Dự báo nắng nóng dịu dần từ ngày 15/7
Nắng nóng duy trì nhiều giờ trong ngày
Tính đên 14 giờ ngày 10/7, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ lúc 13 giờ chiều nay phổ biến khoảng 35-36 độ C, có nơi trên 37 độ C. Khu vực đồng bằng Bắc Bộ có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ lúc 13 giờ có nơi trên 35 độ C. Mức nhiệt này tiếp tục duy trì hết ngày hôm nay.
Từ ngày 11 - 12/7, nhiệt độ tăng một chút. Khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ C, có nơi trên 38 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 45-50%. Thời gian nóng trong ngày từ 11 – 17 giờ.
Nắng nóng kéo dài khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao |
Khu vực đồng bằng Bắc Bộ, phía Nam Sơn La và Hòa Bình có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 55-60%. Thời gian nóng trong ngày từ 12 – 16 giờ.
Cần lưu ý, nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Tăng cường phòng chống dịch bệnh mùa hè
Trên phạm vi cả nước, giai đoạn thời tiết mùa hè nắng nóng, mưa nhiều chính là khoảng thời gian số ca mắc các bệnh truyền nhiễm tăng cao. Thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm cho thấy, hiện nay một số dịch bệnh lưu hành trong nước như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi đang có xu hướng gia tăng, đồng thời cũng ghi nhận rải rác các trường hợp mắc một số bệnh truyền nhiễm dự phòng bằng vaccine. Nguy cơ càng tăng khi đây là dịp cao điểm du lịch hè 2024 với nhu cầu giao thương, du lịch tăng đột biến.
Tại Hà Nội, tính từ đầu năm 2024 đến nay đã ghi nhận 1.058 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng gần 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2023. Riêng trong tuần qua (từ ngày 28/6 đến 5/7), thành phố có 118 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Ngoài ra, ghi nhận thêm một ổ dịch sốt xuất huyết tại phường Dương Nội, quận Hà Đông.
Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã ký ban hành công điện về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa hè năm 2024 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Các lực lượng ra quân phun thuốc diệt bọ gậy, loăng quăng |
Theo Công điện, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo chính quyền các cấp và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, nhất là các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra trong giai đoạn mùa hè; chỉ đạo tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương, đơn vị về công tác - phòng, chống dịch trên địa bàn.
Sở Y tế và các đơn vị y tế trên địa bàn tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế; thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur chủ động đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch và tổ chức các chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng bệnh.
Các địa phương cũng thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi; vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch và khuyến khích việc tiêm vaccine phòng bệnh đối với phụ nữ mang thai.
Công tác tiêm chủng thường xuyên phải đảm bảo an toàn, hiệu quả |
Đảm bảo tổ chức tốt thu dung, cách ly, điều trị tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng, tử vong; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ cá nhân, các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh và cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ về các biện pháp phòng lây nhiễm cho bệnh nhân và người chăm sóc bệnh nhân.
Bên cạnh đó, Bộ y tế cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước với thông điệp "mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng/ bọ gậy" tại hộ gia đình; thực hiện thông thoáng nơi ở, nơi làm việc và khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời... Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo tăng cường phối hợp giữa ngành y tế, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương các cấp để triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dại và các bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Nguồn: Dự báo nắng nóng dịu dần từ ngày 15/7