Giá cà phê hôm nay 16/1: Giảm phiên thứ 4 liên tiếp trong tuần
Giá cà phê hôm nay 15/1: Tiếp đà giảm sâu Giá cà phê hôm nay 14/1: Cà phê trong nước giảm mạnh |
Giá cà phê trong nước
Theo thông tin từ Giacaphe.com, giá cà phê hôm nay tại thị trường trong nước bình ổn ở mức trung bình 114.500 đồng/kg. Hiện giá cà phê cao nhất thu mua ở các vùng trọng điểm của Tây Nguyên được ghi nhận ở mức 114.500 đồng/kg.
Cụ thể, giá cà phê hôm nay tại Đắk Lắk có mức 114.500 đồng/kg, giá cà phê tại Lâm Đồng có mức giá 114.000 đồng/kg, giá cà phê tại Gia Lai có mức giá 114.400 đồng/kg và giá cà phê tại Đắk Nông hôm nay có giá 114.500 đồng/kg.
Tại Việt Nam, giá cà phê trên thị trường nội địa Việt Nam đã có sự điều chỉnh giảm vào đầu năm 2025 và cũng là thời điểm trước Tết Nguyên đán Ất tỵ.
Tính đến ngày 16/1, giá cà phê trong nước đã giảm 4 ngày liên tiếp trong tuần thứ 3 của tháng 1/2025. Dự báo, sự sụt giảm có thể vẫn kéo dài đến hết tuần thứ 3.
Thông tin với Báo chí, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết, hơn 70% diện tích đã thu hoạch xong và sẽ đạt khoảng 90% diện tích trước Tết Nguyên đán. So với thông thường nhiều năm thì năm nay, vụ thu hoạch muộn hơn khá nhiều.
Về sản lượng, các dự báo ban đầu ước tính mức sụt giảm từ 10 - 15%, nhưng đến thời điểm này có thể lạc quan sản lượng chỉ sụt giảm nhẹ khoảng 5% so với cùng kỳ niên vụ trước.
"Sản lượng tốt và giá cà phê vẫn ở mức cao giúp nông dân trồng cà phê có thu nhập tốt. So với nhiều nông sản khác, cà phê có đặc điểm là bảo quản trong điều kiện bình thường trong thời gian 3 - 5 năm chất lượng vẫn không bị ảnh hưởng. Do nông dân thu hoạch xong nhưng không vội bán, nên hàng hóa nhiều mà giao dịch ít. Đó là lý do trong quý 4/2024, sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam giảm trên 40% so với cùng kỳ năm ngoái", ông Hải lý giải.
Các chuyên gia trong nước cũng dự báo, sản lượng cà phê của Việt Nam vài năm tới sẽ tăng nhiều. Trong 2 năm gần đây, cà phê được giá nên người nông dân tập trung đầu tư chăm sóc vườn, năng suất tăng lên rõ. Hơn nữa, Đề án tái canh cây cà phê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ngân hàng Thế giới (giai đoạn 2014-2022) đã có hiệu quả tích cực cả về năng suất và sản lượng. Chưa kể, tại nhiều tỉnh Tây Nguyên, diện tích trồng mới liên tục tăng nhưng chưa thống kê được cụ thể, rất khó để dự báo tổng sản lượng.
Ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia thị trường cà phê nhận định: Thị trường thế giới và trong nước được dự báo vẫn còn nhiều biến động, đòi hỏi ngành cà phê sớm điều chỉnh để đi đúng quỹ đạo, duy trì tăng trưởng một cách bền vững. Nhiệm vụ của ngành cà phê Việt Nam trước mắt là sớm giải quyết các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng, lấy lại uy tín từ đối tác xuất khẩu.
Từ phía người nông dân, cần ưu tiên nâng cao chất lượng cà phê, tránh mở rộng diện tích ồ ạt khiến cung vượt cầu. Doanh nghiệp bên cạnh thu mua, xuất thô cần tích cực đầu tư vào chế biến, chế biến sâu các sản phẩm giá trị gia tăng để đảm bảo tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Giá cà phê thế giới
Đóng cửa phiên giao dịch sáng ngày 16/1, giá cà phê đồng loạt tăng trở lại trên sàn London và New York.
Cụ thể, trên sàn giao dịch London, giá cà phê trực tuyến robusta hợp đồng giao tháng 3/2025 tăng 1,01% (tương ứng 49 USD/tấn) so với phiên giao dịch trước, lên mức 4.912 USD/tấn. Hợp đồng giao tháng 5/2025 tăng 1,25% (60 USD/tấn), đạt 4.856 USD/tấn.
Trên sàn giao dịch New York, giá cà phê arabica hợp đồng giao tháng 3/2025 cũng tăng 2,64% (8,5 US cent/pound), đạt 330,45 US cent/pound. Hợp đồng giao kỳ hạn tháng 5/2025 tăng 2,53% (8,05 US cent/pound), chốt ở mức 326,05 US cent/pound.
Giá cà phê đã phục hồi và đóng cửa tăng so với ngày hôm trước, khi đồng USD yếu thúc đẩy hoạt động mua bù thiếu trong các hợp đồng cà phê kỳ hạn.
Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,76%, xuống mức 109,19 trong ngày 15/1.
Đồng USD suy yếu vào phiên giao dịch vừa qua, nhưng vẫn neo gần mức cao nhất trong hơn hai năm do dữ liệu lạm phát thấp hơn dự kiến sau báo cáo việc làm mạnh mẽ của tuần trước khiến việc thị trường dự đoán các động thái tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về lãi suất trở nên khó khăn hơn.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo rằng nhu cầu cà phê toàn cầu trong niên vụ 2024-2025 có thể đạt 168,07 triệu bao, tăng 3,1% so với niên vụ trước. Mặc dù giá có khả năng tăng nhưng mức tăng trưởng tiêu thụ được kỳ vọng sẽ cao hơn.
Năm 2024 vừa qua là một năm đặc biệt khó khăn đối với ngành cà phê, với các điều kiện thời tiết bất lợi dẫn đến thách thức về nguồn cung ở các nước sản xuất chính như Brazil và Việt Nam, cùng với sự không chắc chắn liên quan đến Quy định Chống Phá rừng của châu Âu, và các yếu tố khác đã đẩy giá cà phê kỳ hạn lên mức cao kỷ lục.
Sự gia tăng này đã gây áp lực lớn lên chuỗi cung ứng cà phê nhân xanh. Trong 12 tháng tới, ngành cà phê sẽ đối mặt với nhiều thách thức và chắc chắn người tiêu dùng sẽ phải trả giá cao hơn cho cà phê, trong khi các hạn chế kinh tế đang diễn ra trên toàn cầu, khả năng cao sẽ ảnh hưởng đến mức tiêu thụ.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đang cập nhật các quy định liên quan đến việc sử dụng thuật ngữ “lành mạnh” trong nhãn sản phẩm thực phẩm và các tuyên bố về nội dung dinh dưỡng. Quy định sửa đổi, dự kiến có hiệu lực từ ngày 25 tháng 2 năm nay, quy định này nêu rõ các loại đồ uống như cà phê, kể cả những loại pha trộn với các thành phần khác, có thể được dán nhãn “lành mạnh” nếu chứa ít hơn 5 calo mỗi khẩu phần.
Quy định mới này được đưa ra nhằm giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết các thực phẩm có ích như một nền tảng của chế độ ăn uống bổ dưỡng, theo đánh giá của FDA. Hoa Kỳ hiện là quốc gia tiêu thụ cà phê hàng đầu thế giới với 25,5 triệu bao cà phê nhân xanh mỗi năm.
Nguồn: Giá cà phê hôm nay 16/1: Giảm phiên thứ 4 liên tiếp trong tuần