Đưa nông sản Việt Nam lên sàn thương mại điện tử Trung Quốc
Nhiều mặt hàng nông sản tăng trưởng xuất khẩu trong nửa đầu năm 2023 Xuất khẩu trái cây Việt liên tiếp đón nhận những thông tin tích cực |
Ngày 25/7, tại trụ sở Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (Agritrade) ở Hà Nội, đoàn lãnh đạo và quản lý Tập đoàn Sunwah Hồng Kông, Trung Quốc đã có cuộc làm việc với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thông qua Agritrade về tăng cường hợp tác, xúc tiến thương mại và tìm hiểu, triển khai cách thức kinh doanh nông sản Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp trong cả nước, đặc biệt có các doanh nghiệp từ Đồng bằng sông Cửu Long, miền Tây Nam Bộ cũng tham gia sự kiện.
Quang cảnh sự kiện tại trụ sở Agritrade, 489 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội (Ảnh: HNV) |
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 50% tổng khối lượng xuất khẩu nông sản. Từ nửa cuối 2022, Việt Nam và Trung Quốc đã lần lượt ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng, chuối, khoai lang, tổ yến sang thị trường Trung Quốc, mở ra cơ hội mới cho các mặt hàng thâm nhập sâu vào thị trường rộng lớn này.
Tại sự kiện, ông Jessi Choi, Tổng giám đốc Tập đoàn Sunwah Hồng Kông, Trung Quốc kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Sunwah Việt Nam đã thông tin khái quát về hoạt động của Tập đoàn, đặc biệt là hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Trước đó, ngày 29/3/2023, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã có cuộc làm việc với Sunwah Việt Nam và tán thành đề xuất xây dựng một sàn giao dịch điện tử xuất nhập khẩu nông sản tại Trung Quốc để hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước thuận lợi giao thương.
Giao diện trang chủ Sunwah Việt Nam (Ảnh chụp màn hình) |
Cũng tại sự kiện, bà Qi Ping, Tổng giám đốc, thành viên HĐQT, Công ty TNHH Quản lý chuỗi cung ứng SUNWAH-GELAFOOD (Hà Nam, Trung Quốc) đã chia sẻ về kế hoạch hợp tác với các đối tác Việt Nam, cụ thể thông tin về kế hoạch hợp tác 3 năm (2023-2025). Theo đó, năm 2023 được coi là năm vận hành thử với các nội dung công việc: Hoàn thành việc ra mắt nền tảng tự vận hành và đồng thời hoàn thành đăng ký 4-5 nền tảng thương mại điện tử; Hoàn thành việc đăng ký và hợp tác của các công ty Việt Nam; Hoàn thành việc sơ tuyển mặt hàng và các công tác chuẩn bị để thông suốt chuỗi cung ứng; Hoàn thành việc giao lô hàng đầu tiên; Mời và tổ chức các nhà cung cấp của Việt Nam tham gia triển lãm tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc; Hoàn thành Lễ khai trương Gian hàng Nông sản Việt Nam và chính thức đi vào hoạt động; Hoàn thành hoạt động xúc tiến Lễ hội mua sắm 11/11 cho nông sản Việt Nam; Rà soát hoạt động trong năm đầu tiên, tối ưu hóa mô hình hoạt động và xây dựng kế hoạch hoạt động chi tiết cho năm 2024.
Bước sang năm 2024, tập trung hoàn thành thủ tục đăng ký trên các nền tảng thương mại điện tử chính thống của Trung Quốc; Hoàn thành việc mở các gian hàng nhỏ chuyên môn hoá trên sàn thương mại điện tử; Hoàn thành hơn 30 triệu lượt xem video trên mỗi nền tảng trong năm; Hoàn thành doanh thu bán hàng trong năm của mỗi nền tảng là 50 triệu nhân dân tệ; Hoàn thành 3-4 triển lãm trong năm; Hoàn thành 5-10 gian hàng trưng bày chuyên nghiệp trực tiếp trong năm.
Trong năm 2025, đạt hơn 80 triệu lượt xem trong năm; hoàn thành doanh thu bán hàng trong năm là 150 triệu nhân dân tệ…
Các mô hình được tiến hành gồm có: các video ngắn và livestream bán hàng. Cụ thể, các video chính thống từ vài giây đến vài phút có thể tận dụng triệt để quỹ thời gian rời rạc của khách hàng, liên tục truyền tải thông tin về nông sản Việt Nam đến người xem. Mô hình livestream bán hàng sẽ giúp hình thành một mô hình mới là mô hình “hàng tìm người”, thúc đẩy doanh số bán hàng một cách hiệu quả.
Bà Qi Ping nhấn mạnh, khác với thương mại thông thường, gian hàng nông sản Việt Nam hướng tới việc giúp khách hàng Trung Quốc hiểu về đất nước, con người Việt Nam và làm quen với thương hiệu nông sản Việt Nam. Do đó, Gian hàng Nông sản Việt Nam sẽ tập trung vào việc tuyên truyền về đất nước con người và nông nghiệp của Việt Nam, qua đó, mang nhiều chủng loại và thương hiệu nông sản từ Việt Nam tới thị trường Trung Quốc. Yêu cầu tiêu chuẩn đặt ra bao gồm: Tuân thủ pháp luật và quy định có liên quan. Tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam. Có quyền sở hữu trí tuệ và thương hiệu độc lập. Sẵn sàng đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc để quảng bá thương hiệu của mình. Hoạt động kinh doanh ổn định trong hơn ba năm. Có khả năng cung ứng và có dịch vụ chăm sóc khách hàng tương đối tốt. Sẵn sàng xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc theo mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới. Tuân thủ các quy tắc liên quan của nền tảng thương mại điện tử. Phân chia trách nhiệm đặt cọc trên nền tảng. Sẵn sàng hợp tác với Tập đoàn Sunwah để tối ưu hóa sản phẩm theo quy định của Trung Quốc về hàng hóa nhập khẩu.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Agritrade chia sẻ tại sự kiện (Ảnh: HNV) |
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Agritrade nhấn mạnh, sự kiện hợp tác này nhằm thông tin các cơ chế, chính sách hỗ trợ, cách tiếp cận mới, nếu cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia gặp khó khăn, vướng mắc sẽ kịp thời nhận hỗ trợ, tập huấn, đào tạo, tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật để gia nhập vào thị trường Trung Quốc. “Tại sự kiện hôm nay, nhiều doanh nghiệp chia sẻ câu hỏi thắc mắc về chi phí, bến bãi, vấn đề hiện hành trong vận chuyển, lưu kho và bán hàng, Ban tổ chức sẽ tổng hợp để hoàn thiện sổ tay hướng dẫn hợp tác. Đồng thời, mong muốn giới thiệu nhiều mô hình của Việt Nam có thể xâm nhập vào thị trường Trung Quốc vì hiện còn rất nhiều dư địa, tiềm năng phát triển”- Giám đốc Nguyễn Minh Tiến nói.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Tiến, Ban tổ chức mong muốn phát triển gian hàng nông sản Việt Nam với sự hỗ trợ của Tập đoàn Sunwah căn cứ vào xu hướng tiêu dùng đang thay đổi theo hướng thương mại điện tử, mua sắm online và kinh doanh trên các nền tảng số. Do đó, các doanh nghiệp trong nước cần chủ động đón xu thế thay đổi để tiếp cận nhanh và mạnh vào thị trường Trung Quốc – một trong những thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi thị trường Mỹ và châu Âu đang có dấu hiệu suy giảm…/.
Nguồn:Đưa nông sản Việt Nam lên sàn thương mại điện tử Trung Quốc