Du lịch Kiên Giang cần sản phẩm mới
Kiên Giang: Hương khóm ngày xuân Kiên Giang: Gò Quao quan tâm phát triển nghề, làng nghề truyền thống |
Kiên Giang có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, nhất là Phú Quốc - điểm đến được nhiều chuyên gia, khách du lịch trong và ngoài nước đánh giá cao. Về sản phẩm du lịch, Kiên Giang có nhiều loại hình như du lịch sinh thái, văn hóa, lễ hội, về nguồn, tâm linh, khám phá… và phát triển mạnh du lịch biển, đảo.
Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang Bùi Quốc Thái, tỉnh cung cấp nhiều sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao, tầm cỡ quốc tế như Safari Phú Quốc; cáp treo Hòn Thơm vượt biển dài nhất thế giới năm 2018; thành phố không ngủ, khu Địa Trung Hải, VinWonders năm 2021; Cầu Hôn năm 2023 và nhiều tour du lịch quanh đảo ở TP. Phú Quốc, huyện Kiên Hải, Kiên Lương, TP. Hà Tiên; nhiều lễ hội văn hóa được nâng quy mô tổ chức thu hút đông đảo du khách... Tuy nhiên, tỉnh chủ yếu khai thác dựa trên giá trị du lịch biển, đảo nên chưa phát huy lợi thế, tiềm năng.
Du khách trải nghiệm cáp treo Hòn Thơm, TP. Phú Quốc (Kiên Giang). |
Theo nhiều chuyên gia, doanh nghiệp du lịch, Kiên Giang cần xác định sản phẩm du lịch chủ đạo để tạo thương hiệu, từ đó đẩy mạnh truyền thông, quảng bá… “Sản phẩm du lịch chủ đạo của Kiên Giang là biển, đảo, do vậy Kiên Giang cần tổ chức nhiều sự kiện, chuyên đề về du lịch thể thao biển, hội thao về biển…, nhất là tổ chức festival biển, đảo thường niên, tầm cỡ quốc tế thu hút du khách. Đồng thời, tăng cường quảng bá để khi du khách muốn du lịch biển, đảo thì đến Kiên Giang, nhất là Phú Quốc”, ông Đàm Diệu Quân - quản lý văn phòng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Du lịch Hoàng Trà Phú Quốc chia sẻ.
Ông Du Tố Tuấn - Giám đốc Vietravel chi nhánh Rạch Giá nhận định: “Tỉnh hình thành, khai thác tốt các vùng du lịch trọng điểm, song còn thiếu “name” du lịch - nghĩa là khi nhắc đến hoạt động du lịch cụ thể người ta sẽ nghĩ và chọn ngay Kiên Giang. Phú Quốc được xây dựng thành trung tâm du lịch sinh thái biển, đảo đẳng cấp quốc tế, tuy nhiên Phú Quốc cần có nét riêng để du khách chọn Phú Quốc chứ không phải nơi khác”.
Theo ông Du Tố Tuấn, Phú Quốc là điểm đến của tiệc cưới thế giới, do đó tỉnh nên xây dựng thương hiệu này cho Phú Quốc. Ngoài ra, xây dựng sản phẩm du lịch chủ lực của các địa phương như TP. Hà Tiên cần chú trọng khai thác du lịch văn hóa, tâm linh, lễ hội; Kiên Hải tập trung vào Hòn Sơn và Nam Du nhưng phải tách biệt sản phẩm chủ lực của mỗi nơi, cụ thể Nam Du tập trung trải nghiệm các đảo, Hòn Sơn tập trung trekking khám phá các đỉnh núi; vùng U Minh Thượng trải nghiệm sản phẩm nông nghiệp, thiên nhiên, về nguồn…
Du khách vui chơi, giải trí trên biển Mũi Nai, TP. Hà Tiên (Kiên Giang). |
“Nói như vậy không có nghĩa bỏ qua các sản phẩm khác của mỗi điểm đến. Các sản phẩm khác mang tính bổ trợ, làm phong phú hơn cho việc trải nghiệm du khách. Về sản phẩm chủ lực chúng ta cần chú trọng, ưu tiên đầu tư xây dựng thành thương hiệu để thu hút du khách hiệu quả hơn”, ông Tuấn nói.
Các chuyên gia du lịch nhận định Kiên Giang, trong đó có Phú Quốc còn nhiều lợi thế phát triển 3 sản phẩm chính gồm du lịch biển, đảo, du lịch tự nhiên và du lịch đô thị. Để phát triển du lịch bền vững, địa phương cần quản lý điểm đến hiệu quả, nâng chất lượng dịch vụ và chất lượng nguồn nhân lực, có phương án xử lý rác thải… và cần chiến dịch xúc tiến, quảng bá mạnh điểm đến Phú Quốc có thể đáp ứng đa dạng nhu cầu trải nghiệm của du khách.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang Bùi Quốc Thái cho biết: “Tỉnh đang hình thành tuyến du lịch gắn kết 3 vùng trọng điểm gồm khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Kiên Giang (U Minh Thượng) - Di tích lịch sử, văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực (TP. Rạch Giá) - di tích lịch sử Hòn Đất - di tích Nền Chùa (Hòn Đất) - chùa Hang (Kiên Lương) - Hà Tiên thập cảnh (TP. Hà Tiên) để khai thác sản phẩm du lịch văn hóa bên cạnh sản phẩm biển, đảo. Đồng thời, chú trọng phát triển du lịch tâm linh, lễ hội truyền thống Ok Om Bok, Tao đàn Chiêu Anh Các, lễ giỗ Mạc Cửu, lễ hội kỷ niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh, Nghinh Ông... Riêng du lịch đô thị, giải trí sang trọng tại Phú Quốc sẽ phát triển loại hình MICE đẳng cấp quốc tế, du thuyền, mua sắm, vui chơi, giải trí cao cấp”.
Kiên Giang phát triển du lịch nông nghiệp gắn chương trình OCOP và làng nghề truyền thống; sản phẩm du lịch gắn Vườn quốc gia Phú Quốc và khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ (Giang Thành), du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm văn hóa đất rừng phương Nam, hình thành làng du lịch văn hóa gắn trải nghiệm trong rừng tại Vườn quốc gia U Minh Thượng…
Nguồn: Du lịch Kiên Giang cần sản phẩm mới