Gia Lai: Chư Pưh xử phạt 8 trường hợp khai thác khoáng sản trái phép với tổng số tiền 86 triệu đồng
Gia Lai và Hàn Quốc ký kết các bản ghi nhớ hợp tác đầu tư Gia Lai: Người tiên phong thực hành tiết kiệm ở làng Greo Sék |
Đoàn kiểm tra thực tế mỏ đá xây dựng tại thị trấn Nhơn Hoà của Công ty TNHH một thành viên Loan Duy Nhất. Ảnh: Nhật Hào |
Đoàn đã khảo sát thực tế 3 điểm mỏ khai thác khoáng sản được cấp phép trên địa bàn huyện Chư Pưh gồm: mỏ đá xây dựng tại thị trấn Nhơn Hoà của Công ty TNHH một thành viên Loan Duy Nhất; mỏ đá xây dựng tại xã Ia Le của Công ty TNHH khai thác khoáng sản Đức Sang Gia Lai và mỏ khai thác quặng fluorit tại xã Ia Le của Công ty TNHH Bách Long 1 (đã dừng hoạt động để hoàn thổ đóng cửa mỏ).
Theo đó, đoàn tập trung kiểm tra diện tích (bao gồm diện tích bố trí xây dựng hạ tầng phục vụ khai thác và diện tích khai thác của các doanh nghiệp được cấp phép); vị trí được cấp phép; việc cắm mốc thực địa; lắp đặt trạm cân và camera giám sát; việc giám sát khối lượng, thực hiện nghĩa vụ tài chính, công tác đảm bảo môi trường, hoàn thổ, thực hiện cam kết của doanh nghiệp khai thác khoáng sản theo khoản 2, điều 5 Luật Khoáng sản năm 2010 trong hỗ trợ địa phương về chi phí đầu tư, nâng cấp, xây dựng hạ tầng sử dụng trong khai thác khoáng sản cũng như xây dựng các công trình phúc lợi, tạo việc làm cho lao động địa phương…
Đoàn kiểm tra việc cắm mốc thực địa tại mỏ khai thác quặng fluorit tại xã Ia Le của Công ty TNHH Bách Long 1 . Ảnh: Nhật Hào |
Báo cáo với đoàn giám sát, ông Lê Quang Thái-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh cho biết, giai đoạn 2017-2022, trên địa bàn huyện có 7 điểm mỏ được cấp phép khai thác khoáng sản, trong đó, có 4 điểm mỏ khoáng sản làm vật liệu thông thường (3 điểm mỏ đang hoạt động, 1 điểm mỏ hết thời gian khai thác, đang tiến hành các hoạt động đóng cửa mỏ theo quy định). Nhìn chung, các doanh nghiệp có giấy phép khai thác khoáng sản tương đối chấp hành các quy định của Luật Khoáng sản như: khai thác đúng khu vực, toạ độ, công suất được cấp phép; đúng Luật Bảo vệ môi trường (có lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, ký quỹ phục hồi môi trường) và Luật Đất đai (lập hồ sơ thuê đất…).
Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện Chư Pưh vẫn còn một số tồn tại như: Một số doanh nghiệp khai thác với quy mô nhỏ nên chưa có sự đầu tư về công nghệ, phương thức khai thác nên gây ra tổn thất về tài nguyên; việc quản lý trữ lượng khai thác khoáng sản đối với địa phương cấp huyện vẫn đang thực hiện bằng phương pháp tổng hợp từ báo cáo của doanh nghiệp và đối chiếu hiện trường khai thác là thiếu cơ sở, không chính xác dẫn đến việc thu thuế, phí đối với hoạt động khai thác khoáng sản chưa phù hợp, có thể gây thất thoát ngân sách. Ngoài ra, trên địa bàn vẫn còn xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Qua công tác thanh-kiểm tra, huyện phát hiện, xử phạt 8 trường hợp với tổng số tiền 86 triệu đồng.
Sau khi đi thực tế, đoàn giám sát đã làm việc với huyện Chư Pưh về công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Ảnh: Nhật Hào |
Tại buổi làm việc, huyện Chư Pưh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Cục thuế tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác quản lý trữ lượng khai thác để thu thuế, phí đúng và đủ theo quy định; ban hành văn bản quy định về nơi đóng thuế, phí trong hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp nhằm tăng cường công tác kiểm soát việc thực hiện nghĩa vụ tài chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản; thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định về khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp; đưa vào quy hoạch một số mỏ đất, một số vị trí cát nếu đủ điều kiện để có lực lượng kiểm soát, tránh khai thác trái phép…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt ghi nhận sự nỗ lực của huyện Chư Pưh trong công tác quản lý hoạt động khai thác cũng như bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, đặc biệt là đã chủ động phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản khu vực ranh giới, đôn đốc doanh nghiệp thực hiện các quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản; chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát, xử phạt các trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại như: Công tác phối hợp quản lý an toàn mỏ, đảm bảo vệ sinh tại khu vực khai thác chưa đảm bảo; công tác phối hợp trong giám sát việc hoàn thổ của các mỏ đã đóng cửa chưa chặt chẽ; quản lý việc sử dụng đất đối với các mỏ đất làm công trình hạ tầng và bãi chứa khoáng sản chưa đúng mục đích; huyện Chư Pưh còn lúng túng trong quản lý sản lượng khai thác của các doanh nghiệp được cấp phép…
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Nhật Hào |
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cho rằng nguyên nhân của các tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện Chư Pưh là do có một số bất cập liên quan đến Luật Khoáng sản 2010, Luật Quy hoạch 2017; Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015; vấn đề phân cấp thẩm quyền chưa rõ ràng gây sự lúng túng cho công tác quản lý Nhà nước ở địa phương; sự bất cập về tính quy phạm pháp lý trong đặt trạm cân. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa địa phương và các sở, ban, ngành liên quan chưa chặt chẽ; việc thanh-kiểm tra chưa tốt và chưa có giải pháp xử lý cụ thể...
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị huyện Chư Pưh tiếp tục thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản; thường xuyên đôn đốc các doanh nghiệp tuân thủ các quy định theo giấy phép khai thác khoáng sản; kiểm soát chặt chẽ quá trình khai thác đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu thông thường có nổ mìn; rà soát lại việc thực hiện công tác phòng hộ, phương án bảo vệ và phục hồi môi trường của doanh nghiệp đã đóng cửa mỏ. Ngoài ra, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các khu vực đã cho thuê; bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và chủ động phối hợp với các địa phương trong và ngoài tỉnh tăng cường kiểm tra, bảo vệ khoáng sản khu vực giáp ranh…
Nguồn: Chư Pưh cần tăng cường phối hợp trong quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản