Đường đến giá FIT của 28 dự án điện mặt trời
Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy phép hoạt động điện lực đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành Khủng hoảng trái phiếu lan sang doanh nghiệp điện mặt trời, điện gió |
Một trong những động lực khuyến khích phát triển điện mặt trời là Quyết định 13/2020 được Phó Thủ tướng ký ban hành hồi tháng 4/2020, trong đó điểm mấu chốt là các điều kiện tương ứng để các dự án/phần dự án ĐMT được hưởng biểu giá mua điện ưu đãi FIT.
Tuy nhiên, khi áp dụng một số điều khoản của Quyết định 13 (được Bộ Công thương tham mưu ban hành) đã mở rộng cánh cửa cho 28 dự án ĐMT được lọt danh sách hưởng giá FIT.
Trái nghị quyết của Chính phủ?
Cuối tháng 8/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết 115 về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 – 2023.
Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị quyết là: “Chấp thuận chủ trương phát triển tỉnh Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước (điện gió, điện mặt trời);…. Đồng ý tỉnh Ninh Thuận được hưởng chính sách giá điện theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng đến hết năm 2020 đối với các dự án điện năng lượng mặt trời và hạ tầng đấu nối công suất thiết kế 2.000MW đã được Thủ tướng chấp thuận triển khai. Giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và UBND tỉnh Ninh Thuận triển khai thực hiện”.
Tuy nhiên, Bộ Công thương đã tham mưu Thủ tướng ban hành khoản 3 điều 5 Quyết định 13/2020 với nội dung: “Đối với tỉnh Ninh Thuận, giá mua điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp và có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021 với tổng công suất tích lũy không quá 2.000MW là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT, tương đương với 9,35 Uscents/kWh…), được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại”.
Trong khi đó, Thông tư 43 (do Bộ Công thương ban hành tháng 12/2013) quy định: “Các dự án đầu tư nguồn và lưới điện khi chưa được bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực không được phép triển khai đầu tư”. Như vậy, các dự án ĐMT đã được Thủ tướng chấp thuận triển khai (nêu tại Nghị quyết 115) là các dự án đã được Thủ tướng chấp thuận quy hoạch.
Thanh tra Chính phủ xác định, Bộ Công thương đã tham mưu nội dung khoản 3 điều 5 Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, theo đó mở đối tượng áp dụng giá FIT 9,35 UScent/kWh là “các dự án đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp”, trái với nội dung Nghị quyết 115 của Chính phủ và kết luận của Thủ tướng tại Thông báo 402 của Văn phòng Chính phủ hồi tháng 11/2019.
Đây là nguyên nhân dẫn đến 14 dự án ĐMT được áp dụng giá FIT 9,35 UScent/kWh không đúng đối tượng tại Nghị quyết 115/NQ-CP. Từ năm 2020 tính đến 30/6/2022, EVN phải thanh toán tăng khoảng 1.481 tỷ đồng (tạm tính) so với việc thanh toán theo đúng đối tượng tại Nghị quyết 115 (Báo cáo của EVN hồi tháng 9/2022 cho biết, số tiền thanh toán tăng do chênh lệch giữa giá 9,35 UScent/kWh và 7,09 UScent/kWh theo biểu giá tại Quyết định 13/2020).
14 dự án ĐMT (tổng công suất 964MW) đã và đang được áp dụng giá 9,35 UScent/kWh không đúng đối tượng gồm: Hacom Solar (chủ đầu tư Công ty Năng lượng Hacom), Sinenergy Ninh Thuận 1 (Công ty TNHH Năng lượng Sinenergy Ninh Thuận), Thuận Nam Đức Long (Công ty CP điện mặt trời DLG Ninh Thuận), Thiên Tân Solar Ninh Thuận, Phước Ninh, Mỹ Sơn 2, Mỹ Sơn, Solar Farm Nhơn Hải, SP Infra 1, Adani Phước Minh, Bầu Zôn (Công ty TNHH năng lượng mặt trời TT.Sunlim), Hồ Bầu Ngứ (ngăn 473) của Công ty CP đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành…
Trong đó, công suất lớn nhất là dự án ĐMT 450MW kết hợp trạm 500kV Thuận Nam và đường dây 500kV, 220kV (COD ngày 1/10/2020).
Không đúng chỉ đạo của Thủ tướng
Bộ Công thương cũng tham mưu ban hành nội dung khoản 1 điều 5 Quyết định 13/2020 không đúng kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo 402 ngày 22/11/2020 của Văn phòng Chính phủ.
Tại Thông báo 402, Thủ tướng kết luận: “…Thống nhất về biểu giá FIT chỉ áp dụng đối với các dự án đã ký hợp đồng mua bán điện đã và đang triển khai thi công xây dựng đưa vào vận hành trong năm 2020 (có danh sách cụ thể kèm theo hồ sơ)”.
Đối với các dự án còn lại và các dự án mới sẽ không tiếp tục áp dụng biểu giá FIT mà chuyển hẳn sang thực hiện theo hình thức đấu thầu công khai, minh bạch, cạnh tranh để giảm giá mua điện từ các dự án ĐMT… Bộ Công thương chịu trách nhiệm tham mưu cơ chế đấu thầu phát triển ĐMT, báo cáo Thủ tướng xem xét, ban hành làm cơ sở để thực hiện đối với các dự án còn lại và các dự án mới.
Tuy nhiên, hồi tháng 2/2020, Bộ Công thương đã tham mưu theo phương án 2 là “Dự án và phần dự án ĐMT nối lưới đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư trước 23/11/2019, và có ngày vận hành thương mại trong giai đoạn từ 1/7/2019 đến hết 31/12/2020 được áp dụng Biểu giá mua điện của các dự án mặt trời nối lưới tại điểm giao nhận điện quy định tại Phụ lục của Quyết định này”.
Việc Bộ Công thương tham mưu bỏ điều kiện được áp dụng giá FIT (“các dự án đã ký hợp đồng mua bán điện”) và thay đổi điều kiện “dự án đã và đang triển khai thi công” thành “dự án đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư” được xác định là mở rộng đối tượng áp dụng giá FIT, dẫn đến 14 dự án đã và đang được hưởng giá FIT 7,09 UScent/kWh, áp dụng trong 20 năm, không đúng với kết luận của Thường trực Chính phủ tại Thông báo 402 ngày 22/11/2019 của Văn phòng Chính phủ.
Điển hình một số trường hợp trong danh mục 14 dự án ĐMT nêu trên, gồm: Ea Súp 1,2,3,4,5 tại Đắk Lắk (Tập đoàn Xuân Thiện thực hiện, tổng mức đầu tư gần 53.000 tỷ đồng, giai đoạn 1 khoảng 20.000 tỷ đồng, ký hợp đồng mua bán điện tháng 6/2020), KN Vạn Ninh tại Khánh Hòa (tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư và phát triển điện mặt trời KN Vạn Ninh, trên cơ sở góp vốn của Công ty Golf Long Thành và KN Cam Ranh), Long Sơn tại Khánh Hòa, VNECO Vĩnh Long…
Thanh tra Chính phủ: Bộ Công thương 'buông lỏng quản lý' điện mặt trời
Nguồn:Đường đến giá FIT của 28 dự án điện mặt trời