Đồng Tháp chỉ đạo tăng cường quản lý, phân loại, thu gom, xử lý chất thải nhựa
Tăng cường công tác quản lý, phân loại, thu gom và xử lý
Theo đó, UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có văn bản yêu cầu các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý, phân loại, thu gom và xử lý chất thải nhựa.
Đồng thời chỉ đạo tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 339/KH-UBND ngày 29/11/2021 của UBND tỉnh về tăng cường quản lý, phân loại, thu gom và xử lý chất thải nhựa giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có văn bản yêu cầu các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý, phân loại, thu gom và xử lý chất thải nhựa |
Cụ thể, đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, UBND tỉnh đề nghị tiếp tục hưởng ứng phong trào giảm thiểu chất thải nhựa; tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên các cấp tích cực tham gia các giải pháp hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần (bao gồm túi ni-lông khó phân hủy, bao gói thực phẩm nhựa, chai lọ nhựa, ống hút nhựa...).
UBND tỉnh đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp tỉnh, các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại công sở, bố trí thùng rác để phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các cơ quan, đơn vị theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục nhân rộng và xây dựng các mô hình tuyên truyền, nâng cao năng lực, nhận thức và trách nhiệm của các đơn vị sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nhựa cũng như các tổ chức, cá nhân sử dụng, thải bỏ chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; xây dựng các mô hình tuyên truyền về tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường và con người.
UBND các huyện, thành phố nhận nhiệm vụ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu chất thải nhựa, phân loại chất thải rắn, chất thải nhựa; vận động người dân, cộng đồng dân cư, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh, khách sạn, nhà hàng, quán nước, khu du lịch và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, du lịch,... hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần hoặc thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường.
Bên cạnh đó, cần chú ý việc thanh tra, kiểm soát chặt chẽ các làng nghề, cơ sở tái chế nhựa không bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền; tổ chức và thực hiện các biện pháp thu gom chất thải nhựa trên các sông, ao, hồ, rạch, kênh, mương,... trong khu đô thị, khu dân cư và các khu vực công cộng khác; thường xuyên tuyên truyền và tổ chức ra quân vệ sinh, khơi thông dòng chảy các tuyến sông, kênh, rạch tại khu đô thị, khu dân cư và các khu vực công cộng khác.
Mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa
Theo thống kê, hiện nay, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hằng ngày trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp khoảng trên 1.000 tấn, trong đó tỷ lệ thu gom khoảng 50%. Toàn tỉnh có 22 điểm tập trung xử lý rác, sử dụng công nghệ chôn lấp lộ thiên, chôn lấp hợp vệ sinh và sản xuất phân hữu cơ.
Hiện nay, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hằng ngày trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp khoảng trên 1.000 tấn |
Tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cơ sở không sử dụng chai nhựa dùng một lần và có biện pháp hạn chế hữu hiệu việc sử dụng túi ni-lông khó phân hủy, thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường tại đơn vị.
100% các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi ni-lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần.
100% túi ni-lông thân thiện với môi trường sẽ được sử dụng tại các trung tâm thương mại, siêu thị.
Các khu đô thị trên địa bàn tỉnh triển khai việc phân loại, giảm thiểu chất thải nhựa tại nguồn theo phương châm: Tiết giảm, tái sử dụng, tái chế.
90% người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, học sinh, sinh viên các cấp học trên địa bàn được cung cấp kiến thức, thông tin thiết yếu về chất thải nhựa và biện pháp giảm thiểu, hạn chế sử dụng túi ni-lông khó phân hủy, nhựa sử dụng một lần.
Giảm dần mức sản xuất, sử dụng túi ni-lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt; phấn đấu đến năm 2025 giảm 50% việc tiêu thụ, sử dụng túi ni-lông khó phân hủy, nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.
Tỉnh định hướng đến năm 2030, các tổ chức, cá nhân đều có ý thức và trách nhiệm trong công tác hạn chế sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học theo quy định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - Ông Nguyễn Phước Thiện cho biết, địa phương sẽ tiếp tục hưởng ứng phong trào giảm thiểu chất thải nhựa; tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên các cấp tích cực tham gia các giải pháp hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, ưu tiên lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Nguồn: Đồng Tháp chỉ đạo tăng cường quản lý, phân loại, thu gom, xử lý chất thải nhựa