Gia Lai: Để tăng trưởng xanh không nằm... trên giấy
Gia Lai: Liên kết sản xuất mắc ca theo chuỗi giá trị Gia Lai: Đổi thay ở những ngôi làng tái định cư |
Gia Lai đang từng bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, chú trọng chất lượng sản phẩm để phát triển tăng trưởng xanh. Ảnh: Hà Duy |
Tại phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh (diễn ra ngày 30-5), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận định: Khó khăn, thách thức lớn đối với tăng trưởng xanh hiện nay chính là sự thiếu đồng bộ, chặt chẽ của hành lang pháp lý cho tăng trưởng xanh, nhất là một hệ thống tiêu chuẩn xanh quốc gia hoàn chỉnh, làm cơ sở để xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư hoặc triển khai các chương trình, dự án thí điểm xanh. Nhận thức và năng lực xây dựng, thực thi chính sách về tăng trưởng xanh còn nhiều hạn chế. Nguồn vốn đầu tư công chưa đóng vai trò "vốn mồi", làm đòn bẩy thúc đẩy huy động đầu tư tư nhân xanh.
Song, dù là tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng Gia Lai vẫn “nhập cuộc” phát triển tăng trưởng xanh với tinh thần đầy nỗ lực, quyết tâm cao. Theo đó, ngày 18-7-2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 413/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh nhằm mục tiêu cụ thể hóa những quan điểm, định hướng, giải pháp thực hiện Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của tỉnh gồm 18 chủ đề, gồm: Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước gắn kết với các mục tiêu tăng trưởng xanh; truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức; phát triển nguồn nhân lực và việc làm xanh; huy động nguồn lực tài chính và thúc đẩy đầu tư cho tăng trưởng xanh; khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; hội nhập và hợp tác quốc tế; bình đẳng trong chuyển đổi xanh; năng lượng; công nghiệp; giao thông vận tải và dịch vụ logistics; xây dựng; nông nghiệp và phát triển nông thôn; quản lý chất thải; quản lý chất lượng không khí; quản lý tài nguyên nước, tài nguyên đất đai, đa dạng sinh học; tiêu dùng và mua sắm xanh, bền vững; y tế; du lịch. Kế hoạch cũng phân công, phân nhiệm một cách rõ ràng dựa trên cơ sở vai trò, nhiệm vụ của từng sở ngành cũng như yêu cầu sự vào cuộc nghiêm túc của các địa phương thuộc tỉnh.
Nhiều doanh nghiệp sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân cho các trang trại nông nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh. Ảnh: Hà Duy |
Trong thực tế, không chỉ từ khi ban hành Kế hoạch này tỉnh ta mới chú trọng đến tăng trưởng xanh mà trước đó, xác định được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh, Gia Lai đã từng bước triển khai nhiều hoạt động cho mục tiêu này. Thấy rõ nhất là việc tỉnh ta tập trung cơ cấu lại kinh tế theo hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Thời gian qua, Gia Lai đã đẩy mạnh kêu gọi, thu hút gần 280 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với khoảng 40 dự án trồng trọt, hơn 200 dự án chăn nuôi và 36 dự án trồng rừng nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị, chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn xanh.
Cùng với đó, tỉnh ta cũng ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo nhằm góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế xanh, trung hòa các bon, giảm sử dụng các nguồn năng lượng không tái tạo, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng khả năng phòng ngừa thiên tai và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, Gia Lai có 7 dự án điện năng lượng mặt trời với tổng vốn 15.137 tỷ đồng và 17 dự án điện gió với tổng vốn 41.253 tỷ đồng được cấp quyết định chủ trương đầu tư. Dự kiến sắp tới, Gia Lai sẽ còn có thêm nhiều dự án về năng lượng tái tạo được đầu tư.
Mới đây, phát biểu tại phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Gia Lai (diễn ra ngày 11-8 tại Hà Nội), đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: “Theo quy hoạch, đến năm 2030, Gia Lai phấn đấu phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, trở thành vùng động lực tiểu vùng Bắc Tây Nguyên; là tỉnh tiên phong trong vùng về chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với chuyển đổi số, kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập”.
Có thể thấy, tăng trưởng xanh là một mục tiêu lớn mà Gia Lai đang nỗ lực hướng tới. Đây là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt tiếp tục thay đổi tư duy, cách làm trong phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phục hồi hệ sinh thái, bảo đảm công bằng, an sinh xã hội. Đáng mừng hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền xây dựng Bộ tiêu chí khoa học về phân loại xanh quốc gia, đảm bảo hài hòa với thông lệ quốc tế. Đây chính là khung pháp lý quan trọng trong triển khai thực hiện tăng trưởng xanh. Theo đó, Bộ tiêu chí sẽ là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương lựa chọn dự án đầu tư và phân bổ nguồn lực; các nhà đầu tư có thể đối chiếu các tiêu chí để tiếp cận các chính sách ưu đãi, cũng như nguồn lực tài chính xanh từ các tổ chức.
Nguồn: Để tăng trưởng xanh không nằm... trên giấy