Gia Lai: Chiến thắng Suối Vối, Rộc Dứa được xếp hạng di tích cấp tỉnh
Vào dịp lễ, Tết, người dân đến thắp nhang tưởng nhớ công lao, sự hy sinh anh dũng của Anh hùng liệt sĩ Ngô Mây. Ảnh: Ngọc Minh |
Năm 1997, huyện An Khê (nay thị xã An Khê) đã xây dựng Bia tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Ngô Mây tại tổ 1, phường Ngô Mây nhằm tưởng nhớ công lao, sự hy sinh quả cảm của Anh hùng liệt sĩ Ngô Mây. Di tích có tổng diện tích 489 m2, trong đó khu vực 1 là 100 m2, khu vực 2 là 389 m2.
Anh hùng liệt sĩ Ngô Mây sinh năm 1924 tại thôn Vân Triêm (nay là thôn Chánh Hội, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Cuối năm 1946, Ngô Mây tình nguyện vào Đại đội Quyết tử và được chọn cùng các bạn của mình như: Bùi Kinh, Huỳnh Tiên, Nguyên Đôn, Nguyễn An Thành, Nguyễn Tường...
Gia nhập Đội cảm tử quân, Ngô Mây được nhận giữ một quả bom. Trên đường ra thao trường, về nhà, lên lớp học chính trị..., anh đều nâng niu vũ khí của mình. Anh luyện tập ôm bom thành thục, đủ mọi tư thế. Để chắc ăn hơn nữa, Ngô Mây còn đề nghị chỉ huy đơn vị cho lắp thêm một nụ xòe vào đầu quả bom 25 kg, đề phòng khi xung trận chẳng may đầu nổ bị hỏng.
Bia tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Ngô Mây tại tổ 1, phường Ngô Mây, thị xã An Khê. Ảnh: Ngọc Minh |
Theo kế hoạch, cuối năm 1947, sau khi tổ chức trinh sát nắm bắt tình hình và quy luật hoạt động của địch, Đại đội Quyết tử tổ chức phục kích tại khu vực Suối Vối-Rộc Dứa. Rời Bình Định, từ Vĩnh Thạnh, Định Quang, đơn vị hành quân lên tập kết ở chiến khu xóm Ké (An Khê, Gia Lai). Đại đội Quyết tử bố trí đội hình, hoàn tất việc chiếm lĩnh trận địa trước 3 giờ sáng để sương xuống xóa hết dấu vết. Đúng như dự kiến, đến khoảng 8 giờ ngày 12-11, bốn chiếc GMC chở lính Âu Phi từ hướng An Khê chạy đến.
Qua khỏi khúc cua nhỏ, vừa thấy cầu bị cháy sém, xe địch từ từ chạy chậm lại (do sương nhiều, quân ta đã đốt nhưng cầu không sập hẳn). Một tên địch đứng lên hô to, đại ý: "chú ý, cầu sập" và ra hiệu cho đoàn xe dừng lại. Bọn lính trên xe vừa đứng lên, xe địch chưa dừng hẳn thì quân ta nổ súng. Khẩu trung liên bắn chặn đầu, ba tổ súng trường cũng đồng loạt nhả đạn. Bộ phận xung phong của Đại đội Quyết tử bắt đầu vượt qua một bãi cỏ tranh trống, khoảng gần 80 m. Trong khi đó, lính Âu Phi trên các xe bắt đầu nhảy xuống mặt đường tổ chức phản kích. Chúng bắn chặn phía trước mặt lực lượng ta, đồng thời đánh vòng sang từ bên sườn trái. Bộ phận bảo vệ sườn bên trái của ta bị một trung đội địch đánh bật. Đúng lúc này, khẩu trung liên bị hóc đạn sau khi bắn được hai loạt, khoảng 12 viên. Chiến sĩ Lưỡng bình tĩnh sửa súng, bắn thêm một loạt độ 5, 6 viên nữa thì vũ khí lại bị hỏng và đạn cũng chỉ còn 6 viên. Các súng trường đều đã hết đạn. Không còn hỏa lực yểm trợ, bộ phận xung phong của ta mới cơ động được khoảng một nửa chặng đường 80 m buộc phải dừng lại. Một số chiến sĩ bị thương; bộ đội ta ném lựu đạn từ khoảng cách gần 60 m nên không trúng đích. Thời cơ xung phong đã qua. Trước tình hình đó, chỉ huy đơn vị quyết định tạm lui quân lại mé rừng phía sau, cách khoảng 300-400m, chiếm lĩnh địa hình có lợi.
Sau chừng 5 phút, một xe AM (Auto-Mitrailleuse) dừng giữa trận địa. Tiếng súng im dần. Trinh sát ta leo lên cây quan sát thì thấy chiếc xe bọc thép mới đến đậu giữa 4 chiếc GMC, mỗi xe cách nhau khoảng 10-15 m. Địch đứng lố nhố khá đông quanh xe AM, mặt quay về hướng ta vừa mới thu quân. Tên chỉ huy cao to, đứng trên chiếc AM, quát lớn, đại ý: "Việt Minh đâu?". Trong tích tắc, cùng với tiếng hô to “Việt Minh đây” là một tiếng nổ vang rền. Từ bụi rậm, Ngô Mây đã ôm bom lao vào xe giặc. Địch hỗn loạn tháo chạy sang phía bên kia đường. Bộ đội ta xung phong và làm chủ chiến trường. Khoảng một trung đội giặc đã bị tiêu diệt. Ta thu được 3 tiểu liên Thompson, 2 tiểu liên Sten, 5 súng trường và 1 trung liên đầu bạc... Đại đội tìm không thấy thi thể chiến sĩ Ngô Mây. Chiếc khăn quàng đỏ của người liệt sĩ can trường bị thủng, rách nhiều chỗ bay vướng trên một bụi cây.
Tấm gương hy sinh lẫm liệt của Anh hùng Ngô Mây đã đi vào sử sách, thơ, văn, tên phố, tên phường, tên trường… 75 năm qua, địa danh Rộc Dứa, Suối Vối luôn gắn với trận đánh của Anh hùng Ngô Mây.
Nguồn: Chiến thắng Suối Vối, Rộc Dứa được xếp hạng di tích cấp tỉnh