Gia Lai: Cây đa trăm tuổi ở xã Gào anh hùng
Gia Lai: Sử dụng chế phẩm IMO trong sản xuất nông nghiệp: Chi phí thấp, hiệu quả cao Gia Lai: Tuổi cao-gương sáng |
Chứng nhân thầm lặng
Một ngày tháng 10, chúng tôi về xã Gào để thêm một lần được chiêm ngắm vẻ đẹp độc đáo của cây đa cổ thụ trăm tuổi tại Khu di tích lịch sử căn cứ cách mạng Khu 9 (trước kia thuộc làng C, nay thuộc thôn 5). Sau mấy ngày mưa liên tiếp, đoạn đường đất dẫn vào Khu di tích đã kịp phủ một màu rêu trơn trượt xen lẫn cỏ dại xanh um.
Vừa rê nhẹ tay ga xe máy, anh Rơmah Mang-Bí thư Đoàn xã Gào-vừa kể: “Trước đây, không có con đường đi thẳng vào Khu di tích. Muốn đến được đây, chúng tôi thường phải băng qua vườn rẫy của bà con. Để tạo thuận lợi cho người dân cũng như khách tham quan, xã đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân hiến đất để mở đường. Bà con ai nấy đều đồng tình ủng hộ nên chẳng mấy chốc mà con đường đã hoàn thành”.
Cây đa cổ thụ ở xã Gào, TP. Pleiku. Ảnh: S.C |
Chỉ sau 10-15 phút di chuyển từ trụ sở UBND xã, điểm đến lịch sử với cây đa cổ thụ như một tượng đài xanh đã hiện ra trước mặt. Cây đa tại Khu di tích lịch sử cách mạng Khu 9 được ghi nhận là lớn nhất, lâu đời nhất tại xã Gào. Với địa thế, vị trí nằm trên một triền đất cao xen lẫn nhiều tảng đá lớn, cây vừa bám rễ sâu vào lòng đất, vừa nương vách đá đẩy thân mình tỏa tán rộng lên trời cao. Theo ước tính, thân cây đa tầm 10-12 người ôm, chiều cao hơn 20 m, đường kính tán phủ rất rộng trên nền diện tích xung quanh thân chính tầm 20-30 m.
Biết mục đích đến thăm của chúng tôi, ông Rơmah Thanh-nguyên Bí thư Đảng ủy xã Gào-không giấu được niềm xúc động. Cùng chúng tôi tận hưởng không khí mát lành dưới tàng cổ thụ, ông Thanh thong thả ôn lại chuyện xưa. “Đây là cây đa mọc tự nhiên. Vì vậy, bà con trong xã không ai có thể biết chính xác được cây đa này bao nhiêu năm tuổi. Tôi chỉ nghe người già trong làng kể rằng, từ hồi năm 1946 đã thấy có cây đa này rồi. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi được phân công làm cảnh vệ cho các đồng chí lãnh đạo. Chúng tôi đã tận dụng địa thế trên cao của cây đa này làm đài quan sát các khu vực xung quanh để cảnh báo, cảnh giới kịp thời”.
Cũng theo ông Rơmah Thanh, trong kháng chiến chống Pháp, đồng bào các dân tộc ở xã Gào đã đoàn kết một lòng vùng lên cùng đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ buôn làng. Còn trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, như một sự sắp đặt ngẫu nhiên của tạo hóa, cây đa nằm phía trên cao và hệ thống hang đá nằm dọc theo bờ suối phía bên dưới đã trở thành nơi ẩn nấp, nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ. Ở trên cao, cây đa cổ thụ giữ vị trí tiền tiêu quan sát. Ở bên dưới, dọc theo dòng suối là hệ thống hang đá tự nhiên có cấu trúc đặc biệt được sử dụng như một nơi hoạt động bí mật: hang thứ nhất là hang cạn dùng để chứa vũ khí; hang thứ hai ở phía dưới dùng làm nơi để cán bộ, lãnh đạo hội họp, ẩn náu.
Trong suốt những năm tháng kháng chiến gian khổ, xã Gào được xem như bàn đạp, là căn cứ bí mật của Khu 9 (thị xã Pleiku trong thời kỳ chống Mỹ). Gắn với vùng đất này qua nhiều giai đoạn lịch sử, cây đa là nhân chứng thầm lặng mà sống động, minh chứng cho tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của Nhân dân ta.
“Cây đa cổ thụ này đã phải trải qua nhiều đợt pháo kích dữ dội của địch. Nhất là sau Tết Mậu Thân 1968, địch dồn sức đánh phá vùng ven hết sức ác liệt. Các đợt pháo kích từ hướng La Sơn, Thanh An bắn vào dồn dập đã khiến cây bị gãy ngọn, gãy tán, thân cành trở nên tiêu điều xơ xác như sau một trận bão lớn”-ông Rơmah Thanh trầm giọng kể.
Dưới bóng mát trăm năm
Tận thấy tàng cây, rồi thảnh thơi tận hưởng không khí trong lành, dịu mát dưới bóng cây, chúng tôi càng hiểu vì sao người dân trong xã lại trân quý cây đa này đến như vậy. Với sức sống mãnh liệt tựa như chính ý chí, bản lĩnh của người dân nơi đây, dù mang trên mình nhiều thương tích chiến tranh, nhưng qua năm qua tháng, cây đã thực sự hồi sinh. Mỗi tàng cây khi già cỗi lại có thêm đôi tán non xanh. Tất cả giao hòa, gắn quyện, âm thầm cùng nhau vươn xa tỏa bóng mát.
Mặc dù đã nhiều lần đưa các đoàn khách đến tham quan cây đa cổ thụ tại Khu di tích lịch sử căn cứ cách mạng Khu 9, thế nhưng lần nào đến đây, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Văn Ánh cũng bồi hồi, xúc động cùng niềm tự hào trào dâng khi giới thiệu về cây đa lâu đời nhất của địa phương. “Bản thân tôi có hơn 20 năm công tác tại vùng đất giàu truyền thống cách mạng này. Đối với chúng tôi, cây đa cổ thụ không chỉ gắn với quần thể khu di tích cách mạng mà còn ẩn chứa những giá trị tinh thần sâu sắc. Đây cũng là niềm tự hào của người dân xã Gào”-ông Ánh chia sẻ.
Dưới gốc đa cổ thụ, ông Rơmah Thanh (bìa trái) kể chuyện tham gia kháng chiến cho thế hệ trẻ xã Gào. Ảnh: S.C |
Do nhiều yếu tố khách quan về điều kiện tự nhiên, hệ thống hang đá khu vực dưới suối vẫn chưa thể trở thành điểm tham quan thuận lợi để mang tính kết nối với vị trí cây đa cổ thụ trong quần thể Khu di tích lịch sử. Mặc dù vậy, với những điểm đặc trưng độc đáo, cây đa cổ thụ trăm tuổi là một trong những điểm đến trong hành trình về nguồn của nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh và du khách.
Theo Bí thư Đoàn xã Rơmah Mang, nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP. Pleiku đã tổ chức tham quan, sinh hoạt về nguồn tại Khu di tích lịch sử căn cứ cách mạng Khu 9, tham quan cây đa cổ thụ. Chính quyền xã phối hợp với Thành Đoàn Pleiku xây dựng một ngôi nhà sàn để làm nơi gìn giữ, tôn tạo tại Khu di tích. Với tinh thần tự hào tiếp nối truyền thống cách mạng và trân trọng giữ gìn di sản lịch sử, trong những dịp lễ, Tết hoặc sự kiện quan trọng, Hội Cựu chiến binh xã, Đoàn xã thường mời các nhân chứng lịch sử gặp mặt, nói chuyện truyền thống, chia sẻ những kỷ niệm không thể nào quên trong những năm tháng đấu tranh cách mạng gian khổ mà hào hùng, từ đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho người dân, nhất là thế hệ trẻ.
Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử của di tích, gắn với phát triển tiềm năng du lịch địa phương, xã Gào đang tiến hành các bước cần thiết để khảo sát, xác định ranh giới, xây dựng đề án bảo tồn Khu di tích lịch sử căn cứ cách mạng Khu 9. Đối với những người đã từng gắn bó với căn cứ địa cách mạng, vượt qua máu lửa chiến tranh như ông Rơmah Thanh thì đây là tin vui. “Chúng tôi rất mong các cấp lãnh đạo quan tâm đầu tư xây dựng Khu di tích lịch sử căn cứ cách mạng Khu 9. Công trình này khi xây dựng xong sẽ trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ. Đây cũng là điểm tham quan tạo liên kết du lịch với các điểm du lịch khác, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương”-nguyên Bí thư Đảng ủy xã Gào bày tỏ.
Trong dòng chảy không ngừng của thời gian, cây đa cổ thụ vẫn bình yên tỏa bóng như một chứng nhân đáng tin cậy. Sự hiện hữu đó giống như cách mà cây đa đã lặng lẽ vượt qua mọi trở ngại, biến thiên thời cuộc. Để ngày hôm nay, cây đa cổ thụ trăm tuổi tại Khu di tích lịch sử căn cứ cách mạng Khu 9 trở thành một phần di sản và ký ức không thể phai mờ trong trái tim người dân xã Gào nói riêng, người dân Pleiku nói chung.
Nguồn: Cây đa trăm tuổi ở xã Gào anh hùng