
Nguồn: Đồng Nai: Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường